![]() |
Vàng đang tạo sức ép mất giá với đồng USD. Ảnh: Dollarsense |
Những tuần qua, khi giá vàng thế giới tăng phi mã, đã có nhiều ý kiến cho rằng, sự thống trị của đồng USD với vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới đang gặp nguy hiểm, theo nhận định của các chuyên gia từ tập đoàn tài chính Goldman Sachs.
"Những lo ngại về sự trường tồn của đồng USD dưới góc độ là đồng tiền dự trữ đã bắt đầu nổi lên. Vàng là công cụ dự trữ cuối cùng, nhất là trong một môi trường như hiện nay, khi chính phủ các nước đang tìm cách giảm giá đồng nội tệ và đẩy lãi suất thực xuống mức thấp chưa từng có", báo cáo từ Goldman Sachs có đoạn viết.
Cụ thể hơn, trong tháng 7/2020, giới đầu tư toàn cầu đã ồ ạt bán tháo đồng bạc xanh, khiến giá trị của đồng tiền này so với 6 đồng ngoại tệ chủ chốt khác giảm tới 4,4% - mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Nếu tính từ mức đỉnh được lập vào tháng 3/2020 - thời điểm giá đồng USD lên cao nhất nhờ được giới đầu tư lựa chọn làm "nơi trú ẩn" tài sản trước đại dịch Covid-19, giá trị của đồng bạc xanh hiện đã lao dốc hơn 10%.
Tuần trước, chỉ số USD Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng, từ mức 102 vào tháng 3/2020 xuống còn 92,47. Kể từ đó, USD Index chỉ dao động quanh mức 92 - 93 trong tuần qua. Tính đến ngày 24/8/2020, chỉ số này dừng ở mức 93,15.
Trong khi đó, giá vàng, dù có nhiều biến động, nhưng nhìn chung có xu hướng tăng. Vào đầu tháng 8 vừa qua, giá kim loại này đã chọc thủng mốc 2.000 USD/oz; còn nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 35%. Và, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nếu tình trạng dịch bệnh tại các nước chưa được kiểm soát, giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên
Link bài viết
Đồng USD sẽ tiếp tục lao dốc
Trước diễn biến nói trên của đồng USD, Edward Moya - chuyên viên phân tích cấp cao tại công ty giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), nhận xét: "Đồng USD đã được định giá quá cao trước dịch Covid-19 và sẽ sụt giảm nhiều hơn nữa".
Theo Moya, nguyên nhân chính dẫn đến cú trượt dài của đồng bạc xanh là lãi suất thực tại Mỹ rơi xuống mức âm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động và rủi ro lạm phát cao do các gói kích thích để hỗ trợ kinh tế cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến giá trị của đồng USD.
Đồng quan điểm với Moya, các chiến lược gia của Goldman Sachs cho rằng, đồng bạc xanh đang đối diện với một số nguy cơ, mà nổi bật nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể chuyển ưu tiên sang thả nổi lạm phát. Đồng thời, bất ổn chính trị, sự lo lắng ngày một lớn về làn sóng Covid-19 bùng phát, nợ tích tụ từ hệ quả của các gói chi tiêu, kích thích kinh tế cũng là các yếu tố có thể khiến đồng USD suy yếu.
Trong khi đó, Patrik Schowitz - chuyên gia tại JPMorgan Asset Management, cho rằng: "Khả năng để nền kinh tế Mỹ hoạt động vượt trội hơn so với khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản dường như đã không còn nữa, chí ít là trong vài năm tới, khi các biện pháp ứng phó với Covid-19 đang chững lại. Hơn nữa, quỹ phục hồi 750 tỷ EUR mới đây của EU đã làm tăng niềm tin của giới đầu tư vào đồng euro hơn, với tư cách là một lựa chọn thay thế".
"Lợi thế về lãi suất bị thu hẹp khiến USD kém hấp dẫn hơn và thúc đẩy nhà đầu tư cân nhắc gửi tiền bằng các loại tiền tệ khác. Những yếu tố mang tính chu kì này sẽ không dễ bị đảo ngược; do đó USD có khả năng sẽ giảm sâu hơn nữa", Schowitz nói thêm.
Không dễ đánh mất vị thế hàng đầu
Dù vậy, theo Moya, đồng USD vẫn chưa thể mất đi vị thế trong rổ tiền tệ thế giới. Tuy mất thị phần vào tay đồng EUR và đồng CNY trên thị trường ngoại hối toàn cầu, song đồng bạc xanh vẫn sẽ giữ vị thế hàng đầu trong tương lai. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Jonas Goltermann nhận xét, dù đồng USD đang có dấu hiệu suy yếu, nhưng tin đồn cho rằng đồng tiền này có thể đánh mất vị thế của mình là 'quá phóng đại'.
Song, theo Moya, Trung Quốc có thể thành công trong việc thay thế đồng bạc xanh ở nhiều giao dịch. "Mục tiêu dài hạn trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới từng là giấc mơ xa vời đối với Trung Quốc, nhưng giờ chúng ta sẽ chứng kiến đồng CNY tăng trưởng nhanh", vị chuyên gia nhấn mạnh.
![]() |
Bất ổn chính trị, sự lo lắng ngày một lớn về làn sóng Covid-19 bùng phát, nợ tích tụ từ hệ quả của các gói chi tiêu, kích thích kinh tế cũng là các yếu tố có thể khiến đồng USD suy yếu. |
Trong khi đó, Michael Krupkin - Trưởng bộ phận giao dịch G-10 FX, cũng cho rằng đồng USD vẫn chưa thể mất vị thế độc tôn, khi vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong dự trữ ngoại hối và tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ trọng USD trong tổng dự trữ toàn cầu đã giảm từ 64,7% trong quí I/2017 xuống còn khoảng 62% vào quý I/2020. Trong quý IV/2019, tỷ trọng này chỉ đạt 60,9%.
Dù vậy, theo Goltermann, có lẽ khó có đồng tiền nào có thể thay thế vai trò của USD. Do đặc điểm chính trị của EU và Trung Quốc, đồng tiền của hai khu vực này vẫn chỉ giữ vai trò vô cùng hạn chế với tư cách là đồng tiền dự trữ ngoại hối. Còn theo Sven Schubert - chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Vontobel Asset Management, đồng CNY và EUR sẽ là hai lựa chọn thay thế khả thi nhất trong những thập niên tới. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa phải đối thủ "đáng gờm" của USD.