Kinh tế tư nhân phải là "động lực cơ bản" của nền kinh tế

Nguyễn Hoàng| 30/06/2019 06:00

Chính sách phát triển kinh tế tư nhân và chuyển đổi khu vực kinh tế không chính thức sang khu vực kinh tế chính thức cần được tập trung hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không ổn định, thậm chí có những biến động khó lường, tức phải luôn sẵn sàng đối phó với khả năng nền kinh tế nước nhà phải chịu những tác động tiêu cực.

Kinh tế tư nhân phải là

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ nền tảng của nghị quyết này, khu vực kinh tế tư nhân năm 2018 tăng 18,5% so với năm 2017, chiếm 43,3% tổng đầu tư xã hội, tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP.

Đến nay, trong 700.000 doanh nghiệp tư nhân đã có 2% là doanh nghiệp lớn và 2% doanh nghiệp vừa. Khu vực này chiếm trên 51% lực lượng lao động, năm 2018 đóng góp hơn 40% GDP và 30% ngân sách nhà nước nhưng sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước.

Sự thay đổi về tư duy và nhận thức những năm gần đây đã tạo điều kiện giúp khu vực kinh tế tư nhân từng bước phát triển cả về lượng và chất. Từ chỗ chủ yếu hoạt động trong khu vực kinh tế  phi chính thức, kinh tế tư nhân đã chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động trong khu vực chính thức của nền kinh tế, phạm vi kinh doanh lan tỏa khắp các ngành mà pháp luật không cấm.

Trong ba năm 2016-2018, tỷ lệ đóng góp ngân sách của khu vực kinh tế tư nhân luôn cao hơn khu vực FDI. Năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp gia đình, HTX, hộ kinh doanh chiếm khoảng 40% GDP, nộp ngân sách chiếm 3,6% GDP. Trong khi đó, FDI đóng góp gần 20% GDP nhưng chỉ góp vào ngân sách nhà nước 3,42% GDP.

Những tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2017, tỷ lệ nộp ngân sách/GDP của khu vực kinh tế tư nhân là 0,09 và doanh nghiệp FDI là 0,17. Thống kê này là chưa đầy đủ do một số loại thuế khó tách bạch và sự đóng góp của các khu vực kinh tế cũng không có số liệu thống kê chi tiết, nhưng đã chứng minh, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế tư nhân tăng suốt giai đoạn từ 2006-2018 nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ của khu vực này trong GDP, một phần là do tình trạng trốn thuế. Các doanh nghiệp tư nhân thuộc khu vực chính thức chỉ đóng góp khoảng 8% tổng sản lượng của nền kinh tế. Trong khi đó, các chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay vẫn chủ yếu hướng đến khu vực chính thức.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp theo mục tiêu mà Nghị quyết số 10-NQ/TƯ đang có những trở ngại lớn.

Doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai với những băn khoăn về sự rạn nứt của mô hình doanh nghiệp gia đình. Sự tách bạch về tài sản trở thành vấn đề lớn trong không ít doanh nghiệp gia đình. Những bất cập về quản trị doanh nghiệp, về phương thức kinh doanh, về nguồn vốn bộc lộ rõ hơn khi kinh doanh bằng quan hệ có xu hướng đi xuống. Theo khảo sát của Công ty TNHH PwC Việt Nam chuyên về kiểm toán, có đến 61% doanh nhân trẻ cho rằng thế hệ trước khó từ bỏ hoàn toàn kiểm soát doanh nghiệp do mình lập ra, dù đã chuyển giao việc điều hành cho thế hệ sau.

Thực tế đang đòi hỏi, mảng chính sách phát triển và chuyển đổi khu vực kinh tế không chính thức cần được tập trung hơn nữa. Cụ thể, cần có cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời cần xác định hình thức doanh nghiệp phù hợp để hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển đổi sang, với nguyên tắc giảm thiểu các chi phí phát sinh và phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Đổi mới tư duy về khu vực tư nhân bên cạnh đổi mới tư duy về vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, đang là một vấn đề cấp bách nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có doanh nghiệp gia đình. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một động lực quan trọng” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản”, là trụ cột nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế tư nhân phải là "động lực cơ bản" của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO