Ngành bán lẻ Việt Nam "khát" nhân sự cấp trung

THANH NGÂN| 29/11/2017 04:20

Ngành bán lẻ phát triển mạnh cũng đồng thời với việc thu hút nguồn nhân lực và việc giữ chân người lao động là điều mà các doanh nghiệp phải tính đến.

Ngành bán lẻ Việt Nam

Ngành bán lẻ phát triển mạnh cũng đồng thời với việc thu hút nguồn nhân lực và việc giữ chân người lao động là điều mà các doanh nghiệp phải tính đến. 

Đọc E_paper

Thiếu nhân lực cấp trung

Báo cáo nhân sự ngành bán lẻ do Navigos Group công bố hồi đầu tháng 10 cho thấy, thách thức lớn nhất mà các nhà tuyển dụng trong ngành bán lẻ phải đối mặt là tỷ lệ người lao động nghỉ việc cao.

Cụ thể, 28% nhà tuyển dụng cho biết ứng viên không cam kết làm việc lâu dài, 49% nhà tuyển dụng cho biết các ứng viên trong ngành này hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. Thách thức mà nhà tuyển dụng đang đối mặt cũng trùng với phán ánh của các ứng viên khi có đến 60% ứng viên cho biết thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ hai đến ba năm.

Nhận định về tình hình này, ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng Phòng Truyền thông và Sự kiện Lotte Việt Nam cho đây là thực trạng chung của ngành bán lẻ hiện tại, do cầu về nhân sự tăng nhanh hơn so với lượng cung nhân sự vốn đã ít về lượng lẫn trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt là những vị trí như giám đốc trung tâm thương mại, giám đốc các bộ phận chuyên môn, trưởng ngành hàng.

Chính sự khan hiếm này dẫn đến việc nhảy việc của nhân sự bán lẻ cấp trung và cấp cao khi nơi khác có chế độ lương bổng, đãi ngộ tốt hơn.

Nhân sự ngành bán lẻ hút đến nỗi, năm ngoái, Saigon Co.op đã bị nhiều website, mạng online, facebook, công ty mạo danh đăng thông tin tuyển dụng với nhiều chức danh nhưng thực chất là lừa đảo. Saigon Co.op hiện là đơn vị sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại gồm 90 siêu thị Co.opmart, 170 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, hai đại siêu thị Co.opXtra, 65 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, ba trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op

Trước tình trạng này, Saigon Co.op chỉ còn cách thông báo tại các siêu thị và trên website của Saigon Co.op về cách thức và các kênh tuyển dụng chính của đơn vị.

>>Ngành bán lẻ Việt Nam: 3 câu hỏi cốt lõi

Vừa tăng lương thưởng, vừa đào tạo nguồn

Ông Đoàn Diệp Bình cho biết, để có nguồn nhân lực đủ về lượng lẫn chất, thời gian qua, một mặt Lotte Mart tập trung cải thiện chính sách nhân sự và chế độ đãi ngộ (lương, thưởng, phúc lợi). Mặt khác, Lotte Mart xây dựng nguồn nhân lực thông qua chương trình đào tạo nội bộ, phối hợp với các trường đại học tổ chức các chương trình quản trị viên tập sự, tìm kiếm sinh viên tài năng...

Song song đó, tháng 6 vừa qua, Lotte đã phối hợp cùng Bộ Công Thương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Viện Phát triển và Cải cách Hàn Quốc (ReDI), Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM ký ghi nhớ thành lập và vận hànhTrung tâm Đào tạo nguồn nhân lực lotte - koica -Iuh(LKIC),với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành phân phối và bán lẻ khu vựcTP.HCM và các vùng lân cận.

Việc này giúp Lotte Mart xây dựng được nguồn nhân lực kế thừa được đào tạo nghề bài bản, bổ sung liên tục cho nhu cầu mở rộng của hệ thống, khắc phục việc thiếu hụt nhân sự nghề bán lẻ như hiện nay.

Cũng như các doanh nghiệp khác, nguồn nhân lực là vấn đề sống còn nên từ nhiều năm trước, Saigon Co.op đã thực hiện chính sách về đào tạo, chính sách quỹ lương thâm niên, quỹ đãi ngộ cơ hội thăng tiến. Saigon Co.op cũng đã thành lập trung tâm đào tạo với đội ngũ giảng viên riêng.

Hàng chục ngàn nhân viên của Saigon Co.op, từ nhân viên bán hàng, thu ngân, dịch vụ cho đến quản lý cấp cao đều qua chương trình đạo tạo của trung tâm, trước khi trở thành nhân viên chính thức.

Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025, định hướng 2030, Saigon Co.op tập trung vào 5 giải pháp dựa trên nền tảng cơ bản là đội ngũ quản lý và nguồn lực, đồng thời đa dạng hình thức tổ chức và tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, nguồn nhân lực.

Tương tự, để có đội ngũ nhân sự giỏi, từ năm 2012, hệ thống siêu thị Big C đã kết hợp với các viện đào tạo tổ chức những khóa học chuyên ngành bán lẻ.

Chương trình đào tạo của doanh nghiệp này được thực hiện với hai hình thức xen kẽ: vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ và đảm trách một vị trí quản lý tại siêu thị hay bộ phận hỗ trợ. Big C đài thọ toàn bộ chi phí, từ đào tạo, trợ cấp thực tập hằng tháng, tiền ăn trưa, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho học viên.

Ở góc độ là nhà tư vấn tuyển dụng, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc Điều hành Navigos Search khuyên, để giảm thiểu tỷ lệ chuyển việc, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và tổ chức các khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.

Tuyển dụng trực tuyến, chương trình giới thiệu ứng viên, tuyển dụng qua công ty tư vấn, chương trình nuôi dưỡng tài năng là những kênh tuyển dụng hiệu quả đối với ngành bán lẻ.

>>Tuyển nhân sự: Những sai lầm thường gặp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành bán lẻ Việt Nam "khát" nhân sự cấp trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO