Dự án “ma” tung hoành

Duy Khánh| 30/07/2019 06:00

Những tháng gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương liên tục xuất hiện thông tin cảnh báo từ chính quyền về các dự án “ma”, dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.

du-an-ma-alibaba11-8437-1564397760.jpg

Dự án " ma" Alibaba. Ảnh: TL

Những khu dân cư cao cấp “ma”

Tại TP.HCM mới đây, Công ty CP Thiết kế - Xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (Đại Phúc Real) rao bán đất nền phân lô khu dân cư cao cấp Long Phụng 1, mặt tiền đường Lò Lu. Tuy nhiên, theo UBND phường Trường Thạnh quận 9, khu đất này là thửa đất số 1418 thuộc tờ bản đồ số 7 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho một chủ khác. Người này khẳng định không ủy quyền cho bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào phân phối đất nền phân lô tại khu đất trên.UBND phường Trường Thạnh khẳng định, hiện không có dự án nào mang tên “khu dân cư cao cấp Long Phụng 1” trên địa bàn phường. 

Đầu năm 2019, UBND phường Thạnh Xuân quận 12 phát hiện 4 khu đất ở khu phố 2, 5 và 6 theo quy hoạch phục vụ công trình y tế, giáo dục và công viên cây xanh nhưng được giới “cò đất” rao bán đất nền phân lô trái quy định.

Trong kỳ họp HĐND TP.HCM giữa tháng 7/2019, vấn đề phân lô bán nền trên giấy các dự án “ma” được đưa ra bàn luận sôi nổi. Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, ước tính có hàng nghìn khách hàng bị lừa vì đặt cọc giữ chỗ tại các dự án phân lô bán nền trên đất có quy hoạch. “Tôi nhận được đơn của nhiều người dân phản ánh vấn đề này, đặc biệt là khu đất ở An Lạc quận Bình Tân được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng công ty Angel Lina rao bán, có người đã đặt cọc một tỷ đồng. Việc này có thể xem xét khởi tố được hay không, nhất là người cầm đầu?”, nữ đại biểu bức xúc nói.

Thời gian qua, “đình đám” nhất là việc Công ty CP Bất động sản Alibaba rao bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai, trong đó, có 27 dự án ở huyện Long Thành, 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 ở huyện Nhơn Trạch. Chính quyền địa phương đã vào cuộc bằng cách liên tục thông báo Alibaba chưa được cấp phép bất kỳ dự án nào trên địa bàn. Các khu đất do Alibaba quảng bá đang làm dự án là đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình đứng tên. 

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, dù tỉnh đã phối hợp với các địa phương quản chặt đất đai trên địa bàn, nhưng tình trạng nhiều doanh nghiệp lách luật để phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn xảy ra ở những địa bàn có công nghiệp phát triển, lao động đông, nhu cầu về nhà ở lớn.  

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay toàn tỉnh có 192 mảnh đất nông nghiệp đã biến thành những “dự án bất động sản”, trong đó chỉ có 62 dự án được chính quyền địa phương cấp huyện chấp thuận về chủ trương, vì đã được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án và phân lô rao bán hoặc xin tách thửa nhưng có chừa làm đường, trong đó “dự án” lớn nhất lên tới 13ha và nhỏ nhất là 0,5ha. Còn lại đều là “dự án ma” vì không nằm trong quy hoạch, không có cấp thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ tính riêng 7/8 “dự án ma” của Công ty Alibaba trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đã bán được 3.333 nền đất cho người dân, thu về hơn 771 tỷ đồng! 

Người dân cần cảnh giác!

Cuối tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân có văn bản đề nghị các phường, khu phố cảnh báo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà, đất qua hình thức góp vốn từ 50-400 triệu đồng và lập vi bằng mua nền đất, hứa hẹn khoảng từ 6-12 tháng sẽ có GCNQSDĐ. Bởi mua nhà, đất theo hình thức này chưa đảm bảo tính pháp lý. Nhưng không hẳn người dân nào cũng tỉnh táo trước lời dụ ngon ngọt của “cò đất”.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp khách hàng muốn giao dịch đất nền, theo quy định của Luật Đất đai, đất nền đó phải có GCNQSDĐ (sổ đỏ). Nếu lô đất có sổ, khách hàng mới nên tiến hành giao dịch, hoặc thậm chí hỏi khả năng tách thửa được không (nếu có). Muốn tránh được rủi ro, khách hàng buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Với những ai dù biết pháp lý của dự án chưa rõ ràng nhưng vẫn muốn giao dịch, đương nhiên có thể có lợi ích trước mắt, nhưng nhiều rủi ro phía trước là điều khó tránh khỏi. 

Để giải quyết được vấn nạn dự án “ma”, theo Luật sư Trần Đức Phượng, cần giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết tận gốc vấn đề này. Ví dụ như trường hợp dự án ma ở Vũng Tàu, nếu trên thực tế việc sử dụng đất có vi phạm, không đúng theo quy hoạch ban đầu là làm đường thì buộc phải xử lý, đưa về hiện trạng ban đầu. Trường hợp tiếp tục vi phạm thì phải thu hồi đất. Như vậy, mới giải quyết được hậu quả và người dân thấy hậu quả đó mới biết mà không dám mua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự án “ma” tung hoành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO