Từ đó, mỗi khi nhắc đến bệnh viêm loét hay ung thư dạ dày, chúng ta “đổ lỗi” ngay cho vi khuẩn HP. Không ít người còn xét nghiệm HP định kỳ và cố “đuổi cùng, giết tận” loại vi khuẩn này để mong phòng bệnh ung thư bao tử. Nên chăng như thế?
Viêm loét dạ dày không hoàn toàn là do HP
Nhiều nghiên cứu mới đây của y học thế giới cho thấy vi khuẩn Helicobacter Pylori thường chung sống “hòa bình” trong dạ dày chúng ta dưới dạng cộng sinh, thậm chí một số loại còn có tác dụng hỗ trợ cho hệ miễn dịch.
Yếu tố gây bệnh không phải là do vi khuẩn HP đơn thuần mà là do tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống như: ăn uống kém vệ sinh, thức ăn chứa nhiều chất độc hại, hút thuốc lá… của người bị nhiễm. Còn 85% trường hợp bị nhiễm HP thì không có biểu hiện bệnh dạ dày nghiêm trọng.
Hiện trên thế giới có khoảng một nửa dân số dương tính với vi khuẩn HP, nhưng chỉ khoảng 15% người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh viêm loét dạ dày và chỉ khoảng 1% trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày.
Còn theo kết quả một nghiên cứu trên 300 người dân thành phố do Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện, 20% bệnh nhân ung thư dạ dày không có kết quả dương tính với HP. Trong 70% người mang trong người loại vi khuẩn này không có triệu chứng của viêm loét hay ung thư bao tử.
Thực tế, viêm loét dạ dày có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất lớn là stress. Vì vậy, căn bệnh này rất phổ biến trong thời hiện đại, khi chúng ta luôn bị áp lực công việc và cuộc sống cùng những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hiện nay.
Căng thẳng thần kinh kéo dài dẫn đến sự mất cân bằng của các yếu tố acid, dịch vị, HP… làm rối loạn hoạt động tiêu hóa, gây trào ngược dạ dày – thực quản và làm cho dạ dày dễ bị viêm loét. Còn về ung thư dạ dày cần phải nhắc đến các tác nhân quan trọng như chế độ ăn uống nhiều mỡ, ăn nhiều đồ nướng, lười vận động, uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá.
Không thể phòng ung thư dạ dày bằng cách tiêu diệt vi khuẩn HP
Quan niệm tìm diệt vi khuẩn HP để phòng bệnh ung thư dạ dày hoàn toàn không hợp lý. Cách đơn giản thường được sử dụng để tìm HP là thử máu, nhưng cách này chỉ cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi trùng HP qua việc tìm kháng thể. Để xác định vi trùng còn hoạt động trong dạ dày, cần nội soi dạ dày, làm CLO test hoặc làm test thổi bong bóng để thử vi trùng.
Một sai lầm thường gặp khi thử lại vi trùng sau điều trị là người bệnh không ngưng thuốc đúng theo yêu cầu. Tất cả các xét nghiệm thử vi trùng đều yêu cầu phải ngưng dùng kháng sinh trước bốn tuần, thuốc ức chế acid trước hai tuần.
Một sai lầm khác, nhất là ở những cơ sở không có nội soi hoặc xét nghiệm thử vi trùng bằng hơi thở, là kiểm tra lại vi trùng sau khi điều trị bằng xét nghiệm máu. Nếu xét nghiệm máu trong thời gian này sẽ cho kết quả dương tính cho dù bệnh nhân đã hết hay còn vi trùng vì đó là kháng thể của cơ thể chống lại vi trùng, không phải là vi trùng.
Đối với những bệnh nhân có kết quả dương tính với vi khuẩn HP muốn diệt vi khuẩn thì phải dùng ít nhất ba loại kháng sinh phối hợp. Tuy nhiên, tình trạng bị nhiễm trở lại rất dễ xảy ra và khả năng kháng thuốc của HP cũng rất cao, buộc phải thay đổi phác đồ điều trị liên tục.
Chưa kể, nhiều người sau khi uống thuốc bị các tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó chịu, nhức đầu, khó tiêu, dị ứng nổi mề đay… một số công trình nghiên cứu gần đây còn cho thấy, ở những người đã tiêu diệt vi khuẩn HP, lại gia tăng tỷ lệ viêm thực quản trào ngược, hen phế quản do suy giảm khả năng đề kháng, béo phì.
Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo, những bệnh nhân bị loét bao tử, tá tràng hoặc có bệnh sử viêm loét cần phải xét nghiệm tìm HP. Nếu có sự hiện diện của loại vi khuẩn này thì mới cần phải điều trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có cơ sở đểủng hộ việc xét nghiệm đại trà và loại bỏ HP vì tiêu diệt hết vi khuẩn HP không có nghĩa là sau này không bị ung thư bao tử.
Như vậy, việc xét nghiệm chẩn đoán HP ở những người khỏe mạnh không những không cần thiết mà còn gây hoang mang, lo lắng quá mức cho cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ gây kháng thuốc do việc điều trị được tiến hành đại trà.
Theo khuyến cáo của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, không nên chỉ định xét nghiệm chẩn đoán HP như một xét nghiệm thường quy trong kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do đó, những người khỏe mạnh không nên ồạt đi “truy lùng” vi khuẩn vì gây lãng phí tiền bạc. Người bệnh chỉ nên đi tầm soát bệnh nếu thấy mắc các triệu chứng nghi ngờ của bệnh viêm loét bao tử, tá tràng.
Ngược lại, một số tình huống quan trọng thật sự cần được làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HP nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Đó là trường hợp có người thân (như cha mẹ, anh chị em ruột, con cái) bị bệnh ung thư dạ dày thì thường có nguy cơ dễ bị loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày hơn khi bị nhiễm HP. Do đó những người này, dù không hề có triệu chứng, cũng nên được làm xét nghiệm chẩn đoán HP và điều trị tiệt trừ nhằm ngăn ngừa những bệnh lý này trong tương lai.