Em và Trịnh: Có đi thì mới thành đường

Đan Khanh| 26/06/2022 06:00

Em và Trịnh - bộ phim tiểu sử của điện ảnh Việt Nam đang tạo “sức nóng” trên phòng vé và các diễn đàn truyền thông. “Có đi thì mới thành đường”, giới chuyên môn và khán giả hy vọng sau Em và Trịnh sẽ có thêm những bộ phim tiểu sử khác.

Em và Trịnh: Có đi thì mới thành đường

Phim tiểu sử (biography) là dòng phim tái hiện cuộc đời một nhân vật có thật, nêu bật tính cách, số phận và những bước ngoặt trong đời người đó. Những nhân vật này thường là chính khách, văn nghệ sĩ, doanh nhân, vận động viên... nổi tiếng và cuộc đời họ mang đậm dấu ấn thời đại. Có thể nói, dòng phim tiểu sử là “mỏ vàng” mang đến danh tiếng lẫn doanh thu cho nhà làm phim, nếu tác phẩm đủ sức chinh phục khán giả. 

Điện ảnh Việt Nam từng có các phim như Người cộng sự, Nhìn ra biển cả, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Thủ lĩnh áo nâu, Tây Sơn hào kiệt, Ván bài lật ngửa... về các nhân vật lịch sử (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung), hoặc lấy nhân vật có thật làm cảm hứng, chứ chưa có phim tiểu sử nhân vật đúng nghĩa. 

Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tái hiện một tài năng âm nhạc là Trịnh Công Sơn, đang được xem là bộ phim tiểu sử đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Bởi vậy, từ khi lên ý tưởng kịch bản, tuyển diễn viên, Em và Trịnh đã nhận được sự quan tâm của công chúng lẫn giới chuyên môn. 

Ra rạp từ ngày 10/6/2022, Em và Trịnh “ghi điểm” ở phần âm nhạc, hình ảnh song có nhiều lời chê trong khâu kịch bản. Tác phẩm cũng gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn, khi nhiều khán giả cho rằng phim phác thảo chân dung nhạc sĩ không như họ biết qua con người thật, qua tư liệu, sách báo. Chuyện Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ” bị cho khắc họa không đúng đời thực...

Trước phản ứng trái chiều của khán giả, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng rằng: “Tôi tin chắc sẽ có một bộ phận công kích khi mình làm phim về Trịnh Công Sơn. Đơn giản như khi chúng tôi tung first look (những hình ảnh đầu tiên), đã có nhiều người vào soi những chi tiết rất nhỏ. Nhưng tôi quan niệm, không ai có thể làm hài lòng tất cả khán giả. Do đó, tôi không tự đặt áp lực và làm khổ chính mình. Thứ tôi quan tâm là mình có truyền đạt được thông điệp đến cho người xem không, hơn là thông điệp đó có làm hài lòng họ”.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cái khó của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột là phải chắt lọc trong hàng nghìn tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn để xây dựng góc nhìn về nhạc sĩ. Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôn trọng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi anh sáng tạo một vài nhân vật hư cấu để truyền đạt ý đồ nghệ thuật. Các diễn viên trẻ như Avin Lu, Bùi Lan Hương, Hoàng Hà... đều tích cực tìm hiểu về nhân vật mình hóa thân để truyền tải hồn cốt của họ chứ không minh họa.

Việc ê kíp chăm chút kỹ lưỡng trong quá trình làm phim đã thuyết phục được gia đình nhạc sĩ khi họ xem suất chiếu đầu tiên. Sự ủng hộ đó là một bảo chứng để Em và Trịnh tự tin chinh phục công chúng khó tính. Chiếu chính thức từ ngày 17/6, tính đến hết ngày 19/6 Em và Trịnh đã thu về hơn 64 tỷ đồng cộng với bản Trịnh Công Sơn (chiếu sớm) thu hơn 2 tỷ đồng thì bộ phim tiểu sử đầu tiên của điện ảnh Việt đã vượt qua “bom tấn” Hollywood là Thế giới khủng long: Lãnh địa (hơn 64 tỷ đồng) chiếu cùng lúc (từ ngày 10/6).

“Cháy vé” hay phải xếp suất chiếu lúc 0 giờ, Em và Trịnh còn có điểm đánh giá của khán giả xem phim đến 8,3 và hơn 85% khán giả cho biết sẽ giới thiệu phim với bạn bè, người thân. Hiện Em và Trịnh (kinh phí hơn 50 tỷ đồng) còn ít nhất là hai tuần “trụ rạp”, hy vọng thu về 100 tỷ đồng đầu tiên cho phim Việt trong năm nay. 

Xây dựng hình tượng nhân vật sao cho đúng, đẹp và hấp dẫn là thử thách không nhỏ đối với dòng phim tiểu sử. Không có quy chiếu nào để khẳng định việc xây dựng nhân vật có thật trên phim là đúng hay sai. Phần lớn phim tiểu sử trên thế giới thành công là nhờ khai thác một khoảng hẹp nhất định trong đời nhân vật, như Spencer chỉ khai thác giai đoạn “tức nước vỡ bờ” trong cuộc hôn nhân của Diana trong một bộ phim tiểu sử về công nương Vương quốc Anh. Trịnh Công Sơn là một nhân vật lớn và có sự nghiệp đồ sộ, ê kíp Em và Trịnh đã “ôm đồm” kể chuyện đời ông từ tuổi trẻ đến trung niên.

Ở thời điểm này, bỏ qua mọi khó khăn, tranh cãi thì thành công ban đầu của Em và Trịnh đang mang lại hy vọng cho giới chuyên môn về tương lai của phim tiểu sử ở Việt Nam. Sẽ có một phim về cuộc đời nhà tình báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn do đạo diễn Charlie Nguyễn cầm trịch. Một phim khác sẽ làm về cuộc đời của ca sĩ Ái Vân với kịch bản chuyển thể từ hồi ký Để gió cuốn đi của bà. Ca sĩ  Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên - MC Quyền Linh và hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp cũng ấp ủ làm phim kể về hành trình gian nan, những nỗ lực trong sự nghiệp lẫn cuộc sống của họ. 

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thể loại phim tiểu sử ở Việt Nam còn non trẻ. Các nhà làm phim không nên vì bị khán giả “soi xét” mà không dám thử sức với thể loại này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Em và Trịnh: Có đi thì mới thành đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO