![]() |
Không gây tai tiếng, không quảng cáo ầm ĩ, không chiếm lĩnh "giờ vàng" nhưng giá trị của trò chơi truyền hình thuần Việt đang được nâng tầm bởi sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Đọc E-paper
Vị thế mới
Khoảng 2 năm nay, trò chơi truyền hình (gồm cả game show, truyền hình thực tế) định dạng thuần Việt xuất hiện nhiều và đa dạng hơn, từ thi tài năng nhưVợ chồng mình hát, The Kid Host - Người dẫn chương trình tương lai, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng boléro, Tôi là diễn viên, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Hò xự xang xế cống, Làng hài mở hội, Sao nối ngôi, Thần tượng bolero, Hoán đổi, Tuyệt đỉnh song ca... đến so tài về trí lực như Phái mạnh Việt, Lò võ thiếu lâm, rồi phóng sự điều tra như Lần theo dấu vết, Khoảnh khắc sinh tử...
So với chương trình tìm kiếm tài năng có định dạng nước ngoài nặng về thi thố và giải thưởng có giá trị rất cao thì trò chơi thuần Việt chủ yếu là giải trí lành mạnh và có giá trị tinh thần cao.
Chẳng hạn như game show Vợ chồng mình hát ngoài thi tài ca hát, điều quan trọng hơn là giúp các cặp đôi gắn bó, yêu thương nhau hơn. Tiếng hát mãi xanh bên cạnh việc phát hiện những giọng ca hay là những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn đời thường để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ. Tình bolero thì khơi dậy niềm say mê thể loại âm nhạc dường như chỉ phổ biến trong một bộ phận công chúng. Đặc biệt, Khoảnh khắc sinh tử mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc khi kể lại cho khán giả những sự kiện xã hội gây chấn động một thời, những khoảnh khắc sinh tử của con người.
Hiện nay, hầu hết trò chơi thuần Việt chủ yếu được phát sóng vào các ngày thường (chứ không phải cuối tuần) trên các kênh truyền hình địa phương hay khu vực miền Nam như HTV7, Cần Thơ, VTV9, Vĩnh Long 1, nhưng chúng đang có vị thế mới, rất được khán giả ưa thích.
Chỉ số khán giả xem truyền hình (rating) của Tình bolero 2016 ở tuần cuối tháng 7 vừa qua cao nhất khu vực TP.HCM (do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cung cấp) với 16,8%, lượt chia sẻ hơn 50% (tức cứ 100 người xem tivi thì có hơn 50 người xem Tình bolero) trong bảng rating mỗi tuần của Top 20 chương trình giải trí bao gồm phim truyện Việt Nam, phim truyện nước ngoài, trò chơi định dạng nước ngoài...
Còn chỉ số rating ở Cần Thơ (bao gồm tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) cho Tình bolero 2016 (TNS Media Việt Nam cung cấp) là 16,2%, riêng phụ nữ là 24,6%, lượt chia sẻ hơn 60%, và đây cũng là rating cao nhất trong Top 20 chương trình giải trí ở khu vực Cần Thơ.
Chương trình Sao nối ngôi cũng có tuần đạt được rating cao nhất tại Cần Thơ là 16,2% và thị trường TP.HCM là 10,9% (số liệu của tháng 6/2016). Chỉ số rating của Cười xuyên Việt, Người hát tình ca, Làng hài mở hội... mỗi tuần cũng luôn ở mức trên 5% đến hơn 10% ở khu vực TP.HCM và Cần Thơ.
Cần được nhà đài ưu ái hơn
Dù vẫn nắm nhiều trò chơi định dạng nước ngoài, song một số đại gia truyền hình như Công ty BHD, Đông Tây Promotion đã đầu tư cho cả trò chơi định dạng thuần Việt như Phái mạnh Việt, Hoán đổi (BHD), Lần theo dấu vết, Khoảnh khắc sinh tử (Đông Tây Promotion).
M&T Pictures - một công ty mới gia nhập thị trường sản xuất trò chơi truyền hình gần đây nhất, cũng chọn Người hát tình ca - trò chơi thi tài ca hát định dạng thuần Việt để mở hàng.
Các công ty bấy lâu vốn mặn mà với các chương trình thuần Việt như Khang Media (Tình bolero, Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt), Jet Studio (Sao nối ngôi, Làng hài mở hội, Gặp nhau cùng cười), May Q Media (Tiếng hát mãi xanh, Vợ chồng mình hát) lại càng có động lực để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng chương trình.
Truyền hình Vĩnh Long chỉ là đài địa phương nhưng đã tạo được tiếng tăm với đông đảo khán giả khu vực TP.HCM và Nam bộ, vượt qua những đài địa phương mạnh hơn nhờ hợp tác đầu tư hàng loạt trò chơi truyền hình thuần Việt, như Solo cùng bolero, Tình bolero, Cười xuyên Việt, Hội quán tiếu lâm, Danh hài đất Việt, Làng hài mở hội...
Theo dự báo, trò chơi truyền hình thuần Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực từ giải trí đến văn hóa, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trò chơi định dạng nước ngoài vẫn đang áp đảo và chiếm hầu hết khung giờ vàng trên các kênh có nhiều người xem của các đài truyền hình, nhất là VTV.
Theo đại diện của Công ty Golden Screen, so sánh giữa trò chơi có định dạng thuần Việt và nước ngoài thì về mặt tâm lý, mác ngoại dễ khiến khán giả quan tâm hơn, nghĩa là quảng cáo sẽ đổ vào nhiều, lợi nhuận thu được cao nên tất nhiên nhà đài sẽ ưu ái hơn.
Hơn nữa, khi mua bản quyền trò chơi nước ngoài, nhà sản xuất ở Việt Nam đều có thể kiểm tra được độ ăn khách thông qua phiên bản khác của nó đã xuất hiện ở các quốc gia khác, còn trò chơi thuần Việt thì chỉ mới là thử nghiệm.
Bởi vậy, có lẽ trò chơi thuần Việt cũng cần đến sự hỗ trợ như phim Việt cách đây 10 năm. Khi ấy, phim Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng áp đảo, chiếm giữ khung giờ vàng khiến phim Việt điêu đứng, thế nên Nhà nước đã có những quy định về khung giờ và tỷ lệ phát sóng hằng ngày cho phim nội. Nhờ đó phim Việt đã có được những khung giờ vàng trên sóng của VTV, HTV, Vĩnh Long, Cần Thơ...
"Bất cứ trò chơi truyền hình nào cũng có áp lực rating, nhưng với các chương trình thuần Việt còn non nớt, nếu chỉ dựa vào rating thì sẽ thiếu công bằng. Bởi chúng chưa tạo được sức hút, không có "giờ đẹp" phát sóng... nên không có cảnh đếm spot quảng cáo thu tiền như các chương trình định dạng nước ngoài. Vậy nên chỉ còn trông đợi các nhà đài ưu ái hơn các chương trình thuần Việt mà thôi", ông Đỗ Văn Bửu Điền - Công ty Điền Quân Media & Entertainment nói vậy.
>Em là bà nội của anh - Hòa quyện và thuần Việt
>Quảng bá du lịch bằng điện ảnh: Dễ người, khó ta
>Liveshow ca nhạc và nỗi lo bán vé