Ngay tối 6/7/2021, điện thoại tin nhắn liên tục, mấy người bạn nói: “Tranh thủ đi mua thực phẩm, đồ dùng tích trữ đi”. Mẹ thì gọi điện lo lắng: “Chết rồi. Cả Thành phố đóng cửa hết. Lấy gì ăn trong 15 ngày?”.
Dù đã trấn an mọi người, nhưng có vẻ chẳng ai chịu tin. Đến khi các tờ báo chính thống đưa tin cũng có nhiều người chưa hiểu và chưa yên tâm. Thế mới có chuyện bà con ùn ùn kéo nhau đi siêu thị, đông đúc, không giãn cách. Hệ lụy là việc tập trung mua sắm rất có khả năng có thêm nhiều F0, chưa kể một số hàng hóa bị gia tăng đột biến vượt quá năng lực cung ứng của doanh nghiệp, một số mặt hàng bị tăng giá.
Tâm lý lo lắng của người dân nhìn chung là dễ hiểu khi trước đó, các chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, việc thông thương giữa TP.HCM và các địa phương ít nhiều có những trở ngại... Các chợ truyền thống cũng hạn chế hoạt động, còn các chợ tự phát thì bị ngưng hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc giao hàng của các siêu thị cũng bị ảnh hưởng nhất định do một số nhân viên sống trong khu vực bị phong tỏa tạm thời, do thực hiện giãn cách...
Tuy nhiên, tình hình này đã được lãnh đạo Thành phố dự báo trước và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có các phương án xử lý phù hợp. Sở Công Thương cũng cam kết nỗ lực hết sức, khắc phục khó khăn để cùng đối tác chuẩn bị và cung ứng đầy đủ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân Thành phố. Dù các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) thì hàng hóa cũng vẫn sẽ về TP.HCM, chỉ thay cách buôn bán từ tập trung ở chợ đầu mối như bình thường sang buôn bán phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống cho khách hàng. Lượng nguồn cung hàng hóa cho Thành phố về cơ bản sẽ không thay đổi khi 3 chợ này tạm ngưng hoạt động.
Phía các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm như Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Masan, Kido, Tập đoàn PAN Group...đều khẳng định hàng hóa không thiếu. Siêu thị Saigon Co.op cũng khẳng định đã bổ sung 7.000 mặt hàng thiết yếu và có 12 nhóm mặt hàng bảo đảm cung cấp cho người dân thành phố từ 1-3 tháng với giá không đổi. Một số mặt hàng khác bảo đảm được cung cấp ít nhất 6 tháng nữa. Hệ thống Saigon Co.op cũng sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6 giờ sáng cho đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày. Ngoài việc trực tiếp mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, khách hàng có thể lựa chọn đặt hàng trực tuyến qua địa chỉ www.cooponline.vn.
UBND TP.HCM cũng gửi thông tin khẳng định Thành phố luôn đảm bảo hàng hóa thiết yếu phong phú, dồi dào. Và đến ngày hôm nay 11/7, mặc dù một số siêu thị hàng hóa bị thiếu hàng hóa nhưng chỉ là thiếu cục bộ và vào một số thời điểm. Tổng cục Quản lý thị trường cho biết việc vận chuyển, cung ứng rau, củ, quả từ Lâm Đồng; lợn hơi, gia cầm từ Đông Nai, Tiền Giang về TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang dồi dào. Tuy nhiên, do người vận chuyển phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 mới được vào tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, trong khi việc xét nghiệp và chờ kết quả xét nghiệm nên có việc chậm trễ.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng tại TP.HCM, nhiều người dân không khỏi lo lắng, cộng với tình hình thực hiện giãn cách ba ngày qua còn một số vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và việc vận chuyển hàng hóa nhưng Thành phố vẫn đang có những chính sách khắc phục nhanh và có chỉ đạo kịp thời. Hy vọng với quyết tâm dập dịch một cách quyết liệt của UBND TP.HCM thông qua việc thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Phía người dân, ngoài việc việc thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và TP.HCM, nhất là tin tưởng, bình tĩnh vào các biện pháp chống dịch mà Thành phố đang thực hiện cũng là cách chung tay, tạo nguồn động lực cho các cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ và những người đang làm nhiệm vụ chống dịch cùng Chính phủ có thêm sức mạnh tinh thần để chống giặc dịch hiệu quả. Hãy yên tâm- Chúng ta sẽ thắng dịch bệnh và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.