Du lịch cao cấp lên ngôi sau dịch
Theo ông Đặng Mạnh Phước - CEO The Outbox Company, khách Việt Nam có xu hướng gia tăng mức chi tiêu du lịch trong năm 2022. Cụ thể, có đến hơn 50% người Việt đã chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động du lịch trong dịp Tết so với năm 2019 (theo báo cáo hành vi du lịch khách Việt dịp Tết 2022).
“Cơ cấu chi tiêu cho du lịch nội địa của khách Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào hoạt động lưu trú và di chuyển”, ông Phước nói. Ông cho biết thêm, khách Việt Nam ưu tiên lựa chọn các phân khúc lưu trú cao cấp hơn cho kỳ nghỉ của mình, tập trung ở phân khúc 3-5 sao so với các loại hình lưu trú phân khúc thấp như homesharing, homestay trước đây. Đặc biệt, khách du lịch Việt Nam đang có xu hướng gia tăng các khoản chi tiêu cho các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến với mục tiêu tạo được không gian thoải mái cho gia đình sau thời gian dịch bệnh.
Đại diện các hãng hàng không cũng cho biết, số lượng vé hạng C cũng hạn chế |
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel cũng khẳng định, xu hướng du lịch cao cấp đang được khách ưa chuộng hơn so với giai đoạn trước dịch. Bà dẫn chứng, ví dụ đi Phú Quốc, khách thường chọn tour tiêu chuẩn khách sạn từ 4-5 sao và thiên về nghỉ dưỡng chứ không phải khám phá như hồi trước dịch.
“Dòng khách này vừa là tour vừa đi theo yêu cầu. Các dịch vụ khác như ăn uống và vui chơi vẫn có trong chương trình tour nhưng sẽ ít di chuyển hơn, sản phẩm thiên về trải nghiệm chiều sâu và nghỉ ngơi, khám phá nhẹ nhàng. Với tour cao cấp, tất cả dịch vụ sẽ được chọn lọc kỹ và thường sẽ bổ sung các giá trị cộng thêm trên tour hoặc gói dịch vụ”, bà Hoàng nói.
Giám đốc Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cũng khẳng định, lượng khách mua sản phẩm du lịch cao cấp tại doanh nghiệp này cũng chiếm đa số, khoảng 80% tổng số booking hiện nay. Đây là xu hướng sau dịch, mức chi tiêu của khách cho du lịch rất cao. Bà Trà cho biết, với du lịch trong nước, khách bay hạng C (hạng thương gia), ở khách sạn 5 sao và thiên về nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịch vụ; trong khi đó các đường tour nước ngoài chủ yếu là tuyến xa như Anh, Scotland, Ý, Hy Lạp, Santorini, Pháp, Áo... và cũng bay vé hạng C.
Mặc dù vừa ra mắt cách đây chưa đầy một tuần, chương trình tour cao cấp 3 ngày 2 đêm đưa khách đến Phú Quốc trải nghiệm hành trình âm nhạc đẳng cấp, lưu trú tại khách sạn 5 sao JW Marriott Phú Quốc, bay hạng C của Vietnam Airlines, tham quan trên du thuyền... nhưng theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông, Marketing TSTtourist, lượng khách đặt các gói tour, trong đó gói Diamond với mức giá gần 40 triệu đồng/khách đã gần kín chỗ. Hành trình tour mới, đẳng cấp kết hợp du lịch và âm nhạc sẽ khởi hành vào ngày 17/6/2022 sắp tới.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao, hoàn toàn tự do thoải mái và đặc biệt là sự thăng hoa cảm xúc khi chạm vào vẻ đẹp nghệ thuật của không gian Sun Signature Gallery, ý nghĩa của chủ đề âm nhạc Sun Memory - Ký ức số 1. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục giới thiệu những sản phẩm du lịch cao cấp bên cạnh tour ngắm Sài Gòn từ trực thăng hay tour du thuyền trên sông Sài Gòn”, ông Mẫn chia sẻ.
Không đủ khả năng đáp ứng
Tuy nhiên, theo chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh, phân khúc khách cao cấp tại Việt Nam cũng chỉ là thị trường ngách và số lượng không quá đông, đồng thời dịch vụ du lịch cao cấp tại Việt Nam cũng không có nhiều. “Hiện nay, các đơn vị lữ hành làm tour cao cấp chỉ mới có hai dạng: theo yêu cầu (cao cấp) của khách và dịch vụ lưu trú tại khách sạn cao cấp”. Ông Xuân Anh cho biết, khó để có thể triển khai một chương trình tour trọn gói cao cấp vì các dịch vụ phục vụ cho nhóm khách này không đồng đều.
Tour Sơn Đoòng trong năm 2022 đã kín chỗ từ tháng trước - Ảnh: Hải An |
Cũng theo chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh, hiện tại Việt Nam nói chung và một số tỉnh, thành phố có du lịch phát triển nói riêng, gần như không có dịch vụ phụ trợ cao cấp để phục vụ cho nhóm khách này. “Các điểm mua sắm với những sản phẩm cao cấp được tính giá hàng nghìn USD gần như không có”.
Ông Xuân Anh cho rằng, cần có chiến lược dài hơi để đón dòng khách có mức chi tiêu cao trong du lịch. Ngoài ra, cần xây dựng quy chuẩn để đón và phục vụ khách du lịch cao cấp. Chẳng hạn về trang phục cũng phải được quy định rõ ràng từ trước. Nếu khách không đáp ứng, có thể không được tham dự sự kiện hoặc không được vào khu vực phòng ăn dành cho nhóm khách cao cấp (dù khách này đang đi chương trình tour cao cấp - PV).
Đồng quan điểm này, ông Lê Hòa Hiệp - Giám đốc Hi Travel cũng thừa nhận rất khó để triển khai một chương trình trọn gói cao cấp dành cho nhóm khách đông. Ông dẫn chứng, vé máy bay hạng C trên mỗi chặng bay thường số lượng có hạn và tại Việt Nam, hiện mới chỉ có hai hãng hàng không (Vietnam Airlines và Bamboo Airways) triển khai dịch vụ này.
Đây cũng là lý do, theo ông Hiệp, không thể triển khai được tour cao cấp dành cho nhóm đông (trên 10 người). Tiếp nữa, phòng tại các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao cũng khác nhau; thông thường mỗi khách sạn 5 sao chỉ khoảng vài phòng cao cấp để phục vụ cho chính khách hoặc khách VIP nhưng phải đặt từ sớm. Chưa kể, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xe limousine vận chuyển mặt đất hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay với khoảng vài chiếc đã đầu tư từ nhiều năm qua.
Theo ông Hiệp, dòng khách cao cấp thường thích sự riêng tư về không gian và độc đáo ở điểm đến, nơi lưu trú. Vì thế, câu chuyện có tiền nhưng không thể ở được phòng mong muốn do đã có người đặt trước hoặc không thể nâng hạng vé máy bay để trải nghiệm dịch vụ bay thương gia là điều hoàn toàn dễ hiểu. Với những “rủi ro” trong xây dựng sản phẩm chi tiết khiến “rất khó để làm tour cao cấp trọn gói”, ông Hiệp khẳng định.
Chia sẻ thêm về câu chuyện thiếu dịch vụ cao cấp để phục vụ nhu cầu của khách, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, Giám đốc chuỗi du thuyền 5 sao Heritage Cruises cũng thừa nhận không đủ khả năng đáp ứng. “Du thuyền ngủ đêm trên vịnh của chúng tôi đã đầy phòng đến hết tháng 6. Ba tháng tiếp theo, các ngày cuối tuần cũng không còn chỗ, trong tuần cũng đã đạt khoảng 70% công suất”, ông Hà nói và cho biết, nhu cầu khách đang tăng nhưng chưa có kế hoạch đầu tư thêm vì chi phí khá đắt trong khi dịch bệnh chỉ mới vừa được kiểm soát.