Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), người Trung Quốc đang khiến cả thế giới phải ngạc nhiên về những thứ họ có thể nghĩ ra khi mà việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, theo Tech in Asia.
Năm 2016, công nghiệp thanh toán di động của Trung Quốc có giá trị khoảng 8,8 nghìn tỷ USD và được dự báo sẽ đạt mức 14 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2017, theo hãng nghiên cứu iResearch.
Iresearch cũng ước tính đến năm 2019, khoảng 85% giao dịch thanh toán trực tuyến của Trung Quốc sẽ được thực hiện qua di động, số còn lại qua máy tính và máy tính bảng.
Không ngạc nhiên với những con số đó bởi trong năm 2016, hơn 95% người dùng Internet tại Trung Quốc lên mạng bằng di động thông minh (smartphone). Sự phổ biến của smartphone và xu hướng thanh toán qua thiết bị này nở rộ đang sản sinh nhiều mô hình kinh doanh "lạ" tại Trung Quốc.
Thuê nhân viên tự do theo khu vực
Người Trung Quốc giờ đây có thể dễ dàng tìm được những người làm việc tự do (freelancer) như nhiếp ảnh, trông trẻ hay huấn luyện viên thể hình… ở gần mình và trả tiền cho họ nhanh chóng chỉ bằng smartphone qua các dịch vụ thanh toán điện tử như Alipay.
Bạn chỉ cần đăng tải vị trí của mình, gửi yêu cầu và nhận được cả tá phản hồi. Những yêu cầu này cũng khá đa dạng, từ đưa đón, giao hàng, mua thực phẩm cho đến đi xem phim cùng.
Bất cứ ai sẵn sàng hoàn thành những yêu cầu trên sẽ được trả tiền với số tiền tối đa là 30 USD.
Nhiều người còn nhận làm các việc như mua và gửi hoa, mua đồ ăn sáng… với mức phí chưa đến 1 USD. Một blogger Trung Quốc còn đùa rằng bạn thậm chí có thể trả tiền cho ai đó để mang giấy vệ sinh tới cho bạn. Nhưng điều này hoàn toàn có thể được thực hiện qua tính năng dựa trên vị trí của Alipay.
>>Kinh tế không tiền mặt: Cú hích thanh toán di động
Trả tiền để tạo nhóm cùng thực hiện mục tiêu
Không có gì mang lại nhiều động lực hơn cùng thực hiện với nhiều người. Những người dùng trong "Vòng tròn tri thức" (Knowledge Circle) – tài khoản chính thức của ứng dụng nhắn tin WeChat, có thể tạo một nhóm bạn để cùng thực hiện một việc gì đó hàng ngày như tập thể dục, ôn thi… và thu một khoản phí nhỏ từ những người muốn gia nhập. Hiện tại, mức phí gia nhập cao nhất lên tới 750 USD. Được thiết kế vì mục đích học tập, một nhóm học chung hiện thu phí người tham gia khoảng 200 Nhân dân tệ (30 USD).
Mỗi ngày, những người trong nhóm sẽ phải hoàn thành một nhiệm vụ và đưa ra bằng chứng, đó có thể là bài tập về nhà đã làm xong hoặc ảnh chụp đang tập thể dục. Những người không hoàn thành quá nhiều nhiệu vụ hàng ngày - ngưỡng do người lập nhóm tạo ra, sẽ mất số tiền đã nộp vào tay những thành viên theo đuổi nhiệm vụ đến cùng. Đây được cho là một cách hiệu quả để xây dựng các thói quen tốt hoặc điều gì đó mới mẻ.
"Vòng tròn tri thức" cũng được các huấn luyện viên thể dục dùng để tạo các nhóm, đặt mục tiêu và thu phí của các thành viên tham gia.
Thưởng tiền
Thưởng tiền (tip) sau khi được phục vụ không phải là khái niệm mới, nhưng nó lại có màu sắc hoàn toàn mới tại Trung Quốc - nơi mà người ta thường không thưởng tiền cho người phục vụ, lái xe, nhân viên pha chế hay những người phục vụ khác.
Những người sáng tạo nội dung trực tuyến, như blogger, giờ đây nhận được tiền thưởng cho các bài viết của mình qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Việc này vô cùng phổ biến trên WeChat, nơi những người viết nội dung chỉ cần tích hợp một chương trình nhỏ hoặc mã QR để nhận tiền thưởng.
Chắc chắn đây không phải một mô hình kinh doanh bền vững bởi nó không phải hình thức bắt buộc với độc giả, nhưng lại là phương thức kiếm tiền hiệu quả mà không cần quảng cáo hay đăng ký trả phí.
>>7 ứng dụng thanh toán di động phổ biến nhất thế giới
Hiện tại, WeChat không tính thu chiết khấu đối với số tiền thường mà người viết nội dung nhận được.
Từ đầu năm đến nay, Keso, trang blog công nghệ nổi tiếng trên WeChat, đã thiết lập 3 phương thức nhận tiền thưởng khác nhau: mã QR cho phéo người dùng quyết định thưởng bao nhiêu tiền, một mã QR khác cho phép thiết lập số lượng và một chương trình nhỏ để nhận tiền thường.
Nền kinh tế tri thức
Nhận thấy nhu cầu nhiều người muốn đặt câu hỏi với người nổi tiếng, ứng dụng di động Fenda ra đời trên WeChat. Ở Fenda, người dùng trả tiền để đặt câu hỏi hoặc "xem ké" câu trả lời người khác nhận được. Câu trả lời có định dạng tin nhắn có tiếng.
Wang Sicong, quý tử của một trong những doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc, thậm chí còn kiếm được tới 30.000 USD chỉ bằng việc trả lời các câu hỏi, trong đó về cả những vấn đề nhạy cảm.
Về sau, ứng dụng này chuyển hướng mở rộng ra cả những lời khuyên của chuyên gia như luật sư, bác sĩ tâm thần… thay vì chỉ buôn chuyện với người nổi tiếng. Đây được xem là mặt thú vị của nền kinh tế tri thức mới của Trung Quốc, nơi những người "có tư tưởng dẫn đầu" có thể kiếm tiền bằng việc trả lời các câu hỏi, thu âm các bài giảng trực tiếp, hoặc thành lập các kênh nội dung qua smartphone của mình.
Cho thuê gần như mọi thứ
Nhờ smartphone, người Trung Quốc giờ đây có thể trả tiền để thuê mọi thứ từ xe đạp, bóng rổ, ô, sạc pin hay thậm chí những đồ nhạy cảm khác... Bằng tính năng định vị vị trí, người dùng có thể đặt thuê những thứ ở gần mình và thanh toán nhanh chóng bằng mã QR. Hiện tại, dịch vụ cho thuê xe đạp đã có mặt ở hàng trăm thành phố tại Trung Quốc và dần lan rộng ra nước ngoài.
(Theo VnEconomy - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)