Hàng Việt vào Thái Lan: Đường còn xa

SONG NAM| 24/08/2017 08:28

Sản phẩm của người Thái hơn hẳn Việt Nam về bao bì, do đó doanh nghiệp nội phải biết "gu" của đối tượng khách hàng này đồng thời thêm yếu tố độc đáo của mình vào sản phẩm thì may ra mới cạnh tranh được.

Hàng Việt vào Thái Lan: Đường còn xa

Theo dõi sự kiện Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan diễn ra từ 17 - 21/8 do Bộ Công Thương kết hợp với Central Group tổ chức, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Thái Lan tỏ ra thích thú với nhiều mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, để hàng Việt chính thức vào được Thái Lan thì "đường còn xa". 

Đọc E-paper

Nếu như ở Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan lần đầu tiên tổ chức vào năm ngoái thu hút khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, thì ở lần thứ hai này đã có hơn 40 doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam trong nhiều lĩnh vực tham dự với qui mô hoành tráng hơn.

Tín hiệu lạc quan

Ông Vũ Văn Cao - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải cho biết: "Đây là lần đầu tiên tham gia một hoạt động xúc tiến thị trường ở Thái Lan nên chúng tôi chủ yếu thăm dò phản ứng của người tiêu dùng. Có thể chúng tôi sẽ đưa hàng sang Thái Lan bằng hai sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước chấm sản xuất theo gu của người Thái".

Ở gian hàng sản phẩm mỹ nghệ bằng chất liệu sừng trâu có nhiều khách hàng mua vòng đeo cổ, đeo tay..., bà Lê Thị Thuần - Phó giám đốc công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á cho biết: "Họ yêu cầu thay đổi vài mẫu mã. Chúng tôi sẽ xúc tiến đưa hàng vào Thái Lan một cách nhanh nhất".

Tỏ ra lạc quan, bà Đặng Thị Diễm Thúy - Giám đốc kinh doanh Vinamit tự tin chia sẻ, Thái Lan có thế mạnh về nông sản nên sản phẩm sấy khô khá đa dạng. Tuy nhiên, sản phẩm sấy tự nhiên như của Việt Nam vẫn đảm bảo độ ngọt, chua cùa từng loại trái, nên người tiêu dùng Thái ưa chuộng.

Đặc biệt khu vực ẩm thực món Việt có đông đảo người Thái xếp hàng chờ mua và thưởng thức. Các món như bánh mì kẹp thịt , nem nướng và phở thật sự chinh phục khẩu vị người Thái khi các doanh nghiệp biết cách gia giảm gia vị phù hợp, giá lại "mềm" khoảng từ 66 - 90bath (từ 45.000 - 60.000đ) cho món ăn no.

Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Anh Phạm Xuân Lâm - Trưởng nhóm kinh doanh xuất nhập khẩu của Công ty Quang Phú (chuyên mặt hàng khăn lông) cho rằng, hàng của người Thái hơn hẳn về bao bì. Doanh nghiệp Việt Nam phải biết "gu" của họ và thêm yếu tố độc đáo của mình vào sản phẩm thì may ra mới cạnh tranh được.

>>Vào siêu thị Trung Quốc - cơ hội lớn cho hàng Việt

Kiên trì đeo đuổi

Kinh nghiệm từ chương trình năm ngoái, bà Vương Cẩm Hạnh - người phụ trách kinh doanh gốm sứ Minh Long 1 cho biết: "Lần trước chúng tôi đã làm việc với đội thu mua của Central Group nhưng chưa xúc tiến đưa hàng vào Thái do chưa nắm được thông điệp của nhà phân phối. Vì thế, lần tham gia này, chúng tôi tập trung ghi nhận thị hiếu khách hàng, sau đó sẽ đề xuất với Central Group sự hỗ trợ cụ thể hơn".

Công ty Điện Quang cũng sau thời gian dài thương thảo đã chốt lại 12 mặt hàng, nhưng sau đó lại vướng thủ tục nhập khẩu nên đến giờ sản phẩm vẫn chưa vào được Thái Lan. Đại diện Điện Quang cho biết, sẽ đeo đuổi đến cùng vì đây là thị trường lớn.

Một doanh nghiệp bán vải thiều vào hệ thống siêu thị Tops và Central Food Hall cũng cho biết, kế hoạch ban đầu họ thu mua 20 tấn vải thiều Lục Ngạn nhưng giờ cuối lô hàng chỉ còn 2 tấn vì điều kiện nhập khẩu của họ rất khắt khe.

Tương tự, chị Lương Thanh Hạnh, chủ một cơ sở lụa, đũi của Thái Bình cho hay, năm ngoái chị tham gia chương trình này nhưng chưa có hợp đồng nào, có thể là do sản phẩm hạn chế chỉ có khăn choàng và họ chưa thật sự tin vào chất lượng. Nay chị đưa thêm các sản phẩm mới từ chất liệu tơ tằm như khăn lau mặt, vớ và mền chần. Phía nhà phân phối đã làm việc, nhưng họ yêu cầu giảm giá đến 30%, thời gian thanh toán chậm đến hơn 1 tháng. Chưa kể, phải đáp ứng đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, Thái Lan là thị trường lớn, người Thái có bước nhảy vọt về ngành bán lẻ nên sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Những sản phẩm thế mạnh của Thái Lan cũng tương đồng những sản phẩm Việt Nam. Vì thế muốn chinh phục người tiêu dùng Thái thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải cố gắng có sự độc đáo, đặc trưng. Ví dụ, cùng mặt hàng với Thái Lan thì nghiên cứu mẫu mã cho thật đặc sắc, chất lượng thật vượt trội; hay tập trung vào đặc sản tiềm năng như vải thiều, thanh long...

Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Đối ngoại và Pháp lý Central Group Việt Nam nói thêm, năm qua Central Group VN xuất khẩu 55 triệu USD hàng hóa vào Thái, đặc biệt là đồ gỗ phục vụ cho khách sạn 6 sao ở Thái, cho thấy chất lượng sản phẩm Việt có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn yếu về vốn và hạn chế đầu tư bao bì.

Cũng có doanh nghiệp nêu vấn đề phải chăng do Thái Lan bảo hộ hàng hóa của họ nên thủ tục đưa vào Thái còn nhiêu khê? Ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc điều hành Central Group Việt Nam cho biết: "Chúng tôi chia làm hai nhóm nhà cung cấp: đó là nhóm doanh nghiệp có đầy đủ khả năng và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm thứ hai Central Group đặc biệt quan tâm hỗ trợ để họ khởi nghiệp. Cần sự thực hiện kiên trì của hai bên. Phía doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình sản xuất chất lượng ổn định, và xây dựng thương hiệu uy tín để rút ngắn khoảng cách đưa hàng ra nước ngoài, không chỉ ở Thái Lan mà cả các nước khác trên thế giới".

>>Hàng Việt bén rễ thị trường Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt vào Thái Lan: Đường còn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO