Ngại giao tiếp
Buổi sáng, khi nhấn thang máy để xuống tầng dưới, tôi luôn hồi hộp nhìn bên trong khi cửa thang mở ra. Nếu số lượng người bên trong vượt hơn hai, tôi đi bộ. May mắn là khi thang máy trống, tôi không phải tìm thế đứng xoay lưng với người cùng đi.
Nếu gặp người cùng tầng trong thang máy, chúng tôi cũng tự động xoay lưng vào nhau, dù ai cũng che kín khẩu trang, tôi lại luôn có cái kính mát che luôn phần mắt.
Sợ đụng người, tôi cũng lười giao tiếp. Hầu như không còn tiếng trò chuyện, hỏi han nhau trong thang máy như trước. Đến quán mua đồ ăn về nhà, tôi cũng chỉ nói vắn tắt thứ mình cần rồi lảng ra xa chờ đến khi người bán gọi. Ngồi trên xe bike hay car công nghệ cũng thế. Lúc trước có thể chuyện trò với tài xế hết quãng đường, giờ thì không.
Với người ngại giao tiếp thì không sao, còn tôi vốn luôn thích nói chuyện, nhưng sau mấy tháng giãn cách, tôi bỗng sợ nhiễm bệnh và rất sợ bị đưa đi cách ly.
Sau khi Sài Gòn hết phong tỏa, tôi gặp lại vợ chồng anh chị bạn thân và không thể tin rằng chúng tôi ngồi trong nhà nói chuyện với nhau mà vẫn giữ khoảng cách và không dám tháo khẩu trang, chỉ vì anh chị là F0 và đã trải qua mấy tuần chữa trị ở một bệnh viện tư nhân hồi giữa tháng 8/2021. Sau khi xuất viện, anh chị hầu như không dám ra ngoài, mỗi người sụt mấy ký lô. Riêng chị, việc nhiễm nCoV còn phải "rước thêm" căn bệnh tiểu đường!
Hội chứng hang động
Một bạn thân của tôi sống ở ngoại thành, từ tháng 10 đến cuối năm 2021 không dám ra ngoài gặp ai. Trong nhà, bạn chỉ tiếp thân nhân, miễn tiếp người ngoài. Nhà có hai người giúp việc nên bạn không phải nấu nướng hay dọn dẹp. Sân vườn rộng, mỗi ngày bạn chăm sóc cây, đạp xe chung quanh nhà cũng thấy đủ. Nhà có phòng mạch riêng và một tiệm thuốc tây, bạn đóng cửa từ đầu tháng 6. Bạn thường hỏi tôi: Khi nào mới hết Covid-19 để gặp nhau? Tất nhiên, kỹ lưỡng như bạn, đợi đến mức "Zero Covid" mới ra đường thì cũng quá đáng, kiểu như tiếng Anh gọi là "cave syndrome" - "hội chứng hang động" hậu Covid-19!
Người chị họ của tôi năm nay trên 70 tuổi, bà khủng hoảng vì Covid-19. Thời gian SARS-CoV-2 hoành hành dữ dội ở Mỹ giữa năm 2020, chồng chị mất. Đám tang tổ chức đơn sơ ở một nhà tang lễ, chỉ có chị và hai con gái. Sau khi xong mọi chuyện thì hai con gái về nhà riêng, căn nhà chỉ còn một mình chị. Bệnh dịch lan rộng khiến nhà thờ phải đóng cửa, mất chỗ gặp bằng hữu và cộng đồng giáo dân, chị rơi vào trầm cảm, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai ở Việt Nam, thật khác xa với tính cách cởi mở của chị trước đó.
Chị im lặng hơn một năm, cho đến cuối năm 2021, khi con gái mời chị đến nhà chơi với cháu ngoại ở một tiểu bang khác, chị mới dần dà lấy lại sự lạc quan vốn có và liên lạc trở lại với thân nhân ở Việt Nam.
Cha con tản bộ trong Công viên 30 tháng 4 quận 1, một hình ảnh thật đẹp sau khi TP.HCM hết giãn cách - hình chụp cuối tháng 10/2021 |
Thiệt thòi nhất là trẻ con
Năm 2021 là mùa Hè dài nhất đối với trẻ em, từ mẫu giáo, cấp 1 đến cấp 2. Không được đến trường gặp thầy cô, bạn bè, trong những tháng giãn cách, bọn trẻ phải giam mình trong nhà, thậm chí không được chơi với bạn hàng xóm.
Hàng xóm của tôi có một gia đình trẻ có ba con. Bé nhỏ nhất hơn 4 tuổi vẫn chưa biết nói. Bình thường, bé được mẹ cho đến trường đặc biệt, suốt thời gian giãn cách phải ở nhà, bé hầu như chơi ngoài hành lang chung chứ không chịu vào nhà. Cứ thấy nhà tôi mở cửa là ba đứa nhỏ bu vào chào ông chào bà rồi hỏi đủ thứ chuyện. Nhà tôi cũng thích bọn trẻ, cứ có cái gì ngon là gọi cho.
Ở nhà, không gặp bạn, đứa nhỏ 4 tuổi bỗng biết nói mới ngộ, dù chưa rõ từng chữ. Mỗi ngày nghe giọng con bé lơ lớ: "Chào bà”, "Chào ông", "Chào ba", "Chào mẹ”, "Bai", "Về nhà”, "Xịt" (xin bà xịt nước khử khuẩn vào tay), "Xe Mi" (xin mượn xe của đứa nhỏ hàng xóm)... bỗng thấy thật vui!
Bốn tháng giãn cách và ba tháng "bình thường mới" trôi qua, các bé mẫu giáo và tiểu học vẫn chưa thể đến trường. Thằng anh lớn học lớp 3 thì học online, hai đứa sinh đôi hơn 4 tuổi chạy xe đồ chơi ngoài hành lang hoặc xem phim hoạt hình trên iPad. Trong khi cô chị lanh lợi chả thiết tha gì việc đi học thì cô em chậm nói ngày nào cũng lôi cặp ra quàng lên chiếc xe đạp giống như sắp đến trường vậy.
Xuống phố giờ có thể gặp bọn trẻ con đạp xe đạp vòng quanh cùng người lớn. Thương nhất là bọn trẻ giờ đạp xe hay chơi trốn tìm, đánh vũ cầu... đều bịt kín 2/3 gương mặt bằng khẩu trang và luôn bị người lớn giám sát việc giữ khoảng cách với bạn.
Hình thành thói quen mới
Covid-19 không hoàn toàn là điều xấu. Đợt dịch lần thứ tư xuất hiện ở TP.HCM từ ngày 27/4/2021, sau đó không lâu thì bùng phát, buộc phải giãn cách xã hội rồi cách ly xã hội triệt để cho đến ngày 30/9/2021. Trong 5 tháng ấy, nhiều người bỗng trở thành đầu bếp giỏi, biết sáng tạo nhiều món ăn với những nguyên liệu đơn giản. Nhiều người không còn cầu kỳ đòi hỏi món ăn phải đúng khẩu vị như trước, miễn ăn được là tốt. Gia đình trở thành nơi ấm áp nhất khi mọi người buộc phải ở bên nhau 24/24 giờ suốt mấy tháng ròng.
Trong hoàn cảnh mua bán thực phẩm khó khăn, nhiều nhà có khoảng không đã tận dụng để trồng rau. Đàn ông cũng phải học thêm cách sửa chữa những đồ dùng thông thường trong nhà, khi không thể kêu thợ.
Thói quen sạch sẽ cũng hình thành ở nhiều người: ra khỏi nhà xịt khuẩn, về đến nhà cũng xịt khuẩn, thay quần áo, tắm rửa. Đồ dùng hằng ngày hoặc đồ chơi của bọn trẻ cũng được làm sạch thường xuyên. Hằng tháng, gia đình nào cũng phải mua khẩu trang, kính che giọt bắn, cồn rửa tay, nước sát khuẩn, giấy lau tẩm cồn, chưa kể phải dự trữ các loại vitamin.
Không chỉ quan tâm đến bản thân hơn, ngôi nhà cũng trở thành trung tâm, vì ai cũng phải sửa soạn chốn làm việc và nghỉ ngơi tốt nhất, nên buộc phải chăm chút không gian sống mỗi ngày.
Mặt khác, khi làm việc tại nhà, ai cũng phải nâng cấp kiến thức công nghệ số, tận dụng mọi kiểu liên lạc miễn phí, làm quen với phần mềm học tập, họp hành, giải trí và giao tiếp qua mạng.
Một điều "hay ho" khác mà Covid-19 mang lại là sàng lọc các mối quan hệ, biết mình cần ai và ai đang cần mình. Khi phải ở yên một chỗ, ta sẽ nhận ra ai mới là người quan tâm đến ta nhất và ngược lại, ta không thể sống thiếu ai, để sau khi hết giãn cách, ta biết mình cần gặp ai đầu tiên và không cần gặp ai. Ta phải biết ơn nếu vòng tròn những mối quan hệ vẫn còn nguyên vẹn, ta chưa mất đi những người ta yêu thương và họ cũng yêu thương ta.
Đại dịch cho ta thấy sự hữu hạn của con người rõ hơn, cho ta thấy sức mạnh của tình thương và lòng nhân ái rõ hơn. Và chừng nào còn điều đó, thế giới của con người chưa thể kết thúc...