Những triết lý khởi nghiệp cốt lõi của các doanh nhân châu Á

05/06/2013 04:38

Theo Masayoshi Son, một trong những tiêu chí đánh giá mức độ thành công là phải say mê công việc kinh doanh đó, ít nhất khoảng 50 năm tới.

Những triết lý khởi nghiệp cốt lõi của các doanh nhân châu Á

Masayoshi Son, CEO của Softbank, Nhật Bản:

Say mê là tiêu chí đánh giá mức độ thành công

Theo Masayoshi Son, một trong những tiêu chí đánh giá mức độ thành công là phải say mê công việc kinh doanh đó, ít nhất khoảng 50 năm tới. Công việc kinh doanh đó phải là độc nhất vô nhị và trong vòng 10 năm phải trở thành số 1 trong lĩnh vực kinh doanh đó.

Nhật Bản là một đất nước có truyền thống làm việc suốt đời, người Nhật làm việc chăm chỉ; họ làm việc bất kể ngày đêm, họ đã góp phần tạo nên phần hồn của công ty. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải có tầm nhìn dài hạn. Trong ngành công nghệ cao, không có bước chân của người đi trước cho bạn nối gót. Bạn phải suy nghĩ và vận dụng suy nghĩ của mình vào hành động. Softbank, doanh nghiệp kiểu Nhật đã thành công vượt bậc bằng những tiêu chí đó.

Vinod Khosla, Cựu đồng sáng lập Sun- Micro System:

Phải đủ ngu ngốc để thực hiện ước mơ

Bạn có những ý tưởng lớn nhưng cũng phải đủ ngu ngốc để cố gắng biến những ước mơ đó thành hiện thực. Điều tốt nhất mà bạn nên làm là phát triển cho mình khả năng tiên liệu. Điểm mạnh trong ý tưởng của bạn sẽ rất được chú ý, nhưng điểm yếu bị lờ đi thì nó sẽ giết chết bạn, đó là sự khởi đầu với một mắt xích yếu nhất. Vậy, bạn phải làm sao khởi đầu thực sự mạnh mẽ.

Ngày nay có quá nhiều người chỉ vì tiền. Khi mới thành lập, các công ty Intel, Oracle, Apple, Sun không ai quan tâm đến tiền cả, họ chỉ quan tâm đến hình ảnh, ấn tượng, tạo dựng sản phẩm mới… Nhưng, phần thưởng tài chính bắt nguồn từ hình tượng đó. Ngày hôm qua bạn phải tối ưu hóa các chi phí hoạt động kinh doanh của bạn. Ngày nay, bạn phải tối ưu hóa sự linh hoạt và khả năng thích nghi, và trực giác trở nên vô cùng quan trọng.

Victor Fung, Chủ tịch Li & Fung, Hong Kong:

Nên phân tán sản xuất

Quản lý sản xuất phân tán là một bước đột phá thực sự. Đây là một loại hình mới của giá trị gia tăng, một mô hình sản xuất toàn cầu đích thực.

Sản phẩm may mặc, chúng tôi dùng dây kéo và cúc của Nhật, sợi của Hàn Quốc, dệt nhuộm tại Đài Loan. Yêu cầu quan trọng là phải tiếp cận các nhà cung cấp để đảm bảo thời gian và chất lượng.

William Heinecke, CEO của Minor, Thái Lan:

Luôn tin tưởng vào trực giác

Một vài quan điểm liên quan đến công việc làm ăn của bạn:

Tìm một mặt hàng độc quyền, điều đó thu hút sự chú ý của khách hàng.

Tiến hành nghiên cứu về vị trí, về số lượng người quan tâm đến sản phẩm của bạn.

Quan sát các công ty mà bạn khâm phục họ hoạt động như thế nào.

Xét các cơ hội kinh doanh bổ sung từ ý tưởng ban đầu.

Làm việc bằng tri thức của người khác, tức thuê người có khả năng kỹ thuật.

Điều quan trọng là bạn luôn luôn tin tưởng vào trực giác của mình và phải biết phản ứng nhanh chóng với những khủng hoảng.

Muhammad Yunus, CEO ngân hàng Grameen, Bangladesh:

Chính sai sót trong thể chế tạo ra nghèo nàn

Nghèo đói không phải do người nghèo tạo ra, mà do sai sót của chúng ta khi xây dựng các thể chế và chính sách cho đời sống con người. Tìm hiểu thực tế, tôi thấy rằng, người nghèo có một cuộc sống bất hạnh vì họ không thể có được một số vốn nho nhỏ. Nếu có thể cấp vốn về tay người nghèo thị họ sẽ có cơ hội hưởng một cách xứng đáng công sức lao động mà họ bỏ ra.

Các ngân hàng đã đưa ra bản án tử hình đối với người nghèo khi họ không đáng tin cậy để được vay vốn (không có tài sản thế chấp). Năm 1983, tôi thành lập Grameen Bank, ngân hàng dành cho người nghèo. Grameen phải làm hai nhiệm vụ: giúp đỡ người nghèo và đảm bảo tín dụng. Chương trình này thực sự giúp người nghèo tập hợp được sức mạnh và phá hủy bức tường nghèo đói bao bọc họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những triết lý khởi nghiệp cốt lõi của các doanh nhân châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO