Giữa đại dịch, 'người khổng lồ' cũng lộ điểm yếu

Khánh Linh| 12/04/2020 01:15

Nước nào có nhiều doanh nghiệp nhỏ và người tự kinh doanh, phụ thuộc vào du lịch và các chuỗi cung ứng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Virus corona đang giáng đòn vào nền kinh tế châu Âu, nhưng "nỗi đau" lại không chia đều các nước.

Ai trang bị 'vũ khí' tốt hơn chống đại dịch Covid-19?

Miền Nam châu Âu, nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, sẽ thiệt hại nhiều nhất. Các quốc gia như Hy Lạp và Italy phụ thuộc nhiều vào du lịch và vẫn đang chật vật chống chọi với dư âm của cuộc khủng hoảng nợ công trong thập kỷ qua, bao gồm các chính sách "thắt lưng buộc bụng" khiến hệ thống y tế của các nước này không còn đủ nguồn lực để đương đầu với đại dịch.

Nhưng ngay cả các quốc gia được coi là "người khổng lồ" trong khu vực như Đức và Hà Lan cũng lộ ra những yếu điểm.

Quảng trường Monastiraki ở Athens, Hy Lạp. Nền kinh tế Hy Lạp phụ thuộc nhiều vào du lịch và các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: Costas Baltas/Reuters

Quảng trường Monastiraki ở Athens, Hy Lạp. Nền kinh tế Hy Lạp phụ thuộc nhiều vào du lịch và các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: Costas Baltas/Reuters

Các nhà sản xuất ôtô của Đức đã thống trị phân khúc xe hơi hạng sang. Nhưng cuộc tấn công của virus đã làm lộ ra sự phụ thuộc của nước này vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc, và hiện tại, Đức đang đóng cửa các nhà máy trên cả nước.

Nước nào có nhiều doanh nghiệp nhỏ và người tự doanh sẽ chịu thiệt hại nặng bởi các doanh nghiệp này thường chỉ có nguồn dự trữ tài chính mỏng, khó có thể tồn tại khi doanh số sụt giảm đột ngột. Hy Lạp và Ý là những ví dụ điển hình, và Hà Lan cũng vậy.

Thời của Estonia?

Một vài quốc gia khác lại có những thế mạnh tiềm ẩn. Có thể kể tới Estonia, với một nền kinh tế có nhiều công ty có thể cung cấp dịch vụ trực tuyến và nhân viên có thể làm việc tại nhà, đã vươn lên "kiên cường" trong dịch bệnh. Đây có thể là "thời của Estonia", đất nước có một cộng đồng khởi nghiệp kỹ thuật số vô cùng sôi động.

Theo các nhà kinh tế tại Oxford Economics, chính sách kinh tế quan trọng nhất đối với bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm này là kiểm soát sự lây lan của virus. Điều đó mang lại lợi thế cho các quốc gia có các nhà lãnh đạo sang suốt và hệ thống y tế được trang bị tốt.

Các nước miền Nam châu Âu đã cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực y tế trong cuộc khủng hoảng nợ công để đáp ứng điều kiện nhận tiền cứu trợ, nay trở nên dễ bị tổn thương nhất. Theo ông Carsten Brzeski - nhà kinh tế phụ trách nghiên cứu khu vực EU tại Ngân hàng ING của Hà Lan, "Rất khó để nói nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và nước nào xử lý tốt nhất. Chúng ta vẫn đang ở giữa cuộc chiến".

Nền kinh tế châu Âu có mối liên hệ chặt chẽ giữa các quốc gia và những nước dù cho đã được bảo vệ tương đối tốt vẫn có thể chịu ảnh hưởng liên đới trước khủng hoảng của các nước láng giềng. Ryan Morhard - một chuyên gia an ninh y tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Geneva, cho biết: "Trong khi một số quốc gia có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác, không nước nào đã chuẩn bị đủ tốt cả".

Khi được hỏi về nhận định quốc gia nào đã xử lý khủng hoảng tốt, ông Morhard đã kể tên Singapore, nhưng, tất nhiên, không phải ở châu Âu. Sau đây là đôi nét về sự chuẩn bị của các nước châu Âu trước đại dịch Covid-19.

Đức

Với nguồn tài chính công vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp thấp và mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp, Đức dường như "bất khả chiến bại". Chính phủ đã có thể ban hành gói kích thích kinh tế khổng lồ mà không gây ảnh hưởng nhiều đến xếp hạng tín dụng của đất nước. Theo dữ liệu của Oxford Economics, Đức cũng có số lượng giường bệnh trên đầu người lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.

Một ga tàu ở Berlin, Đức. Ngành công nghiệp sản xuất nước này rất dễ bị tổn thương trước sự tấn công của đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Một ga tàu ở Berlin, Đức. Ngành công nghiệp sản xuất nước này rất dễ bị tổn thương trước sự tấn công của đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Nhưng Đức bước vào cuộc khủng hoảng trong bối cảnh vốn đang tăng trưởng chậm chạp, và các nhà sản xuất ô tô, máy móc rất dễ bị tổn thương trước những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và hạn chế tiếp xúc xã hội. Không thể có chuyện làm việc tại nhà đối với dây chuyền lắp ráp của Mercedes-Benz. Việc các công ty lớn như Volkswagen và Daimler ngừng hoạt động sẽ gây ra một loạt phản ứng dây chuyền giữa các nhà cung cấp và xảy ra thất nghiệp.

Italy

Khó có quốc gia phát triển nào lại dễ bị tổn thương trước đại dịch hơn Italy. Du lịch chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế, và các doanh nghiệp nhỏ cũng vậy. Khoản nợ khổng lồ của chính phủ, bằng 137% tổng sản phẩm quốc nội, khiến Rome khó có khả năng trợ cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thủ phủ thời trang Milan giữa cao điểm dịch. Ảnh: New York Times.

Thủ phủ thời trang Milan giữa cao điểm dịch. Ảnh: New York Times.

Italy đang trên bờ vực suy thoái ngay cả trước khi virus corona tấn công. Sản lượng của nền kinh tế vẫn còn thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.

Người dân Italy tuy được xếp hạng trong số những người khoẻ mạnh nhất thế giới, nhưng như vậy là chưa đủ để chống lại Covid-19 khi bệnh viện thì thiếu hụt giường bệnh trầm trọng. Ngay cả chất lượng mạng internet cũng dưới chuẩn.

"Italy rõ ràng sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất", ông Brzeski nói.

Hà Lan

Hà Lan có rất nhiều tập đoàn lớn, cũng như một hệ thống các công ty luật, kế toán và tư vấn phục vụ họ, nhờ luật thuế rất thuận lợi. Nhân viên của các công ty này phần lớn có thể làm việc tại nhà. Trên thực tế, nhiều người vẫn đã làm vậy từ trước khi có dịch bệnh. Khoảng 14% người dân Hà Lan làm việc tại nhà.

Nhưng Hà Lan có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp nhỏ và ngành hàng không bị ảnh hưởng trầm trọng. Schiphol, ở ngoại ô Amsterdam, là một trong những sân bay lớn nhất châu Âu và là một trong những điểm chung chuyển chính của Air France KLM, cũng chịu ảnh hưởng nặng bởi hãng này đã phải cắt giảm 90% dịch vụ và đề nghị chính phủ hỗ trợ.

Hy Lạp

Sau một thập kỷ ảm đạm và khắc khổ do suy giảm kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28% và thiệt hại 1/4 tổng sản lượng, Hy Lạp đã có dấu hiệu phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 16,5% và các nhà đầu tư đã bắt đầu mua nợ Hy Lạp trở lại. Nhưng không có quốc gia nào trong khu vực lại phụ thuộc nhiều vào du lịch hơn Hy Lạp, và đây cũng là một quốc gia nhiều doanh nghiệp nhỏ, thường không có nguồn lực dồi dào để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Một điểm sáng đáng ngạc nhiên đối với Hy Lạp là ngân sách đang dư thừa. Một số quan chức và chuyên gia lập luận rằng đây thời điểm Hy Lạp phục hồi, cũng như đảm bảo sẽ không phí hoài 10 năm hy sinh đầy khó khăn.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất năm ngoái khi nước này hồi phục mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng nợ công. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp, ở mức gần 14%, vẫn thuộc nhóm cao nhất châu Âu và Tây Ban Nha chỉ xếp sau Hy Lạp xét trên sự phụ thuộc vào du lịch. 

Bảo tàng Reina Sofia ở Madrid, Tây Ban Nha. Ngành du lịch và công nghiệp sản xuất nước này cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Bảo tàng Reina Sofia ở Madrid, Tây Ban Nha. Ngành du lịch và công nghiệp sản xuất nước này cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Tây Ban Nha cũng là một nước sản xuất ôtô lớn. Volkswagen, Renault và Ford Motor đều đã đóng cửa các nhà máy ở Tây Ban Nha. Các bệnh viện Tây Ban Nha thậm chí còn có số giường bệnh trên đầu người ít hơn so với Italy.

Pháp

Pháp có thể ít bị tổn thương hơn so với các nước láng giềng. Sản xuất không chiếm tỷ trọng quá lớn trong nền kinh tế như ở Đức, và tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và người tự doanh cũng thấp hơn ở Italy hoặc Hà Lan. Nhiều người Pháp làm việc cho các công ty lớn, nên có khả năng "sống sót" qua cuộc khủng hoảng cao hơn. Du lịch chỉ chiếm một phần nhỏ đáng kinh ngạc trong nền kinh tế, ngay cả khi Paris dường như bị "chiếm đóng" bởi những người cầm gậy selfie.

Việc chính phủ thường can thiệp vào hoạt động kinh tế tư nhân lại có thể là một lợi thế khi đất nước cần các chính trị gia lãnh đạo cuộc chiến chống lại virus. Và Pháp cũng có đường truyền internet tốt nhất Châu Âu.

Estonia

Quốc gia Baltic nhỏ bé với dân số 1,3 triệu người có một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt hơn 4%, thất nghiệp dưới 5% và nợ công không đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách mở rộng tài khóa.

Estonia được biết đến là một trong những quốc gia công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới - một lợi thế lớn khi dịch bệnh bùng phát dẫn tới tăng cường hoạt động kinh tế trực tuyến. Phần mềm Skype được viết tại Tallinn - thủ đô của Estonia. Bolt - một dịch vụ đặt xe và giao hang công nghệ đang trở thành đối trọng với Uber, cũng có trụ sở tại đây. Nhưng khi virus lây lan, Estonia cũng phải thận trọng để bảo vệ những người đứng ngoài bức tranh thịnh vượng đó: hơn 1/5 dân số nước này sống trong nghèo đói.

(Theo Zing News)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữa đại dịch, 'người khổng lồ' cũng lộ điểm yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO