Hiểu về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

Hồng Như| 19/11/2021 09:06

Số vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài tăng dần trong những năm gần đây. Điều đáng chú ý là hiện nay thị trường kiện sản phẩm Việt Nam là các nước bạn gần gũi như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…

Hiểu về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

Đó là thông tin từ Hội nghị cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 19/11 tại Hà Nội và trực tuyến tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Thực tiễn về PVTM 

Theo ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, PVTM là công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá, nhận trợ cấp từ chính phủ hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất nội địa. Đây là nội dung tương đối mới ở nước ta, song trong những năm gần đây một số doanh nghiệp, các sở ban ngành bắt đầu quan tâm và có ý thức PVTM. 

Tính từ năm 2000 đến nay, số vụ kiện PVTM đối với hàng Việt Nam xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài tăng dần đều. Đơn cử năm 2000 chỉ có 1 vụ kiện nhưng các năm sau đó tăng lên 8, 9, 12 vụ và đỉnh điểm là năm 2020, hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước đối diện với 39 vụ kiện. Các sản phẩm thường xuyên bị kiện là nhóm sắt, thép, nhôm, tôn, đồng. 

Hang-VN-XK-bi-kien-PVTM-2136-1637316187.

“Đây là nhóm sản phẩm bị kiện nhiều nhất trên thế giới, không riêng Việt Nam. Song điều bất cập là một số sản phẩm của Việt Nam không phải là sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhưng vẫn bị kiện, ví dụ nhóm giày dép, phụ gia chăn nuôi, bột ngọt… Điều này chứng minh kiện PVTM đã trở thành vấn đề phổ biến trên thế giới trong bối cảnh kinh tế các nước đang gặp nhiều khó khăn” - bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Riêng với thị trường trong nước, từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 25 vụ PVTM, trong đó có 16 vụ về chống bán phá giá, 6 vụ về tự vệ, 2 vụ chống lẩn tránh các biện pháp tự vệ và 1 vụ chống trợ cấp. Một số hàng nhập khẩu thường xuyên bị điều tra để bảo vệ sản phẩm trong nước có thể kể đến là các sản phẩm thép, đường, bột ngọt, dầu thực vật, nhựa, ván gỗ, phân bón…

VN-dieu-tra-PVTM-5805-1637316187.png

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết: “Các biện pháp PVTM đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Nhờ công cụ này, một số doanh nghiệp cải thiện được tình hình sản xuất, tránh thua lỗ và ổn định quá trình kinh doanh. Đặc biệt, nhờ một số biện pháp PVTM, giá đầu vào của một số ngành sản xuất trong nước cũng ổn định hơn”. 

Cách dùng PVTM để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

Ông Dũng lưu ý, đối với quá trình khởi kiện và điều tra về PVTM, đơn khởi kiện và yêu cầu Bộ Công Thương điều tra phải là đơn của ngành chứ không phải của một doanh nghiệp cụ thể. Đặc biệt, người nộp đơn hoặc đứng đơn phải đại diện cho 25% sản lượng sản xuất trong ngành và được sự ủng hộ của ít nhất 50% doanh nghiệp có sản lượng tổng cộng 50% sản lượng của ngành. 

Trong quá trình điều tra, nhóm khởi kiện phải chứng minh được 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là sản phẩm đó có hành vi bán phá giá, hành vi trợ cấp hoặc số lượng nhập khẩu gia tăng đột biến hay không? Thứ hai là sản phẩm nhập khẩu có ảnh hưởng, tác động và thiệt hại với ngành sản xuất trong nước như thế nào? Thứ ba là chứng minh được có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi bán phá giá, trợ cấp đối với những thiệt hại của thị trường trong nước. 

Ong-Le-Trieu-Dung-JPG-2856-1637316187.jp

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội nghị - Ảnh chụp màn hình trực tuyến tại Trung tâm Báo chí TP.HCM

Trước khi vụ việc về PVTM diễn ra, các doanh nghiệp cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình; thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư khi cần thiết; chủ động xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại; lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, các bên liên quan cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ bằng cách trả lời bảng câu hỏi đúng thời hạn, đầy đủ hoặc hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài… tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật PVTM của WTO và nước điều tra; thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc; tích cực trao đổi, phối hợp với Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý.

Quy trình điều tra về PVTM có 8 bước. 

Quy-trinh-dieu-tra-PVTM-8156-1637316187.

PVTM không còn là khái niệm mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động trong công tác này dẫn đến việc bị thiệt hại như không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, bị doanh nghiệp nước ngoài điều tra và áp thuế PVTM, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì vậy, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo đài cần tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và chính xác về quy định, cách thức áp dụng PVTM để khi có vấn đề xảy ra, các doanh nghiệp và đại diện các ngành biết cách giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO