Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những bước chuyển đổi lớn, những hệ sinh thái, mô hình kinh doanh mới đồng loạt xuất hiện tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp “nhanh chân” trong cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, cạnh đó cũng có những thách thức đang chờ đón mà nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt sẽ bị cuốn trôi.
Ông Chuck Hollis - Phó chủ tịch cấp cao nhóm Cơ sở hạ tầng hội tụ của Oracle cho rằng, đổi mới công nghệ càng trở nên dễ tiếp cận, con người càng có nhiều cơ hội tận dụng và hưởng lợi từ đó. Trong đó, điện toán đám mây chính là nhân tố cho phép doanh nghiệp ứng dụng dễ dàng hơn những công nghệ mới nổi và sở hữu tiềm năng “thay đổi cục diện”, bao gồm trí tuệ nhân tạo, blockchain hay mạng lưới vạn vật kết nối internet - Internet of Things.
Cùng quan điểm này, TS. Phương Trầm, cựu CIO DuPont và hiện là Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT cho biết, gia tăng lợi nhuận, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí công nghệ, vận hành hệ thống dữ liệu phức tạp ở mức thời gian thực, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa cao độ trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh... là những giá trị thu được từ chuyển đổi số. Theo TS. Phương Trầm, “chuyển đổi số”, “đột phá mô hình kinh doanh”, “trở thành doanh nghiệp số” không chỉ là những chủ đề trao đổi trong các diễn dàn kinh tế toàn cầu mà trên thực tế, đã thu hút các hãng công nghệ lớn trên thế giới xây dựng các nền tảng cần thiết như Google, AWS, Apple... và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới triển khai chuyển đổi số.
Báo cáo cuối năm 2018 của IDG (Worldwide Digital Transformation 2018 Predictions) cho thấy, chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2020. Có 35% nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ ứng dụng các giải pháp phần mềm cho sản xuất thông minh để tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Hiện tại, đến 90% các tổ chức và doanh nghiệp có quy mô tỷ đô đã có kế hoạch phát triển và triển khai chuyển đối số. Có 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. Các tập đoàn lớn trên thế giới đều cho rằng chuyển đổi số nằm trong top 3 vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.
Trong xu thế đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh làm nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, việc xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như thiết lập hạ tầng số đồng bộ, liên thông, hiện đại (bao gồm hạ tầng viễn thông, dữ liệu, thông tin và tri thức) sẽ là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản trị công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu đối với vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.
Chia sẻ tại hội thảo “Đối thoại về chuyển đổi số” do Tập đoàn FPT tổ chức hồi cuối tháng 2/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019 Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia, vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet). Cùng với đó, Chính phủ sẽ ra mắt cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với mọi cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đang rất quyết liệt từ khâu làm gương trong chuyển đổi số tới tạo điều kiện, nền tảng căn bản và môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Thực hiện chỉ đạo này, FPT đang hiện thực hóa định hướng chiến lược trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số. Với thế mạnh về năng lực công nghệ, là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay làm chủ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn..., FPT hiện sở hữu đội ngũ 15.000 chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm, chất lượng chuẩn quốc tế và năng lực chuyên môn sâu để xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ với chi phí hiệu quả nhất cho khách hàng. Đã có hơn 200 tập đoàn lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, sản xuất ô tô, logistic, thương mại điện tử, hàng không đã trở thành khách hàng trong lĩnh vực chuyển đổi số của FPT thời gian qua cùng với những cái tên đình đám như Airbus, Siemens, UPS, Hitachi...
Hiện nay, việc chuyển đổi số cho khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số... là những bài toán chiến lược đang được FPT tập trung giải quyết, với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới cùng sự tư vấn của TS. Phương Trầm, FPT sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực, nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Big Data, tự động tương tác trò chuyện... trong các hoạt động của tập đoàn.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Đồng hành cùng các tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng tôi nhận ra một nhu cầu to lớn về tư vấn chiến lược và thực thi chuyển đổi số. Đầu tư chiến lược vào Intellinet chính là giải pháp để FPT đáp ứng nhu cầu này. FPT đã sẵn sàng cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể cho các tập đoàn toàn cầu góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”.