Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 có một số chỉ tiêu quan trọng với nội dung đổi mới so với Đại hội IX.
>>TP.HCM tổ chức thảo luận, góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X
Một trong số các nội dung đó là việc xác định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm thay cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Liên quan đến vấn đề này, báo Doanh Nhân Sài Gòn Online đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS -Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
* Ưu điểm của chỉ số GRDP là gì, thưa ông?
- Theo nguyên lý thì chỉ số GRDP sẽ loại trừ sự trùng lặp giữa các địa phương. Chẳng hạn, có những đơn vị trụ sở chính ở địa phương này nhưng lập thêm chi nhánh, sản xuất ở địa phương khác, thì khi tính tốc độ tăng trưởng của từng tỉnh, thành, đôi khi cả hai địa phương đều lấy sản xuất của đơn vị đó, tức một kết quả sản xuất được tính đến hai lần. Do đó, việc áp dụng và chuẩn hóa phương pháp tính GRDP là nỗ lực để loại bỏ tính trùng lặp (sản phẩm được sản xuất ở địa phương nào sẽ tính cho địa phương đó) và mang tính xác thực cao.
* Nếu nói như vậy, chỉ số GDP của ta từ trước đến nay chỉ mang tính tương đối?
Theo lộ trình, từ năm 2018 trở đi, các Cục Thống kê cấp tỉnh không trực tiếp biên soạn số liệu GRDP. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời, liên tục của số liệu thống kê và có thời gian cho các đơn vị trong hệ thống thống kê tập trung với quy trình biên soạn mới, trong năm 2016 - 2017, Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê cấp tỉnh sẽ cùng biên soạn chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê sẽ là đầu mối công bố kết quả biên soạn. |
- Theo thông lệ quốc tế, GDP thường để đo “sức khỏe” nền kinh tế của một quốc gia, còn ở ta, thời gian qua, chỉ số này cũng được các địa phương sử dụng. Chỉ số GDP chỉ mang tính tương đối, nhất là với điều kiện thống kê như của Việt Nam. Nhưng dù sao thì nó cho phép chúng ta thấy được những cơ cấu lớn của nền kinh tế, đây là cơ sở quan trọng để chúng ta thấy được xu hướng phát triển, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, nhược điểm của GDP là chỉ số này phản ánh số lượng nhiều hơn chất lượng. Song trên thực tế, hiện nay chưa có chỉ số nào khả dụng hơn GDP để nói về sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia như là một chỉ số tổng hợp.
Từ trước đến nay, ở ta thường xảy ra hiện tượng các địa phương công bố GDP cao hơn GDP quốc gia. Theo đó, GDP cả nước chỉ đạt 5 - 6% nhưng có những địa phương thì 10 - 12% (kể cả những tỉnh còn khó khăn). Có thể thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó không loại trừ tính trùng lặp như đã đề cập. Thứ hai là do ảnh hưởng của “chủ nghĩa thành tích” nên xảy ra tình trạng báo cáo mang tính lý thuyết. Thứ ba là hệ thống giám sát, kiểm tra lại cũng chưa chuẩn. Cho nên, trong giai đoạn hội nhập hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có sự thay đổi.
Nói một cách công bằng thì sự thay đổi lần này là thay đổi rất quan trọng, không đơn thuần là thay đổi phương pháp tính toán mà nó còn loại trừ mọi cách tiếp cận theo “chủ nghĩa thành tích”. Thêm nữa, sự thay đổi và thống nhất phương pháp tính chỉ tiêu GRDP là cơ sở quan trọng để đánh giá đúng thực lực của từng địa phương, tránh tình trạng tăng trưởng chỉ 5 - 6% nhưng lại công bố trên 10%.
* Nhưng liên quan đến “chủ nghĩa thành tích”, muốn thay đổi triệt để trên diện rộng không phải dễ?
- Chẳng gì có thể thay đổi trong một sớm một chiều, nhất là “căn bệnh thành tích”. Song, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta kéo lê quá trình thay đổi. Mọi thứ phải có lộ trình rõ ràng, tối thiểu là 1 năm, tối đa là 2 năm, chứ không thể bảo khó rồi kéo đến 10 - 15 năm trong khi quá trình hội nhập của đất nước diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Nếu đã có lộ trình rõ ràng thì điều quan trọng tiếp theo là dám chịu trách nhiệm với lộ trình đã đề ra.