Cụ thể, giá vàng thế giới sáng 9/3/2020 đã vượt mức 1.700 USD/oz, sau khi tăng 27,5 USD/oz đêm qua. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 47,7 triệu đồng/lượng.
Cuối tuần trước, giá vàng thế giới chốt phiên ở mức 1.673,6 USD/oz, tăng hơn 88 USD so với thời điểm cuối tháng 2, tương đương mức tăng 5,6%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng chốt tuần tại 1.672,4 USD/oz, sau khi chạm đỉnh 1.690,7 USD/oz. Tính chung cả tuần, giá vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 6,79% - mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 10/2011.
Diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước cũng bật tăng mạnh. Mở cửa thị trường sáng nay, giá vàng được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1 triệu ở chiều bán ra.
Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 9g07 niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và dao động quanh 48,25 - 48,27 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng lần lượt 650.000đ ở chiều mua và 950.000đ ở chiều bán so với chốt phiên cuối tuần trước.
Tính chung tuần qua, giá vàng SJC lẫn Doji đều tăng 1,5 triệu đồng; vàng Rồng Thăng Long tăng mạnh hơn ở mức 1,83 triệu đồng/lượng… Hiện, giá vàng giao ngay trên thế giới thấp hơn giá bán ra trong nước từ 400.000 - 600.000đ/lượng.
"Làn sóng đổ tiền vào các kênh trú ẩn tài sản an toàn đang diễn ra trên thế giới và vàng đang hưởng lợi lớn. Với việc thị trường lo ngại tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa, giá vàng sẽ càng được kéo lên cao", Michael McCarthy – chiến lược gia thị trường tại CMC Markets nhận định.
Dù đã có dự báo từ cuối tuần trước rằng việc giá vàng thế giới xuyên thủng mốc 1.700 USD/oz chỉ còn là vấn đề thời gian, song việc giá kim loại này chạm ngưỡng trên ngay phiên giao dịch đầu tuần không khỏi làm nhiều người bất ngờ.
Một trong các nguyên nhân được xem là giúp “tiếp lửa” cho đà tăng của giá vàng thế giới là sự lan rộng của dịch Covid-19. Đến sáng nay, số ca nhiễm bệnh trên thế giới đã tăng lên 109.870, sau khi vừa vượt mốc 100.000 hai ngày trước đó, với số ca tử vong cũng vọt lên 3.825 ca.
Link bài viết
Không chỉ làm gián đoạn và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh cũng khiến hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, bị đình trệ.
Đây cũng là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước đã khẩn cấp giảm lãi suất tham chiếu xuống quanh mức 1 - 1,25% - mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Và, cơ quan này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất xuống 0% trong tương lai, nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh.
Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc sáng nay cũng cho biết Triều Tiên đã bắn 3 vật thể không xác định ra biển từ thành phố phía đông là Sondok. Động thái này được giới phân xem là thông điệp năm mới 2020 của Triều Tiên, rằng sẽ sớm cho ra mắt "vũ khí chiến lược mới".
Theo Kitco, 92% chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng, và không ai dự báo giá vàng sẽ đi xuống, trong khi chỉ có 1/13 chuyên gia nhìn nhận giá vàng sẽ đi ngang.
Theo chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Bloomberg Intelligence Mike McGlone, vàng vẫn nên đứng đầu trong danh mục đầu tư so với các mặt hàng khác, vốn đang phải đối mặt với các vấn đề nhu cầu lớn trong một môi trường tăng trưởng toàn cầu yếu. Trong một báo cáo phát hành hôm 6/3, McGlone cho rằng giá vàng đang dần di chuyển lên mức 1.800 USD/oz.
Thậm chí, có dự báo cho rằng giá vàng sẽ lên đến 2.000 USD/oz, khi các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Với thị trường Việt, giá vàng trong nước luôn diễn biến cùng chiều với thế giới, khi vàng thế giới lập kỷ lục mới, vàng trong nước chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh.