E dè vì chưa chắc chắn

QUỲNH CHI (thực hiện)| 14/04/2010 04:57

Sau khi thành lập, bài toán thu hút đầu tư tại nhiều khu công nghiệp trở nên vô cùng phức tạp và nan giải.

E dè vì chưa chắc chắn

Sau khi thành lập, bài toán thu hút đầu tư tại nhiều khu công nghiệp (KCN) trở nên vô cùng phức tạp và nan giải. Nhiều KCN mở ra rồi đành để trống, nhiều nơi trải thảm đỏ đón nhưng nhà đầu tư vẫn e dè... Ông Trần Duy Đông đã có giải thích hiện tượng này.

* Theo ông lý do nào khiến KCN trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư hiện nay?

- Hạ tầng tại KCN không tốt là một lý do quan trọng. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận chính sách ban hành tiền hậu bất nhất cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Mặt khác, địa phương cũng lúng túng khi chính sách thay đổi. Nhiều tỉnh, thành phố mới thực hiện cơ chế “một cửa” trong khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, còn các khâu khác như thẩm định, giao đất, giải phóng mặt bằng vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cũng là những trở ngại trong thu hút vốn đầu tư. Bởi vì, KCN chỉ là mặt bằng sản xuất, trong khi đó, để kinh doanh thành công cần có sự tương tác giữa các yếu tố khác như hệ thống giao thông, bến cảng, kho hàng, lao động lành nghề... Do đó, nhiều địa phương dù “thảm đỏ” đã được trải nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký vào các KCN thấp, hiệu quả không như kỳ vọng.

* Tỷ lệ lấp đầy KCN của cả nước hiện nay thế nào?

- Cả nước hiện có 228 KCN, trong đó 145 KCN đã đi vào hoạt động, 83 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng diện tích đã cho thuê ở các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ 64% diện tích đất công nghiệp. Còn tính chung cả nước thì tỷ lệ lấp đầy mới đạt 46%.

* Vì sao tỷ lệ lấp đầy không cao, thưa ông?

Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2

- Trên thực tế, tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ đạt 46%, nhưng cũng không nên quá coi trọng tỷ lệ này. Bởi vì, hiện nay, các KCN cần phải phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và có định hướng chiến lược rõ ràng. Chính vì thế, hiện thành phố chỉ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao và kiên quyết không thu hút các nhà đầu tư có những đề án gây ô nhiễm môi trường và những ngành nghề thâm dụng lao động nhưng kém hiệu quả. Ngoài ra, hiện tượng găm đất cũng là một lý do khiến tỷ lệ lấp đầy không cao. Trên thực tế, giá đất tăng cao khiến nhiều chủ đầu tư ôm đất có vị trí tốt chờ giá lên, khiến đất đăng ký nhiều nhưng triển khai xây dựng phát triển lại chẳng đáng bao nhiêu.

* Vậy có giải pháp nào cho các KCN?

- Để mở rộng cũng như thu hút được nhà đầu tư thì trước hết các KCN phải có nhà máy xử lý nước thải và có những quy chế ràng buộc. Không chỉ vậy, các tỉnh, thành phố cần kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch các KCN với khu đô thị, khu dân cư, phát triển nông nghiệp - nông thôn, đồng bộ hóa phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài tường rào KCN. Tập trung xây dựng các KCN chuyên ngành để thuận lợi trong xử lý môi trường và phát triển sản xuất. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

* Nhà nước đã hỗ trợ được gì cho các doanh nghiệp thưa ông?

- Việt Nam được đánh giá làm một trong những quốc gia có kỳ vọng đầu tư tốt, là quốc gia được lựa chọn trong việc thay thế Trung Quốc. Do vậy, Chính phủ đang có rất nhiều chính sách nhất thu hút nhà đầu tư từ các nước, nhất là Nhật Bản. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được 12 trung tâm xúc tiến đầu tư tại 12 thị trường lớn trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, đẩy mạnh thông tin thương mại ra các nước... Bên cạnh đó, Bộ cũng đang kiến nghị và trình lên Thủ tướng cải cách thuế ưu đãi khi đầu tư vào KCN...

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
E dè vì chưa chắc chắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO