Nhập siêu 2010 đã giảm hơn 5% và bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc (TQ)vẫn chiếm tới 90%. Để giảm nhập siêu, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia: “Phải đẩy hàng hóa Việt Nam trượt lên chuỗi giá trị cao hơn Trung Quốc”.
* Nhập siêu của Việt Nam chủ yếu từ TQ. Năm 2009 là hơn 11 tỷ USD trong hơn 12 tỷ USD tổng nhập siêu. Theo ông, nguyên chính do đâu?
- Theo tôi, cần xem xét vấn đề nhập siêu từ TQ một cách khách quan. Trước những năm 2000, quan hệ thương mại Việt - Trung ở thế cân bằng, thậm chí ta còn xuất siêu.
Thập kỷ qua, xuất khẩu của Việt Nam sang TQ vẫn tăng, nhưng nhập khẩu lại tăng nhanh hơn, gấp 10 lần năm 2000, Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu mạnh sang các thị trường Âu, Mỹ và chủ yếu ở thế xuất siêu.
Nhu cầu xuất khẩu đến nhanh, buộc Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất. TQ khi đó đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về máy móc, thiết bị, nguyên liệu, với giá thành phù hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Động thái này của Việt Nam giống như TQ, khi cần hàng hóa tiêu dùng, máy móc văn phòng, TQ không hướng tới các nước phát triển như Mỹ, Nhật... mà nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan. Nếu nhìn ở góc độ này, nhập siêu không mang tính tiêu cực mà đó chỉ là sự phân bổ chuyên môn hóa sản xuất trên toàn cầu.
Nhưng điều này cũng chỉ rõ, chuỗi giá trị trong phân công lao động của Việt Nam thấp hơn TQ, trong khi Thái Lan, Malaysia cao hơn TQ một bậc. Đây là quá trình động, nếu chúng ta vượt qua được TQ sẽ giải quyết được vấn đề nhập siêu từ nước này. Và ngược lại, Việt Nam sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường đầu vào.
* Vậy, chính sách tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu của Việt Nam đang là giải pháp tốt nhất?
- Đó là chính sách tổng thể, song có những điểm cần lưu ý. Thứ nhất, tăng xuất khẩu, ta phải được lợi về giá trị gia tăng mới có nhiều ý nghĩa.
Nhưng thực tế, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm nhanh trong 10 năm trở lại đây. Điều này phản ánh về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, rào cản thương mại...
Thứ hai, cần lưu ý nhập khẩu chỉ là công cụ để có được những hàng hóa tốt nhất mà trong nước chưa hoặc không có khả năng sản xuất. Dựa vào năng lực sản xuất thực sự, họ biến thành sản phẩm của mình rồi tái xuất, mang lại giá trị gia tăng cao.
Điều này chỉ rõ bản chất bên trong nền kinh tế chứ không phải là vấn đề ngoại giao. Nhìn tổng thể, Việt Nam cũng theo xu hướng đó nhưng về thực chất, chưa thành công, đặc biệt là việc chuyển hóa năng lực công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
* Theo ông, khi nào Việt Nam sẽ xuất siêu, hay ít nhất cân bằng thương mại theo cái nghĩa của mô hình TQ?
- Với tốc độ hiện nay, tôi cho rằng, điều đó chưa thể diễn ra trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới. Như vậy, nếu lấy quãng thời gian nhập siêu trong quá khứ cộng với nhập siêu trong tương lai từ TQ, đó là quãng thời gian quá dài và rất bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
Để giảm nhập siêu, trong chiến lược tổng thể, chúng ta phải đẩy hàng hóa Việt Nam trượt lên chuỗi giá trị cao hơn TQ. Điều này rất khó, khi hàng hóa Việt Nam đang ở bậc thấp của chuỗi giá trị.
Tôi cho rằng, điều này không hoàn toàn đúng. TQ có lợi thế song cũng nhiều bất lợi. Việt Nam cũng vậy, nhưng với lợi thế của nước nhỏ, năng động, chúng ta có thể nhìn vào mô hình của Thái Lan, Malaysia để đi nhanh hơn, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, thoát khỏi tình trạng nhập siêu từ TQ như hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!