Những sân bay hạng nhất năm 2010

TUẤN NGUYỄN| 22/04/2010 05:20

Sau khi điều tra và thu thập kết quả từ hơn 9 triệu bảng thăm dò ý kiến khách hàng tại hơn 190 sân bay, Skytrax đã công bố các giải thưởng sân bay thế giới World Airport Awards 2010...

Những sân bay hạng nhất năm 2010

Sau khi điều tra và thu thập kết quả từ hơn 9 triệu bảng thăm dò ý kiến khách hàng tại hơn 190 sân bay, Công ty Tư vấn, nghiên cứu hàng không quốc tế Skytrax (ảnh) đã công bố các giải thưởng sân bay thế giới World Airport Awards 2010. Giải thưởng năm nay ghi nhận sự vươn lên của các sân bay châu Á với quan điểm “biến cơ sở công cộng” thành “điểm kinh doanh dịch vụ”.

Trong cuộc điều tra năm 2008, sân bay Changi của Singapore xếp hạng ba, theo sau sân bay Incheon (Hàn Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng năm nay, Changi đã vượt qua hai sân bay trên và lên đầu bảng xếp hạng, đồng thời đoạt luôn các giải: Sân bay tốt nhất thế giới, Sân bay của năm 2010, Sân bay có tiện nghi thoải mái nhất và Sân bay tốt nhất châu Á.

Giám đốc điều hành sân bay Changi, Lee Seow Hiang, nói: "Thành công của Changi sẽ không thể có được nếu không có sự khẳng định, cổ vũ và phản hồi thông tin mà chúng tôi đã nhận được từ các đối tác và hàng triệu du khách mỗi năm".

Với ba nhà ga hành khách, một nhà ga dành cho các hãng giá rẻ và hơn 40.000m2 không gian mua sắm, Changi hiện là mảnh đất lành của hơn 80 hãng hàng không phục vụ 200 địa điểm ở 60 quốc gia và lãnh thổ. Trung bình mỗi tuần sân bay này xử lý hơn 4.500 chuyến bay, mỗi năm đón tiếp hơn 37 triệu lượt hành khách (khả năng tối đa 70 triệu lượt hành khách/năm).

Các vị trí còn lại trong số 10 sân bay hàng đầu thế giới lần lượt là: Incheon, Seoul (Hàn Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Munich (Đức); Kuala Lumpur (Malaysia), Zurich (Thụy Sĩ), Schiphol, Amsterdam (Hà Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc), Auckland (Tân Tây Lan) và Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan).

Các giải thưởng khác gồm: sân bay Incheon với 2 giải “Sân bay quốc tế quá cảnh tốt nhất” và “Nhân viên dịch vụ xuất sắc nhất các sân bay châu Á”; “Sân bay có dịch vụ mua sắm tốt nhất” thuộc về sân bay Heathrow (London); sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) dành giải “Sân bay có dịch vụ xuất nhập cảnh tốt nhất”; giải “Sân bay sạch nhất” thuộc về sân bay Zurich (Đức).

Trong số 10 sân bay tốt nhất thế giới năm 2010, ngoài sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng hạng đáng kể, còn phải nói đến sự tiến bộ không ngừng của sân bay Suvarnabhumi. Đi vào hoạt động gần cuối năm 2006, sân bay này xếp hạng 37 vào năm 2008. Đến năm 2009 lên hạng 16 và năm nay thì đã có mặt trong nhóm 10 sân bay hàng đầu thế giới.

Ông Theeranartsin, Tổng giám đốc sân bay, đặt mục tiêu cố gắng lọt vào nhóm 5 sân bay tốt nhất thế giới trong 2 năm tới. Hơn nữa, theo bảng xếp hạng của Hội đồng Sân bay Quốc tế (Airport Council International/ACI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ, vị trí của Suvarnabhumi cũng tăng đáng kể: hạng 41 năm 2007, hạng 28 năm 2008 và hạng 24 vào năm 2009.

Ngoài ra, trong nhóm 25 sân bay hàng đầu thế giới năm 2010, nếu kể cả sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thì châu Á đã chiếm đến 11 vị trí và ngay trong nhóm 5 sân bay dẫn đầu đã có bốn ở châu Á, gồm Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông và Malaysia. Số còn lại gồm một sân bay Trung Quốc, một của Thái Lan, ba của Nhật Bản, sân bay Bahrain và sân bay Istanbul.

Nhưng tại sao châu Á lại có nhiều sân bay được đánh giá tốt nhất? Nỗ lực và sáng kiến về dịch vụ khiến việc đi lại được thoải mái ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đã giúp châu Á được đánh giá cao, đây cũng là kết quả của một cuộc điều tra toàn cầu về chất lượng sân bay.

Một số sân bay cũng đã có giải pháp giúp hành khách có thời gian chờ đợi dễ chịu hơn. Tại sân bay Changi, hành khách các chuyến bay quá cảnh có thể bơi lội, dùng internet, ngắm hoa, bướm và xem phim trên màn hình lớn. Hoặc để thu hút các hãng hàng không và du khách, sân bay Incheon cắt giảm thời gian chờ, ban quản lý sắp xếp lại các ga cho máy bay đổi chuyến, vi tính hóa hệ thống xử lý hành lý...

Có thể thấy ít có sân bay của Mỹ xếp hạng cao trong danh sách Skytrax. Theo các nhà phân tích, sân bay ở Mỹ được coi như các cơ sở công cộng, trong khi sân bay ở châu Á được xem là ngành kinh doanh dịch vụ. Sự khác biệt về nhận thức giải thích tại sao các quốc gia châu Á có doanh thu lớn từ các sân bay, trong khi ở Mỹ thì không. Ngoài ra, các sân bay châu Á có sự cam kết chất lượng trên cả phương diện kinh doanh và văn hóa... 

10 sân bay đúng giờ

1. Haneda, Tokyo (Nhật):                   90,78%
2. Incheon, Seoul (Hàn Quốc):            87,43%
3. Schiphol Amsterdam, (Hà Lan):        86,85%
4. Narita, Tokyo (Nhật):                     85,36%
5. Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan):  84,23%
6. Sân bay quốc tế Changi, Singapore (Singapore):     84,18%
7. Phoenix Sky Harbor (Mỹ):                84,12%
8. Munich (Đức):                               83,64%
9. Paris - Orly (Pháp):                         82,63%
10. Barcelona (Tây Ban Nha):              82,50%

(Nguồn: Báo cáo về hoạt động đúng giờ của các sân bay trên toàn thế giới năm 2009)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những sân bay hạng nhất năm 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO