Ánh sáng xanh là loại ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như bóng đèn tiết kiệm điện, điện thoại, tivi, máy tính bảng, máy tính xách tay...
Đọc E-paper
Hầu hết điện thoại thông minh và máy tính hiện nay đều có màn hình phát ra ánh sáng xanh, giúp hình ảnh rõ và sáng hơn, đặc biệt khi dùng ngoài trời nắng. Nhưng vào ban đêm, bộ não của con người bị nhầm lẫn bởi ánh sáng xanh này, vì nó có các tính chất giống như ánh sáng mặt trời.
Một số tác hại
Theo các nghiên cứu khoa học, ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử làm cho bộ não con người ngừng sản sinh melatonin - loại hoóc môn được tạo ra để giúp cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ hơn, sau khi đã hoạt động ở cường độ cao. Do đó, với việc ngăn não bộ sản sinh melatonin, ánh sáng xanh khiến cơ thể con người trở nên mệt mỏi hơn, thiếu ngủ, cáu gắt và sức khoẻ bị giảm sút. Tiếp xúc với một số lượng lớn ánh sáng xanh và trong thời gian dài có thể gây thoái hóa hoàng điểm ở mắt theo độ tuổi.
Một nghiên cứu độc lập khác do TS. Richard Stevens - chuyên gia dịch tễ ung thư thuộc Trường Đại học Connecticut ( Mỹ) thực hiện cho thấy, có tới 95% người Mỹ thường sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ. "Rất nhiều thứ đã thay đổi nhờ điện. Bây giờ, ngay cả ban đêm, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng rực rỡ. Và hệ quả là cơ chế sinh lý học của cơ thể chúng ta gần như bị tác động tức thời" - bài báo của Richard viết.
Theo nhà nghiên cứu này, hiện nay các bằng chứng về mối tương quan giữa việc thường xuyên dán mắt vào các thiết bị điện tử mỗi đêm với bệnh ung thư vú, béo phì và trầm cảm vẫn còn gây ra tranh cãi, nhưng đã có thể kết luận hàng loạt tác hại của việc thức khuya sử dụng thiết bị điện tử dẫn đến chế độ ăn uống kém, thói sinh hoạt lười vận động.
Giảm thiểu ảnh hưởng
Thói quen dính chặt với điện thoại di động hay các thiết bị cầm tay khi tỉnh dậy và trước mỗi lúc đi ngủ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, nhất là thói quen xấu này duy trì trong một thời gian dài. Khô mắt và đau đầu sau một vài giờ sử dụng là biểu hiện rất dễ gặp, mặc dù không quá nghiêm trọng, nhưng về lâu dài, chúng có thể trở thành một vấn đề thực sự. Cách đơn giản nhất để giảm tải gánh nặng cho mắt là chớp mắt nhiều hơn.
Một cách khác là tuân thủ quy luật 20 - 20 - 20, tức cứ 20 phút nhìn ra xa một vật thể cách khoảng 20 feet (6m) trong vòng 20 giây. Bài tập nhỏ này sẽ giúp mắt vận động, thay vì chỉ tập trung vào vật ở gần.
Ảnh hưởng ở trẻ em còn nghiêm trọng hơn, khi mắt vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa có đầy đủ các sắc tố phòng vệ trên mắt để lọc ánh sáng xanh nguy hại. Là phụ huynh, bạn nên hạn chế cho con em mình sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là về đêm.
Ngoài ra, nên lắng nghe thêm tư vấn từ các bác sĩ nhãn khoa về các loại thấu kính có khả năng lọc ánh sáng xanh, nhất là trong trường hợp trẻ có biểu hiện mất ngủ về đêm.