Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức được ký kết vào đầu tháng 12 nhân chuyến thăm cấp cao châu Âu của lãnh đạo Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên chiều 19/11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết cơ quan này đã thống nhất với Ủy ban Thương mại châu Âu về việc sẽ ký kết chính thức hiệp định thương mại giữa hai bên. “Dự kiến ngày 2/12 chúng tôi sẽ ký kết chính thức”, ông nói.
Trước đó, tại buổi họp báo cuối tháng 10, tân đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) - ông Bruno Angelet cũng chia sẻ rằng tất cả các nước thành viên EU mong mỏi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam được thông qua và nhận thức được văn kiện sẽ mang lại nhiều lợi ích.
FTA Việt Nam - EU đã hoàn tất đàm phán vào tháng 8/2015. Các nước thành viên EU sẽ mất khoảng hai năm để phê chuẩn hiệp định. "Đây là thời gian quan trọng để lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình thực thi", đại sứ EU nói.
EVFTA được khởi động đàm phán vào tháng 6/2012. Sau gần 3 năm với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, hai bên đã kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của hiệp định.
Về xuất nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.
EU gồm 27 quốc gia thành viên hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013.
Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản...
EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.030 dự án còn hiệu lực đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 36 tỷ USD.
Các nhà đầu tư trong khối có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Trong khi đó, liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hôm qua (19/11), Báo Công Thương dẫn nguồn báo chí nước ngoài cho hay các nguyên thủ của 12 nước thành viên đang nhóm họp tại thủ đô Manila của Philippines và đã nhất trí sẽ tổ chức lễ ký kết chính thức Hiệp định TPP vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand.
Báo này cũng cho biết các bên đồng thời đưa ra lộ trình để hiệp định đi vào hiệu lực là 2 năm sau ngày ký kết. Ngoài ra, các vị nguyên thủ cũng cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực cần thiết để quốc hội các nước thành viên sớm phê chuẩn hiệp định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rằng “các bên chưa thống nhất được ngày ký kết chính thức TPP”.
>EVFTA: Báo chí châu Âu nói gì về thị trường Việt Nam?
>EVFTA: EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế của Việt Nam
>Thanh toán bằng nội tệ - Rào cản xuất khẩu trong EVFTA