"Cài số lùi" vì phụ trợ

HỒNG NGA| 04/12/2009 08:59

Thiếu chiến lược phát triển các ngành phụ trợ” là nhận định chung của hầu hết chuyên gia kinh tế và DN về thực trạng ngành công nghiệp ô tô của VN hiện nay.

“Thiếu chiến lược phát triển các ngành phụ trợ” là nhận định chung của hầu hết chuyên gia kinh tế và DN về thực trạng ngành công nghiệp ô tô của VN hiện nay. Chính vì vậy mà tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của xe lắp ráp trong nước vẫn chưa cao và giá bán xe tại VN đang ở mức cao ngất ngưởng.

Manh mún, chi phí sản xuất cao

Những mẫu xe mới được giới thiệu tại triển lãm Motor Show - Ảnh Thi Na

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), tính đến hết tháng 10/2009, các thành viên của VAMA đã bán ra thị trường hơn 92.000 xe. Thậm chí từ nhiều tháng nay, các DN thuộc VAMA còn bị “cháy hàng”, có DN đã ngưng nhận đơn hàng từ nay đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, người dân VN đang phải mua xe với giá đắt gấp ba lần so với các nước khác, một trong những nguyên nhân là do VN chưa phát triển được công nghiệp phụ trợ.

Tại hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp ô tô VN: Cơ hội và thách thức” diễn ra tuần qua, ông Akiti Tachibana - Chủ tịch VAMA cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ hiện còn yếu và manh mún, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Vì thế, phát triển công nghiệp phụ trợ đã trở thành vấn đề sống còn và rất khó có thể thành công nếu thiếu những chính sách định hướng của Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa phụ thuộc vào khả năng phát triển các ngành phụ trợ, các DN vệ tinh cho công nghiệp ô tô tại VN. “Quy mô nhỏ của thị trường khiến các DN nước ngoài không hào hứng với việc đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ, đơn giản vì sẽ không có hiệu quả kinh tế”, bà Lan khẳng định. “Vấn đề chủ yếu nằm ở sản lượng không đủ để giảm chi phí.

Chẳng hạn, dòng xe Innova có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất là 37%, trước thời điểm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới, sản lượng của Innova đã đạt gần 1.500 xe/tháng, nghĩa là có thể nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa, giảm được chi phí và giá, nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm giảm sản lượng. Các hãng xe khác cũng có mẫu xe chiến lược của họ nhưng chưa có mẫu xe nào đạt sản lượng vài ngàn xe/tháng”, ông Akiti Tachibana nói thêm.

Các lãnh đạo trong ngành công nghiệp này đều thừa nhận, ngành sản xuất ô tô của VN tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực; nhu cầu tiêu thụ xe chỉ tập trung ở phần nhỏ người dân khá giả. Theo tính toán của ông Ngô Văn Trụ - Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), người VN có quyền hy vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp này, vì “đến năm 2015, nhu cầu sử dụng xe sẽ tăng mạnh và sẽ bùng nổ vào năm 2020 với bình quân 50 xe/1.000 dân”, ông Trụ khẳng định.

Đi tìm “dòng xe quốc gia”

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Thái Lan, cả nước này có 16 công ty lắp ráp xe hơi, nhưng có đến 648 công ty cung cấp linh kiện ở quy mô lớn và 1.641 công ty ở quy mô nhỏ. Năm 2008, tổng sản lượng của 16 DN lắp ráp là 1.394.029 chiếc và dự kiến năm 2009, số xe được tiêu thụ sẽ tăng thêm 940.000 chiếc. Với lượng DN trong ngành phụ trợ phát triển mạnh, tỷ lệ nội địa hóa ở Thái Lan rất cao: 80% đối với xe bán tải và 30 - 70% đối với xe du lịch.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Thái Lan, ông Michael Pease - Tổng giám đốc Ford VN cho rằng, không chỉ Thái Lan mà hầu hết các nước Đông Nam Á đều có “lộ trình” phát triển ngành công nghiệp ô tô giống nhau. Trong giai đoạn đầu, các nước đều tập trung phát triển sản xuất nội địa quy mô lớn để tối ưu hóa chi phí và tăng nội địa hóa. Đó chính là đòn bẩy cho xuất khẩu và phát triển một ngành công nghiệp sản xuất có khả năng cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh chiến lược nội địa hóa, chính phủ các nước cũng khuyến khích đầu tư, chủ động hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa thoát khỏi áp lực của các nhà nhập khẩu đơn thuần, đồng thời xây dựng chính sách thống nhất và lộ trình rõ ràng. Không chỉ thế, các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia còn phát triển “các dòng xe chiến lược” mà nhu cầu nội địa của họ lớn nhất và không bị cạnh tranh bởi các nước ASEAN khác. “Chúng ta có thể thấy các chương trình dòng xe quốc gia với những chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước đã giúp thúc đẩy đầu tư nội địa và chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả ở các nước này”, ông Michael Pease nói.

Theo các DN, vấn đề nội địa hóa và công nghiệp phụ trợ là thách thức liên quan đến quy mô sản xuất và hiệu quả chi phí. Vì vậy, “Để phát triển được công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô tại VN, cần có các chính sách nhất quán và hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như các chính sách kích cầu và mở rộng tiêu thụ nội địa để có thể hỗ trợ đầu tư sản xuất trong nước. Tôi nghĩ là các DN sản xuất ô tô nên làm việc cụ thể với các cơ quan của Chính phủ để xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này với các bước cụ thể phù hợp từng giai đoạn”, ông Akiti Tachibana đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cài số lùi" vì phụ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO