Đường Hoa Nguyễn Huệ cùng với các chương trình Phố tỏa sáng, Ngày hội bánh tét, Bắn pháo hoa đêm giao thừa, Trang hoàng mặt phố Tết và Biểu diễn doorshows... ở các con đường trung tâm TP.HCM không chỉ trở thành nỗi trông chờ, điểm thu hút được thưởng thức mỗi dịp Xuân về, mà đã trở thành niềm tự hào của người Sài Gòn.
Ông Trần Hùng Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Tết Canh Dần đã chia sẻ những cảm tưởng về con đường đặc biệt này.
- Đã trở thành thông lệ hằng năm, lãnh đạo UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Saigontourist chịu trách nhiệm chính và kết hợp với các sở, ban, ngành tổ chức một lễ hội Tết tươi vui, mang lại không khí xuân đầm ấm, tràn đầy niềm tin vào năm mới không chỉ cho người dân TP.HCM, mà cho cả khách quốc tế và bà con Việt kiều. Vì thế, mọi việc phải chuẩn bị từ giữa năm mới có thể đáp ứng kịp yêu cầu.
Đường Hoa Nguyễn Huệ mỗi năm có một chủ đề, trước khi gia nhập WTO là “Hội nhập và phát triển”, “Trên đường hội nhập”, lúc hội nhập rồi thì “Ra khơi”; khi bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu là “Vượt sóng”, “Vững tin” và năm nay có tên “Xuân Bình Minh”, thể hiện những đặc thù kinh tế của năm qua. Đầu năm 2009, thì nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng gặp khó khăn, nhưng ở thời điểm cuối năm thì có chiều hướng phục hồi và phát triển trở lại với nhiều mong ước cho ngày mai.
Bắt đầu từ trụ sở UBND TP.HCM đến đường Tôn Đức Thắng, Đường Hoa Nguyễn Huệ có sáu phân đoạn với các chủ đề: Vầng Thái dương, Xuân yêu thương, Binh minh tụ hội, Sức mạnh đoàn kết, Góc quê hương và Hướng về Thăng Long. Đây là nơi hội tụ của các loại hoa khắp cả nước nở vào dịp Tết như mai, lan, vạn thọ, hồng, đào... khoe sắc rực rỡ kết hợp với tre, gỗ, đước, tầm vông, thể hiện qua các tiểu cảnh như gùi hoa, kén hoa, rừng hoa, sóng hoa... tùy theo chủ đề và đặc trưng các vùng, miền. Tất nhiên là không thể thiếu hình ảnh hổ của năm Dần, rồng của nghìn năm Thăng Long, tình yêu của Ngày Tình nhân 14/2...
Việc chuẩn bị cho chương trình ngày Hội bánh tét, Bắn pháo hoa, Phố tỏa sáng... đã bắt đầu phối hợp tổ chức từ ba tháng trước. Trưởng ban chỉ đạo là Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, chủ trì các hoạt động phối hợp từ ý tưởng, thiết kế, tổng thể chương trình đến sự phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành.
Trong quá trình làm việc thì mỗi chương trình lại chia nhỏ ra thành nhiều công đoạn, chỉ riêng Đường Hoa Nguyễn Huệ, sau khi chọn được ý tưởng hay từ các kiến trúc sư rồi lên thiết kế, thì phải có bộ phận đặt hàng, tìm kiếm nguyên vật liệu; triển khai sản xuất các vật liệu trang trí, thủ công mỹ nghệ...; lúc thi công phải có người lo sắp đặt, bài trí, chăm sóc hoa kiểng; bộ phận khác lo ánh sáng, điện, vệ sinh, an ninh trật tự...
* Với quy mô tổ chức ngày càng lớn, việc huy động lực lượng phục vụ Lễ hội Tết có gặp nhiều khó khăn?
- Nhiều chương trình diễn ra cùng lúc thì phải huy động nhiều đơn vị, nhiều lực lượng, không dưới hàng ngàn người. Mỗi chương trình, hội thi đều có kế hoạch chi tiết hoặc kịch bản, thể lệ cuộc thi, có hội đồng giám khảo, có chương trình sân khấu hóa..., vì thế, có thể xem đây như đợt huy động tổng lực của toàn thành phố. Ví dụ, năm nay có bảy điểm bắn pháo hoa, hơn năm ngoái một điểm bắn thì có thêm nhiều việc phải lo. Từ Bộ chỉ huy Quân sự TP.HCM sắp đặt nơi bắn pháo hoa thì lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát đường sông, cứu hỏa, cứu thương... phải có mặt trực chiến.
Tiểu cảnh "Trái tim hoa" trong phân đoạn "Bình minh tụ hội trên Đường Hoa Nguyễn Huệ |
Đến ngày Hội bánh tét, triển khai xuống quận, huyện thi nấu bánh (26 tháng Chạp), vừa chọn tác phẩm đoạt giải nhất tham gia vòng chung kết tại Đầm Sen, vừa có bánh tặng cho các mái ấm, nhà mở tại địa phương. Số lượng bánh tét do Tổng công ty Saigontourist, Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ, Công viên Văn hóa Đầm Sen phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức gói là 10.000 đòn bánh tặng cho 75 mái ấm, nhà mở. Các cuộc thi gói bánh diễn ra rất vui, nhất là tại quận, huyện.
Có nơi là phường đội, có gia đình ba thế hệ, các chiến sĩ công an nam, cũng có bác sĩ, giáo viên..., đủ mọi thành phần tham gia. Trong ngày thi chung kết ở Đầm Sen, riêng Thành Đoàn huy động 150 nam thanh niên đến học nấu và gói bánh tét để khôi phục dần truyền thống ông bà để lại.
Chương trình Trang hoàng mặt phố Tết và Biểu diễn doorshows trên các trục đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ (từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết) huy động các đoàn nghệ thuật múa rối, xiếc, lân sư rồng, kèn đồng, cồng chiêng, hát bội... biểu diễn mỗi tối, để bà con có dịp thưởng lãm.
Trong những ngày này, các thành viên ban tổ chức có sẵn danh sách tên, số điện thoại của 50 người trong nhóm trực chiến, thuộc đủ các ngành nghề. Có sự cố gì là giải quyết ngay mới kịp tiến độ. Chỉ một mô hình trái dưa hấu đã cần đến bốn xe tải; mấy chục chuyến xe để chở đá từ La Ngà về. Việc dọn dẹp cũng vậy, đêm cuối cùng chúng tôi phải huy động gần 800 người để thu dọn. Đồ nào thuê, mượn thì trả về, hoa thì đưa về công ty, nhà vườn, công viên... Tất cả phải xong trước 6 giờ sáng ngày hôm sau.
* Như vậy, sẽ có nhiều người không có một cái Tết thảnh thơi. Cảm nhận của họ như thế nào, thưa ông?
- Xong đợt lễ hội Tết nào chúng tôi cũng đều họp tổng kết rút kinh nghiệm và cảm nhận của các đơn vị tham gia là vui với niềm vui chung của đồng bào, khách du lịch. Đây là tình cảm thực sự, nếu không thì những người tham gia không đủ nghị lực vượt qua nhiều áp lực trong khi thực hiện sự kiện và chúng tôi lại hẹn nhau đến mùa Tết năm sau.
Một đường hoa khoe sắc, pháo hoa đêm giao thừa, con đường rực rỡ hoa đăng... hòa quyện vào nhau, bắt đầu từ sáng đến tối, chẳng có giờ nghỉ, thậm chí cả lúc nửa đêm. Chúng tôi cố gắng ngày càng hoàn thiện, chỉn chu hơn. Cảnh chen lấn, xô đẩy hoặc hái hoa, làm tổn hại vật trang trí không diễn ra, mà người dân cứ tuần tự thưởng lãm, ngắm nghía, chụp ảnh cùng hoa, cảnh.
Điều đó chứng tỏ rằng, nếu như chúng ta tổ chức một chương trình mà có sự tham gia tự nguyện của người dân thì bao giờ cũng thành công.
* Lễ hội Tết là chương trình được xã hội hóa, kinh phí cũng không nhỏ nên đến giờ vẫn còn ý kiến tranh luận. Saigontourist đã thuyết phục đối tác như thế nào?
- Ngoài phần ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp đồng hành với chúng tôi với tâm thức phục vụ cộng đồng, là góp phần chăm lo đời sống tinh thần như một phần phúc lợi xã hội cho người dân thành phố, trong đó có gia đình, bạn bè, người thân của họ cùng được hưởng niềm vui đó.
Saigontourist không phải là công ty sự kiện, đứng ra thực hiện để tính lãi, tạo được sự tin tưởng nên doanh nghiệp có điều kiện như PepsiCo, Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Kinh Đô tham gia nhiều năm liền. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Thời trang & Mỹ phẩm Duy Anh, Imex Pan Pacific, Khách sạn Windsor, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn... cho chưong trình Phố tỏa sáng Tết Dương lịch và Nguyên đán.
* Theo thông lệ hằng năm, Đường Hoa Nguyễn Huệ kết thúc vào ngày mùng 3 Tết, trong khi đó nhiều người còn nô nức muốn viếng thăm.
- Rút kinh nghiệm nhiều năm qua, đến mùng 4, mùng 5 Tết vẫn còn nhiều người đến thăm Đường Hoa rồi thất vọng vì chúng tôi đã dọn dẹp từ tối mùng 3. Những năm trước Đường Hoa kết thúc vào đêm mùng 2 Tết, năm 2009, chúng tôi tăng thêm một ngày và năm nay, theo nguyện vọng của bà con thành phố và các tỉnh, UBND TP.HCM đã đồng ý kéo dài thêm một ngày để người dân thưởng lãm. Do vậy, Đường Hoa Nguyễn Huệ sẽ kết thúc vào tối mùng 4 Tết. Đây là nét mới của Lễ hội Tết Canh Dần.
* Xin cám ơn ông.