Dòng chảy âm nhạc Việt Anh

YẾN LÊ/DNSGCT| 19/07/2016 06:11

Nhạc sĩ Việt Anh và những cộng sự của mình đã rất trau chuốt cho dòng chảy âm nhạc mang tên anh trong chương trình Dòng sông lơ đãng sắp tới.

Dòng chảy âm nhạc Việt Anh

Nhạc sĩ Việt Anh và những cộng sự đã rất trau chuốt cho dòng chảy âm nhạc mang tên anh trong chương trình Dòng sông lơ đãng sắp tới. Trò chuyện với anh, bạn sẽ ít nhiều khám phá những vỉa tầng phù sa đã bồi tụ nên một chân dung âm nhạc. Đây là lần đầu tiên các ca khúc của anh xuất hiện đầy đủ từng giai đoạn một.

Đọc E-paper

Điểm khác biệt của chương trình là phần hòa âm được dàn nhạc hóa rất nhiều, phù hợp với con đường âm nhạc của Việt Anh bây giờ. Nhạc sĩ Việt Anh, đạo diễn Trần Vi Mỹ, nhạc sĩ Anh Khoa, nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã trau chuốt kỹ từng chi tiết để chương trình có những điểm mới thú vị.

* Thông thường, mỗi nền tảng khác nhau sẽ tạo nên cá tính âm nhạc khác nhau cho từng nghệ sĩ. Nếu nói về nền tảng của mình, thì anh sẽ nói gì?

Nền tảng của tôi mang đậm dấu ấn Việt Nam. Tôi gần gũi với làn điệu dân ca Bắc bộ, học nhạc cổ điển từ bé và chơi nhạc nhẹ. Sau đó tôi sang New Zealand 7 năm để học và nghiên cứu về sáng tác nhạc giao hưởng. Các thể loại âm nhạc khác tôi vẫn nghe một cách cởi mở nên sự ảnh hưởng, tác động là đa chiều.

Cây đàn tôi mê nhất là đàn đáy. Bản khí nhạc Vô đề cầm biểu diễn cách đây khoảng 3 năm ở Việt Nam cũng là bản khí nhạc mà tôi viết cho đàn đáy. Nghe tiếng đàn đáy, tôi thấy cảm động, Việt Nam và nam tính, dường như nó đánh thẳng vào tâm linh của mình. Đây là tiếng đàn gần gũi nhất với tâm hồn mình. Sau đàn đáy thì tôi mê piano, cello và guitar.

* Vừa sáng tác khí nhạc vừa sáng tác các ca khúc trữ tình, anh có thấy mâu thuẫn hoặc độ chênh nào không giữa cảm xúc cũng như quá trình sáng tác?

- Tôi thấy không mâu thuẫn vì từ cảm xúc ban đầu, mình đều cần có thời gian để trau chuốt, hoàn thiện, có khác chăng là thời gian sáng tác. Nếu những ca khúc pop có thể được viết trong một đêm thì những bản giao hưởng phải thực hiện đến cả năm. Chẳng hạn, bản khí nhạc Vàng son cũng là bản khí nhạc tôi tốt nghiệp khóa sáng tác giao hưởng ở Úc là 6 tháng chăm chỉ mỗi ngày viết từng ô nhạc.

Đó là về quá trình sáng tác, còn về phong cách âm nhạc thì dù là khí nhạc hay ca khúc trữ tình, tôi cũng rất chú trọng vào giai điệu. Tôi hướng đến những giai điệu dễ tạo được sự đồng cảm nơi người nghe chứ không tập trung vào sự phá cách, cực đoan.

* Tại sao anh chọn thời điểm này để tổ chức chương trình Dòng sông lơ đãng chứ không là sớm hơn hay muộn hơn? Anh có phải là người hay trì hoãn?

Có lẽ đó là tính cách của tôi. Tôi chỉ thích tập trung vào sáng tác, hòa âm, muốn là người đứng sau cánh gà. Tôi trì hoãn liveshow này cũng đã lâu và bây giờ là lúc phải đối mặt. Khi có gia đình rồi, có con rồi thì tôi có cảm giác mình cần phải đương đầu với tất cả mọi thử thách, mình phải chiến thắng sự e ngại, mắc cỡ của bản thân.

Ngoài việc tổ chức chương trình kỷ niệm 20 năm sáng tác thì 40 tuổi cũng là một cột mốc. Trước đó thì sớm, sau đó thì có thể mình mất tinh thần. Bên cạnh đó, "nhóm bạn áo đen" chơi thân với tôi trên dưới 20 năm cũng khích lệ tôi và hỗ trợ cho tôi một phần chi phí thực hiện. À, sở dĩ gọi "nhóm bạn áo đen" có lẽ vì chúng tôi ai cũng hơi tròn nên thường mặc áo đen cho gọn lại (cười hiền).

* Hẳn các con anh rất tự hào khi có một ông bố “vì con mà đương đầu với tất cả mọi thử thách”. Trong hai bé thì có bé nào giống với hình ảnh của anh ngày xưa?

Con tôi một đứa năm nay lên lớp một, một đứa năm nay ba tuổi, mà không có bé nào giống tôi cả. Bé gái thích làm bác sĩ nên hay khám bệnh, chích thuốc và chăm sóc cho ba. Bé trai thì thích học toán, mê máy móc và rất thờ ơ với âm nhạc.

Tôi thì năm tuổi đã bắt đầu học piano, tám tuổi vào trường nhạc. Trẻ con chẳng ai thích học nhưng hồi đó bố mẹ ép tôi thôi.

* Giai đoạn nào anh “phải lòng” với âm nhạc hoàn toàn?

- Đó là giai đoạn học cấp 3. Khi đó tôi có nhu cầu giãi bày và nói lên thông điệp của mình. Bài đầu tiên tôi sáng tác vào năm lớp 10 là Mưa phi trường Người đi xa mãi.

Khi đó, mỗi lúc rảnh, bạn tôi lại chở tôi ra sân bay chơi. Quan sát những cuộc chia tay đã đem lại cho tôi cảm xúc. Sau đó là các bài Hoa có vàng nơi ấy, Không còn mùa thu. Những bài sau đó thì tôi không còn nhớ rõ thời gian.

* Nhắc đến Việt Anh là nhắc đến Thu Phương. Anh từng chia sẻ anh đã viết mấy bài hát cho Thu Phương như Những mùa hoa bỏ lại, Đánh rơi bên hồ. Bài Chưa bao giờ thì anh viết khi gặp Phương ở Mỹ. Tại sao những bài hát nổi tiếng của anh luôn gắn liền với Thu Phương chứ không phải một ai khác?

- Người ca sĩ này là người thể hiện, vừa sáng tạo được ca khúc của nhạc sĩ vừa thể hiện được chất riêng của mình. Lần đầu tiên chúng tôi tình cờ gặp nhau tại nhà hát Bến Thành vào năm 1997, khi Thu Phương hát bài Dòng sông lơ đãng.

Từ bấy đến nay, điều làm cho Việt Anh và Thu Phương gắn bó là sự đồng cảm về những khoảnh khắc xúc động. Những vết thương tôi gửi gắm thì cô đều nhận ra. Cụ thể là trong bài hát của tôi thường có những chìa khóa, password, những bí mật chỉ thú vị với mình thì Thu Phương đều là người phát hiện điều ấy.

Ví dụ trong bài Ngày không tên: “Giữa hai tay đường vân đời. Mỗi ban mai tình yêu còn là sương khói”. Lúc đó mình hơi tâm linh nên mình nghĩ không thể trốn khỏi dấu vân tay và số phận của mình. Điều này Thu Phương phát hiện ra và nó cũng gần với cuộc sống của Phương.

Có những điều mình nghĩ đến Phương khi viết, có những chi tiết tình cờ ứng với cuộc sống của Phương. Ví dụ câu hát “có tình yêu nào không xót xa” trong bài Chưa bao giờ hay chi tiết “tay em lạnh mùa đông ngoài phố”, Phương cũng là người Hà Nội nên Phương bắt được cảm giác bàn tay lạnh khi từ bên ngoài bước vào.

* Có thể thấy sức làm việc của anh cũng kinh khủng khi không chỉ chuẩn bị liveshow mà còn đảm đương trọng trách Giám đốc âm nhạc tại Công ty Truyền thông và Giải trí TDL. Những phim Việt mới ra mắt gần đây như Vòng eo 56, Taxi, Em tên gì? cũng liên tục có tên anh xuất hiện trong phần credit nhạc.

Giai đoạn này tôi viết nhiều hơn về cả số lượng và thể loại, từ viết ca khúc, hòa âm, nhạc phim, nhạc múa cho các biên đạo như Phúc Hùng, Phúc Hải, Trần Ly Ly, Thùy Chi… Nhạc phim thì tôi viết cả nhạc nền, ca khúc. Ngoài ra tôi còn sáng tác nhạc cho sân khấu, chẳng hạn vở kịch thơ Quyền lực tình yêu của đạo diễn Hữu Châu.

Thật khó biết cảm hứng đến từ đâu, thường là đến bất chợt từ những vui buồn hằng ngày và giây phút sáng tác là khi ghi lại, chia sẻ những điều làm mình xúc động. Kinh nghiệm của tôi là hãy sống hồn nhiên và luôn mở trái tim mình ra để đón nhận.

Nhạc sĩ Việt Anh: Xuất hiện trong chương trình toàn là những người tôi quý, tôn trọng và đã có thời gian làm việc với nhau lâu dài. Quang Dũng là người bạn rất thân thiết với tôi. Quang Dũng hát nhạc Việt Anh trước khi làm bạn và sự đồng cảm làm cho người ta trở nên gần gũi, hiểu nhau. Đàm Vĩnh Hưng thì tôi tôn trọng sự nghiêm túc và sáng tạo. Anh luôn có ý tưởng và khả năng làm việc kinh người. Hưng là người luôn muốn tìm tòi, biến hóa và vượt qua bản thân mình. Điều đó rất quan trọng trong nghệ thuật…

Uyên Linh thì tôi quý ở tài năng. Tôi thích nghe cô hát và rất thích độ phiêu cảm xúc của cô. Trong liveshow lần này, Uyên Linh lần đầu tiên hát một bài mới mà tôi đã viết 2 năm rồi. Đó là bài Xin giữ em cho hoàng hôn. Nguyên Thảo thì tôi luôn hâm mộ giọng ca cô ấy. Tôi thích cách xử lý bài hát tinh tế của Thảo. Hoàng Bách thân thiết với tôi từ khi còn học trường nhạc. Hai anh em có rất nhiều điểm chung trong cuộc sống và âm nhạc. Còn Trung Quân là gương mặt mới với âm nhạc của tôi nhưng có giọng hát đẹp và cách xử lý tốt. Quý Bình là một người em thân thiết trong nhóm. Ngoài tài năng về diễn xuất thì Quý Bình còn có một giọng hát rất truyền cảm. Tôi đã tin tưởng giao cho Quý Bình thể hiện bài hát Phía cuối những hàng thông trong bộ phim truyền hình Đâu phải chia ly.

>Paul Simon: Mở rộng biên độ âm nhạc

>Khi Bob Dylan hát nhạc xưa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng chảy âm nhạc Việt Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO