Báo chí 4.0: Quan trọng nhất là nội dung

Nhóm PV| 15/06/2022 00:54

Chuyển đổi số là một trong mục tiêu quan trọng hàng đầu trong cách mạng 4.0. Các ngành, các lĩnh vực đều đã và đang tích cực thực hiện, ngành báo chí - truyền thông cũng không đứng ngoài. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi và ghi lại góc nhìn của một số chuyên gia, người quan tâm về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Group of Companies:

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí vẫn nghĩ chuyển đổi số là xuất bản trên các nền tảng số. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong quá trình chuyển đổi số. Có cơ quan lại nghĩ rằng chuyển đổi số là sử dụng hệ thống CMS (quản lý nội dung) hay sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong giao tiếp, tác nghiệp. Điều này cũng chưa đầy đủ vì nó phải là tổng hợp tất cả yếu tố đó. Chuyển đổi số thực chất là quy trình tác nghiệp và sản xuất, kinh doanh báo chí trên các hệ thống số. 

o-ng-le-quo-c-vinh-1134-1655276933.jpg

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Group of Companies

Thứ nhất là sản xuất. Tòa soạn sẽ được chuyển dịch lên môi trường số. Môi trường số đó không chỉ có phóng viên sản xuất nội dung gửi cho biên tập, biên tập sửa chữa và nhấn nút xuất bản, mà nó còn phải hỗ trợ cho công tác biên tập và sáng tác nữa. Ví dụ như phóng viên phải truy xuất được vào cơ sở dữ liệu để gia tăng độ chính xác cho bài viết, giảm thiểu thời gian sửa chữa. Người biên tập cũng sử dụng chính nền tảng đó để kiểm chứng thông tin, thúc đẩy nhanh quá trình biên tập, hay kiểm tra về độ trùng lắp nội dung thông tin, đạo văn. Phải ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm truyền thông số, chẳng hạn như infographic, hình ảnh, video...

Thứ hai là kinh doanh. Độc giả bây giờ chia thành nhiều nhóm với nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin khác nhau. Đối tượng bạn đọc thay đổi rất nhanh, buộc báo chí phải đáp ứng được nhu cầu đó. Tức là bạn đọc có xu hướng sử dụng và tiếp nhận thông tin ra sao thì cơ quan báo chí phải thay đổi để sử dụng các nền tảng truyền thông mà họ mong muốn. 

Do đó, việc cơ quan báo chí đuổi theo các giải pháp công nghệ mới, hay bất cứ thứ gì gọi là thời thượng, cũng không phải là cách hay. Vấn đề là mỗi cơ quan báo chí phải hiểu được nhóm đối tượng khách hàng (độc giả) để phục vụ. Đó là hệ thống thông tin hai chiều. Khi thông tin cho độc giả đồng thời mình cũng tìm hiểu họ thông qua cách họ trải nghiệm, ứng xử trên các nền tảng truyền thông để biết được khách hàng (độc giả) cần gì để đáp ứng cho phù hợp nhất, cũng có nghĩa là mình tối ưu được doanh thu.

Công cuộc chuyển đổi số không có nghĩa là phải đầu tư để chuyển hướng ngay lập tức mà phụ thuộc vào năng lực của từng tờ báo. Quan trọng nhất là tư duy số phải thay đổi. Khi đã quyết tâm chuyển dịch số thì phải loại bỏ thói quen, cách làm theo tư duy cũ về thủ tục hành chính, giấy tờ. Ví dụ, trước giờ vẫn dùng bút phê duyệt bài báo, thì bây giờ trong môi trường số phải ký bằng chữ ký điện tử. Công văn, giấy tờ, tất cả thủ tục hành chính phải thay đổi. Việc phân cấp, phân quyền, từng thành viên trong tòa soạn làm gì, được truy cập vào hệ thống nào, mức độ thông tin nào, tất cả được thỏa thuận trên nền tảng số để môi trường số đó phát huy hiệu quả nhất.

Có ý kiến cho rằng các báo điện tử luôn cập nhật những xu thế làm báo mới, hiện đại của thế giới (áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ, longform, infographic, podcast hay đẩy mạnh phát triển các kênh trên mạng xã hội như youtube, tiktok…) thì việc chuyển đổi số không có ý nghĩa bước ngoặt như báo in hay truyền hình. Tôi nghĩ, bản thân các cơ quan báo điện tử nếu nghĩ chuyển đổi số chỉ là trang bị đầy đủ các nền tảng số thì cũng chưa phải là đủ.

Theo tôi, chuyển đổi số là một quá trình. Ví dụ, không phải tất cả cơ quan báo chí điện tử đã ứng dụng được công nghệ trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm thông tin. Khi phát triển đến một chừng mực nào đó, các báo điện tử tự thấy cần phải đầu tư thêm nền tảng khác. Cho nên quá trình chuyển đổi số khó mà kết thúc. 

Khi báo chí sử dụng các nền tảng số thì khả năng tiếp cận độc giả rộng lớn hơn rất nhiều, không có giới hạn về không gian, thời gian, thậm chí phi ngôn ngữ. Bây giờ, công nghệ cho phép người nước ngoài có thể đọc tiếng Việt qua bản dịch tự động một cách dễ dàng. 

Khi chuyển đổi số, công nghệ sẽ thay đổi cách hoạt động của báo chí nhưng nội dung vẫn là quan trọng nhất. Công nghệ sẽ giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, rộng hơn, đa chiều hơn, qua đó nội dung hấp dẫn hơn, đa dạng và có chiều sâu hơn.

Chuyển đổi số là tất yếu và rồi mọi biện pháp tác nghiệp trong ngành truyền thông đều liên quan đến các công cụ số. Nếu kết nối tất cả lại trong hệ thống chung, cả sản xuất báo chí và kinh doanh báo chí, thì những tờ báo nào chuyển dịch số tốt sẽ thành công. Đây là con đường tất yếu, báo nào cũng phải làm, mỗi cơ quan có xuất phát điểm khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng thì giống nhau. 

Lê Hạnh ghi 

Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Vietnam Plus

Năm 2021, Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) đã hỗ trợ một số cơ quan báo chí khu vực Đông Nam Á tiến hành chuyển đổi số, và theo nhận xét của các chuyên gia thì điểm hạn chế chung của các báo là tư duy "text-based", tạm gọi là quá phụ thuộc vào văn bản. Trong khi đó, theo tổng kết của WAN-IFRA thì một trong 7 sự thay đổi lớn của truyền thông là trong cách kể chuyện, từ cách kể chuyện thiên về hình ảnh và văn bản sang cách kể chuyện đa phương tiện, như kể chuyện bằng video, bằng audio, hay thậm chí là bằng dữ liệu. 

Việc thay đổi cách kể chuyện sẽ phù hợp với chiến lược đa nền tảng của báo chí, theo hướng phát triển nội dung trên các nền tảng số, độc giả ở đâu thì báo chí sẽ đi tới đó để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng, cũng như lan tỏa thông tin chính thống đến với đông đảo công chúng.

Chiến lược đa nền tảng phù hợp với tư duy xem độc giả làm trung tâm. Cụm từ này không chỉ đơn giản là phụng sự độc giả hay độc giả là trên hết như nhiều người vẫn hay nói, mà quan trọng là xây dựng mối quan hệ mới với độc giả dựa vào yếu tố dữ liệu, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của độc giả cũng như xây dựng lượng độc giả trung thành. Đây là lý do mà các báo cần suy nghĩ nghiêm túc về việc thu thập dữ liệu độc giả. Hiểu độc giả của mình là ai thì chúng ta mới có thể đưa ra những chiến lược nội dung cũng như chiến lược kinh doanh phù hợp. Và yếu tố dữ liệu cũng nằm trong xu hướng "định danh người dùng" mà WAN-IFRA khuyến cáo như là bước đi mang tính quyết định trong hành trình chuyển đổi số.

7ffb33c1693aa964f02b-4689-1655177586.jpgNhưng để làm được điều này thì chúng ta sẽ phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu tòa soạn. Bởi một tòa soạn hiện đại thì không chỉ có phóng viên, biên tập viên, mà còn cần cả đến các lập trình viên, chuyên viên dữ liệu, đội ngũ sáng tạo sản phẩm mới... Nói tóm lại, thách thức về nhân sự sẽ là bài toán đầu tiên mà chúng ta cần giải khi tiến hành chuyển đổi số, bởi sẽ có những người bị mất việc hoặc chuyển đổi chức năng khi tòa soạn tiến hành cải tổ nhằm bắt kịp với xu hướng chung của thế giới.

Trong 7 sự thay đổi lớn của truyền thông mà WAN-IFRA nhắc đến thì sự thay đổi lớn đầu tiên chính là từ báo in sang báo điện tử. Sự thay đổi lớn thứ 5 là từ TV thụ động (nhà đài phát gì công chúng xem nấy) sang dạng streaming VOD (công chúng chủ động lựa chọn hình thức xem qua các ứng dụng trên nền tảng Internet). Nên nói bước ngoặt hay không thì tùy vào cách hiểu của mỗi người.

Thực ra, hành trình chuyển đổi số sẽ xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại báo chí. Thực tế thì hầu hết cơ quan báo chí đều đang phát triển theo hướng trở thành một công ty truyền thông đa phương tiện, hoặc thậm chí trở thành công ty công nghệ - báo chí (media tech). Các cơ quan báo chí nào cũng có thể tự đầu tư trường quay, hoặc mini studio tùy theo nguồn lực. Và khi công chúng tiếp cận thông tin trên nền tảng số thì họ cũng sẽ không phân biệt video này có phải do một đài truyền hình truyền thống sản xuất hay không, hay của các cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Còn việc một số trang báo thu phí độc giả dựa trên dịch vụ đăng ký dài hạn (subscription) cũng nằm trong hành trình chuyển đổi số và nó sẽ là xu hướng tất yếu. Vấn đề là thời kỳ quá độ dài hay ngắn mà thôi. Như ở Việt Nam, chúng ta mới ở điểm khởi đầu của chuyển đổi số, mới chỉ thử nghiệm thu thập dữ liệu độc giả, mới chỉ thử nghiệm xây dựng độc giả trung thành qua trang đăng ký dài hạn, mới chỉ thử nghiệm tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, chúng ta cần có nhiều thời gian hơn để nâng cao nhận thức độc giả về vấn đề thu phí, song song với việc giải quyết các tồn tại về bản quyền, cách thức thanh toán...

Công nghệ đang làm thay đổi báo chí từng ngày và công nghệ có thể thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan báo chí. Rất nhiều cơ quan báo chí nhỏ đã tận dụng rất tốt các nền tảng số để tiếp cận công chúng, thậm chí còn đông đảo hơn các cơ quan báo chí lớn. Do đó, đừng giới hạn mình ở một địa hạt nào đó mà hãy mạnh dạn tấn công vào các thị trường ngách phù hợp mà mình có ưu thế hoặc có đủ nguồn lực để phát triển.

T.Minh ghi

Ông Nguyễn Hải Triều - CEO Công ty công nghệ Prime Data

Trong thời đại 4.0, số hóa len lỏi vào khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và hiện tại đang tác động mạnh đến truyền thông, báo chí. Điều này cũng mang đến nhiều thách thức và cơ hội để các cơ quan báo chí số hóa "sản phẩm nội dung". Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong báo chí cũng nhiều thách thức.

Thứ nhất là thách thức về nguồn nhân lực có thể tiếp cận và hòa nhập vào thời đại chuyển đổi số, sự chênh lệch trình công nghệ, số hóa giữa các cấp lãnh đạo. Khó khăn trong đào tạo đội ngũ biên tập viên dữ liệu, biến dữ liệu khô khan thành các sản phẩm đồ họa động, đồ họa tương tác, megastory hấp dẫn bạn đọc trên nền tảng đa phương tiện...

Thứ hai là chi phí đầu tư và trang thiết bị công nghệ không phải là vấn đề đơn giản, phải dám đầu tư thì mới có thể phát triển được và cần phải có đội ngũ am hiểu, thông thạo những nền tảng thì mới có thể phát huy được giá trị của công nghệ.

Thứ ba là tư duy, năng lực và tầm nhìn của những người lãnh đạo, chưa nhận thấy được tiềm năng và giá trị của chuyển đổi số mang lại, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà thay đổi các quy trình vận hành, sản xuất nội dung, năng lực sáng tạo những "sản phẩm nội dung" mới mẻ và chất lượng.

Cũng cần lưu ý, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số thật sự không phải nằm ở phần công nghệ mà quan trọng chính là đội ngũ vận hành, con người và tư duy là thách thức lớn nhất hiện nay đối với các cơ quan báo chí, truyền thông.

Khi muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được.

167677957-10159240904619697-87-8794-6104Việc đầu tư chi phí, trang thiết bị tối tân, công nghệ hiện tại chỉ là điều kiện cần, các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, khuyến khích cách làm việc mới, tiếp cận các nền tảng digital.

Đồng thời, việc đầu tư vào "sản phẩm nội dung" vẫn là một yếu tố tiên quyết và luôn được ưu tiên hàng đầu, cho dù chuyển đổi số, số hóa, thì nội dung và giá trị thông tin truyền tải đến độc giả vẫn là một giá trị cực kỳ quan trọng. Các báo phải hiểu được "khách hàng" của mình và tạo những nội dung khác biệt dành cho độc giả của mình. 

Chuyển đổi số có nhiều cấp độ, không ở việc dùng công nghệ sản xuất - kiểm duyệt và phát hành nội dung, mà còn ở các mô hình giá, mô hình nội dung... điều này hoàn toàn có khả năng tạo những đột phá mang tính cách mạng. Ví dụ buzzfeed là nền tảng tận dụng sức mạnh của mạng lưới cộng tác viên lớn, tạo nội dung có format phù hợp thị hiếu, ở tốc độ cao...

Hiện tại có rất nhiều tờ báo thành công trong việc trả phí như The New York Times, Financial Times, The Economist... Tuy nhiên, để làm được điều này, các báo phải thấu hiểu được nhu cầu độc giả, luôn cung cấp đều đặn cho "người tiêu dùng tin tức" hay độc giả những thông tin hấp dẫn, hữu ích và cả những tin tức mà họ không thể tìm được ở bất cứ đâu. Đây cũng là chìa khóa thành công của The New York Times.

Tuy nhiên, việc thu phí người đọc sẽ gây ra một số thay đổi về thị trường ngành báo như sẽ cạnh tranh nhiều hơn. Vì khi thu phí, các tờ báo sẽ trở thành đối tượng lựa chọn của người mua và sẽ phải đảm bảo sự độc đáo, hấp dẫn và đáng tin cậy của mình. Khách hàng đọc những gì thấy cần, thấy hấp dẫn và đập vào mắt họ, họ sẵn sàng nhảy từ tờ báo này sang tờ báo khác. Việc độc giả đồng ý trả phí cũng đồng nghĩa với việc họ chủ động lựa chọn các nội dung mà họ mong, từ đó báo cũng nắm bắt được đối tượng "khách hàng" của mình để tạo ra những nội dung phù hợp và sát với mong muốn của người dùng hơn. 

Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí ngày càng phải đầu tư vào chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Đó là những thông tin mang tính xác thực, những nội dung bản quyền có hàm lượng tri thức cao, những câu chuyện tử tế và nhân văn, những góc nhìn riêng biệt từ những cây bút, nhà báo có uy tín, tạo ra những giá trị mới của thông tin. Và nhà báo cần có kỹ năng đa dạng, kiến thức sâu, rộng hơn.

Ý Nhi ghi

Ông Lê Hòa Hiệp - Giám đốc Công ty Du lịch Hi Travel 

LHH-3327-1655177586.jpgViệc một số tờ báo đưa ra quy định thu phí người đọc, xét ở khía cạnh là độc giả, tôi cho rằng việc làm này vô hình chung làm giảm sức cạnh tranh so với các tờ báo khác. Báo chí là cơ quan ngôn luận để chuyển tải thông tin đa chiều đến bạn đọc, chứ không phải bài nghiên cứu để "đánh phí” người đọc. Xu thế phát triển công nghệ số, người đọc hiện nay rõ ràng ít cầm tờ báo hay tạp chí theo bên mình so với trước. Trước đây, khi cầm tờ báo sẽ thấy sang trọng, nhưng bây giờ do phải tất bật với công việc nên mang theo tờ báo bên mình để đọc như lúc trước sẽ thấy không được thuận tiện. Bây giờ, cần thông tin thì sẽ lựa chọn phương án đọc trên ứng dụng công nghệ, thiết bị di động. 

Nói như thế không có nghĩa là báo giấy sẽ "chết". Thực ra, nếu thay đổi nội dung và hướng tới đối tượng bạn đọc riêng biệt, báo giấy vẫn có chỗ đứng nhất định. Tôi đơn cử như Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, tôi là độc giả trung thành. Những câu chuyện làm ăn, chuyện kinh doanh hay những gương doanh nhân trẻ vượt lên khó khăn để thành công được báo phản ánh đã phần nào kích thích được sự tò mò; là những điều tích cực khơi dậy sự đam mê, nghị lực để người đọc có thể học hỏi.

Việc báo chí chuyển đổi số rõ ràng sẽ giúp độc giả định hướng thông tin tốt hơn, bạn đọc không bị dẫn dắt bởi tin giả trên Internet hay mạng xã hội vì vai trò của báo chính thống là luôn cung cấp thông tin chính xác. 

Q.Nam ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Báo chí 4.0: Quan trọng nhất là nội dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO