Những động lực để phát triển thành phố

Ngô Viết Nam Sơn| 07/02/2022 03:30

Từ đầu năm 2022, các đô thị của Việt Nam đang dần phục hồi nhưng cần phải chuẩn bị cho việc tăng tốc phát triển để bù lại những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây cũng là lúc rất cần đổi mới tư duy phát triển trong mọi lãnh vực, đặc biệt là tư duy đột phá khai thác cơ hội phát triển mang tính chiến lược.

Những động lực để phát triển thành phố

Có 5 thử thách lớn trước mắt, cũng đồng thời là cơ hội tạo ra động lực phát triển cho các thành phố.

Thứ nhất, quy hoạch và phát triển đô thị trong tương quan liên kết vùng, đặc biệt là tại 4 vùng kinh tế trọng điểm. Điều này tuy không mới, nhưng rất cần thay đổi cách làm tốt hơn để thúc đẩy phát triển vùng lên tầm cao mới. 

Thứ hai, quy hoạch và phát triển "thành phố trong thành phố” giúp cho một bộ phận của một thành phố lớn phát triển bứt phá về kinh tế lẫn đô thị, trong khi ít phải chịu gánh nặng chỉnh trang đô thị hiện hữu.

Thứ ba, quy hoạch và phát triển "đô thị sân bay" tại một số khu vực phù hợp để vừa phát triển khu vực kinh tế theo tư duy mới, vừa không phải trả giá đắt cho sự mâu thuẫn giữa phát triển sân bay với phát triển đô thị xung quanh. 

Thứ tư, quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị theo "tư duy kinh tế thị trường" để thu hút được nguồn vốn xã hội cho nhu cầu phát triển, giảm mạnh áp lực lên ngân sách công.

Thứ năm, chuẩn bị nền tảng cho các giải pháp phát triển "đô thị thông minh" phù hợp với từng địa phương.

Vùng kinh tế trọng điểm

Phát triển đô thị trong tương quan liên kết vùng là động lực quan trọng hàng đầu đối với đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm.

Trên thế giới, sự cạnh tranh toàn cầu đang chuyển từ cạnh tranh giữa các nước sang cạnh tranh giữa các đô thị, đặc biệt là cạnh tranh giữa các vùng đô thị và các vùng kinh tế lớn. 

Kể từ năm 2009, 4 vùng kinh tế trọng điểm bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch để trở thành những vùng kinh tế động lực, làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các địa phương trên cả nước.

ok-03-kinh-te-trong-diem-4021-1643255608

Để nâng cao tính cạnh tranh của các vùng kinh tế và vùng đô thị, phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, để tận dụng được thời cơ và cơ hội phát triển, cần vượt qua ba thử thách lớn.

Một là phải hình thành được hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối nội vùng với liên vùng. Đó sẽ là tiền đề cho việc chia sẻ hạ tầng trọng điểm với tầm nhìn vùng, thay cho tầm nhìn cục bộ địa phương. 

Hai là phải hình thành được tổ chức chính quyền vùng năng động và hiệu quả, bao gồm đại diện của lãnh đạo trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng để vạch ra những chiến lược và chương trình hợp tác, phát triển liên kết vùng. 

Ba là chính quyền vùng phải xác định được việc phân công, phân bố lực lượng sản xuất, dịch vụ, phân bố logistics, giao thương, trách nhiệm trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng giữa các tỉnh, thành trên tư duy vùng thay cho tư duy theo địa giới hành chính để tăng hiệu quả liên kết vùng kinh tế, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.  

Thành phố trong thành phố

Tiếp theo việc TP.HCM thành lập thành phố Thủ Đức, là thành phố trong thành phố đầu tiên trên cả nước, Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh đang chuẩn bị tiến lên thành phố trực thuộc trung ương (Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế,  Khánh Hòa...) đang có dự kiến thành lập thành phố trong thành phố.

Việc xây dựng thành phố Thủ Đức trong TP.HCM cần phải hướng đến là một đô thị hiện đại hoàn chỉnh và là một đơn vị kinh tế năng động, trước khi có thể xem là điển cứu để nhân rộng mô hình này ra cả nước. Trong đó cần phải:

Tích hợp quy hoạch thành phố Thủ Đức hài hòa trong tổng thể quy hoạch chung của TP.HCM và quy hoạch vùng đô thị TP.HCM.

Có cơ chế đặc thù và sự tự chủ cao của thành phố Thủ Đức ở cấp phó tỉnh trở lên, cao hơn cấp quận - huyện và cấp sở để có đủ quyền hạn trong việc thu hút đầu tư và quản lý các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Phát triển đô thị mới hiện đại, thu hút được trên 500.000 cư dân cư mới, đa số có trình độ cao, nhưng vẫn không bỏ quên việc cải thiện đời sống cho 1 triệu cư dân hiện hữu.

Khuyến khích khai phá những lĩnh vực động lực như tài chính quốc tế, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, bởi chúng đem lại hiệu quả hàng đầu về mặt kinh tế - xã hội.

Phát triển bền vững, đô thị xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tác động môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Đô thị sân bay

Đô thị sân bay là một mô hình kinh tế mới của thế kỷ XXI, xây dựng trên nền tảng thay đổi từ tư duy quản lý cũ sang tư duy đột phá, từ quan điểm "đô thị hóa đến đâu dời sân bay đến đó” sang "quy hoạch đô thị song hành với quy hoạch sân bay" và từ việc chuyển giá trị khai thác khu sân bay và vùng phụ cận từ vị thế trung chuyển (transit) sang vị thế điểm đến (destination). 

03-san-bay-quoc-te-Long-Thanh-8630-6191-

Trong khi đa số sân bay lớn trên thế giới đều có kế hoạch chỉnh trang theo hướng tích hợp quy hoạch đô thị với quy hoạch sân bay, thì nhiều đô thị sân bay được phát triển khá thành công tại nhiều nước phát triển như Chengdu, Amsterdam, Dallas-Fort Worth, Singapore.

Không phải tỉnh, thành nào có sân bay cũng phát triển mô hình đô thị sân bay một cách hiệu quả, mà thường chỉ dừng ở mức tích hợp quy hoạch sân bay với quy hoạch đô thị. Tại Việt Nam, Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Long Thành (Đồng Nai), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), Cam Ranh (Khánh Hòa) là những khu vực có tiềm năng cao về phát triển đô thị sân bay. Tuy nhiên, do đây là mô hình phát triển chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên trước mắt sẽ gặp một số khó khăn, như phải thay đổi quy trình phê duyệt quy hoạch sân bay tách rời với phê duyệt quy hoạch đô thị, phải đổi mới cách tư duy quy hoạch phù hợp cho khu vực kinh tế đô thị mang tính đặc thù này. 

Tư duy kinh tế thị trường  

Kể từ khi có chính sách đổi mới vào năm 1986 cho đến nay, số lượng đô thị tại Việt Nam đã tăng rất nhanh cùng với đà phát triển kinh tế, nhờ vào việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Đến nay, khi nhu cầu phát triển hạ tầng các đô thị đòi hỏi nguồn vốn hàng tỷ USD, trong tình hình ngân sách công còn hạn chế, thì việc đổi mới tư duy quản lý và phát triển theo tư duy kinh tế thị trường không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội cho việc mở rộng đô thị, trong đó có hai vấn đề cần được quan tâm hàng đầu:

Thứ nhất, phát triển đô thị cần song hành với việc đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân. Ví dụ, đền bù giải tỏa mặt bằng đúng giá thị trường để không làm chậm tiến độ dự án, tổ chức các khu tái định cư kèm với cơ hội việc làm để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. 

Thứ hai, cần đổi mới tư duy quản lý đơn ngành sang đa ngành, tận dụng cơ hội tạo nguồn thu để tăng ngân sách. Ví dụ, thay vì chỉ giao các Sở Giao thông Vận tải xây dựng hạ tầng như cách làm cũ, thì giao cho cơ quan liên sở (phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư) để thực hiện dự án một cách toàn diện, từ việc nghiên cứu, giải tỏa, quy hoạch hai bên tuyến, đấu giá dự án để thu hút vốn đầu tư hạ tầng, cho đến giải pháp tăng thu ngân sách từ việc tận dụng cơ hội tăng giá trị địa ốc của khu vực sau khi xây dựng hạ tầng. 

Đô thị thông minh

do-thi-thong-minh-la-xu-huong-3262-4916-

Trong thế kỷ công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, việc phát triển công nghệ quản lý đô thị thông minh đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới. 

Tại Việt Nam, cho đến nay, trên 40 trong số 63 tỉnh, thành đã hoặc đang xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Dương đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đến nay vẫn chưa có thành phố nào thật sự là đô thị thông minh.

Việc khai phá động lực phát triển mang ý nghĩa chiến lược, với tư duy sáng tạo và liên kết hợp tác đa ngành trong nước và nước ngoài, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp thay đổi bộ mặt đô thị của Việt Nam. 

Nói chung, chiến lược phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn là một quá trình dài với 4 thử thách trước mắt. Thứ nhất, chọn được mô hình đô thị thông minh phù hợp nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong đó không nhất thiết phải thông minh về mọi mặt và thậm chí không nhất thiết đô thị nào cũng phải trở thành thông minh.

Thứ hai, bộ máy quản lý đô thị cần đổi mới từ tư duy đơn ngành sang tư duy hợp tác đa ngành, tích cực chia sẻ thông tin số hóa qua mạng và phối hợp cùng nhau hoạt động hiệu quả. Yếu tố con người trong việc phát triển đô thị thông minh có vai trò rất quan trọng, có thể còn quan trọng hơn yếu tố công nghệ.

Thứ ba, công nghệ thông minh chỉ hỗ trợ, không thay thế cho việc cần phải nâng cao hiệu quả quản lý đô thị theo những quy chuẩn, tiêu chí quốc gia và quốc tế.

Thứ tư, cần chuẩn hóa công nghệ thông tin quốc gia để phát triển nền kinh tế số và để các đô thị thông minh trong các vùng đô thị kết nối và hợp tác với nhau một cách hiệu quả.

Tóm lại, tiền đề quan trọng cho tích hợp 5 động lực phát triển mới nói trên vào kế hoạch xây dựng thành phố là sự cần thiết phải đổi mới tư duy khoa học, đổi mới cách làm và phải điều chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, quy chuẩn, quy phạm, những quy định có liên quan để tạo điều kiện cho Nhà nước, nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, chuyên gia và người dân cùng hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những động lực để phát triển thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO