Hậu V-League 2016: Nghi ngờ đến bao giờ?

LỆNH HỒ| 28/09/2016 09:59

Hà Nội T&T là "vị vua mới" của bóng đá Việt Nam với việc "lên ngôi" sau vòng đấu cuối vô cùng kịch tính. Nhưng ai mới là nhà vô địch thật sự của giải đấu mang quá nhiều sự hoài nghi này?

Hậu V-League 2016: Nghi ngờ đến bao giờ?

Hà Nội T&T là "vị vua mới" của bóng đá Việt Nam với việc "lên ngôi" sau vòng đấu cuối vô cùng kịch tính. Nhưng ai mới là nhà vô địch thật sự của giải đấu mang quá nhiều sự hoài nghi này?

Đọc E-paper

Từ chức vô địch siêu kịch tính

Trong lịch sử của V-League, mùa giải 2016 có lẽ kịch tính và hấp dẫn nhất. Minh chứng là đến trước vòng cuối, Ban tổ chức phải chuẩn bị đến 4 phương án trao chức vô địch, đặt 4 chiếc cup, 4 bộ huy chương và phân lãnh đạo chia ra dự ở 4 sân bóng có các ứng cử viên vô địch thi đấu.

Diễn biến vòng cuối được cập nhật liên tục ở 2 sân Hàng Đẫy và Hải Phòng - những ứng cử viên chính, và phải đến những phút bù giờ, tân vương mới được xác định tại Hàng Đẫy. Bị Hải Phòng bỏ xa tới 14 điểm chỉ sau 5 vòng đấu, Hà Nội T&T đã vươn lên mạnh mẽ, trong đó có cú nước rút 5 trận thắng liên tiếp vào cuối mùa đã mang lại chức vô địch (cùng 50 điểm nhưng hơn về hiệu số). Với một đội bóng có nhiều sự bất ổn vào đầu mùa, lại đang trong quá trình trẻ hóa thì thành công trên là ngoài mong đợi và là món quà kỷ niệm 10 năm ngày thành lập đội bóng.

Nhìn rộng ra từ mùa giải 2010 đến nay, Hà Nội T&T có đến 3 chức vô địch và vị trí thấp nhất của họ cũng là á quân. Vậy có gì phải hoài nghi về chức vô địch của đội bóng thủ đô?

Đến tận cùng của sự hoài nghi

Thành công của Hà Nội T&T chính là nhờ vào túi tiền của ông bầu yêu bóng đá Đỗ Quang Hiển. Điều đó ai cũng biết. Nhưng tình yêu của ông bầu này bao la quá, khi ông "yêu thêm" cả SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn FC và mới đây có tin đồn là ông vừa "yêu thêm" Than Quảng Ninh.

Trên danh nghĩa, ông chỉ là doanh nhân thành đạt yêu bóng đá, ông không liên quan gì đến hoạt động bóng đá của mấy đội bóng trên, đây là điều mà Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vào cuộc thanh tra, lãnh đạo của VFF và VPF cũng khẳng định. Dần dà người ta ngao ngán, không muốn bàn và chẳng muốn nhắc đến nữa, thế là ông cứ thể hiện tình yêu của ông, lúc thì yêu đội này, lúc thì động viên đội kia, mặc cho người đời bàn tán.

Trên thực tế, Hà Nội T&T đút túi 16/18 điểm tối đa khi đối mặt với 3 người anh em là Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam (họ chỉ mất 2 điểm khi hòa 1 - 1 với Sài Gòn FC - khi đó vẫn là trận derby ở vòng 3). Trong khi đó, Hải Phòng chỉ có thể lấy được 8/18 điểm khi đối đầu với 3 đội bóng vừa nêu. Trong giai đoạn nước rút, Hà Nội T&T lần lượt gặp "những người anh em" đó và coi như gom đủ điểm số để lên ngôi ở vòng cuối.

Sự chán ngán thể hiện rõ khi các trận đấu của "những người anh em" này thường đìu hiu và dễ dự đoán. Không phải ngẫu nhiên mà chữ V-League nhiều năm qua người ta đã đọc thành "Võ - League" hay "Vờ - League" để phản ánh một thực tế có lẽ ai cũng không lạ.

Và một hướng đi "lạ”

Trong lúc nhiều người làm bóng đá vẫn sợ bầu Hiển hết "yêu" bóng đá thì có thể V-League sẽ "rơi rụng" đi vài đội bởi không có kinh phí hoạt động thì xuất hiện một luồng ý tưởng "khá lạ” từ những người theo dõi giải đấu. Đó là có thể tách nhóm đội bóng được bầu Hiển "yêu" thành một nhóm và đặt cho một cái tên kiểu như "H-League", tồn tại song song với V-League. Kết thúc mùa giải, nhà vô địch của hai giải đấu đá trận chung kết để chọn ra nhà siêu vô địch(!). Như thế, các trận đấu sẽ thật hơn, quyết liệt hơn và thu hút đông đảo khán giả hơn.

Mà nếu không làm được điều đó, thì sao không nghĩ đến giải pháp mạnh để làm trong sạch bóng đá nước nhà? Sao cứ phải sợ V-League không đủ đội trong khi ai cũng thấy sự đông đảo về số lượng như hiện nay không đảm bảo chất lượng của giải đấu? V-League 14 đội, hạng nhất 10 đội đã là một cái kim tự tháp ngược bất hợp lý trong mô hình hoạt động của bóng đá đỉnh cao rồi. Tin chắc rằng nếu V-League chỉ còn lại 8 đội hay thậm chí ít hơn nhưng thi đấu sòng phẳng và thực chất thì chắc chắn người hâm mộ không bao giờ quay lưng.

Hình ảnh Sân vận động Lạch Tray vỡ tổ khi cả chục ngàn cổ động viên tràn xuống sân hô vang "Hải Phòng vô địch" không chỉ phản ánh nỗi uất ức khi vuột mất chức vô địch sau một thời gian chờ đợi quá dài, mà nó còn là câu trả lời của người hâm mộ cho câu hỏi: ai mới là nhà vô địch thực sự của giải đấu?

Với chức vô địch trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ, Hà Nội T&T sẽ nhận được 3 tỷ đồng từ Ban tổ chức theo quy định, 10 tỷ đồng từ các đối tác của T&T và chắc chắn bầu Hiển cũng sẽ có khoản thưởng riêng với con số không hề nhỏ. Như thế, chắc chắn Hà Nội T&T sẽ xác lập kỷ lục mới về tiền thưởng với con số dự đoán có thể lên tới 20 tỷ đồng.

>Bóng đá Việt: Khi nào mới chuyên nghiệp?

>Bóng đá Việt khi nào mới đá "sạch"?

>Bóng đá Việt nên học thành công của Thái Lan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu V-League 2016: Nghi ngờ đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO