Tranh Việt Nam tiếp thị kém

Nguồn SGTT| 15/10/2009 06:24

Thời gian gần đây, thị trường mỹ thuật tại khu vực châu Á, đặc biệt Đông Nam Á khá sôi động, vì các phiên đấu giá và các sự kiện nghệ thuật quan trọng.

Tranh Việt Nam tiếp thị kém

Thời gian gần đây, thị trường mỹ thuật tại khu vực châu Á, đặc biệt Đông Nam Á khá sôi động, vì các phiên đấu giá và các sự kiện nghệ thuật quan trọng. Nhìn vào danh mục tác phẩm của Sotheby’s tại Hong Kong (ngày 3 – 10/10), Borobudur tại Singapore (11/10), Art Singapore 2009 (9 – 12/10), hay cả phiên đấu giá sắp diễn ra của Larasati (23 – 25/10) tại Singapore… thì xét về giá bán, chúng ta có thể thấy tranh Việt đang khá lẹt đẹt so với khu vực Đông Nam Á, nhất là ở mảng mỹ thuật đương đại. Phải chăng tranh Việt đang được tiếp thị quá kém?

Vẫn là những câu chuyện cũ

(La Femme à L’Écharpe Verte) – tác phẩm Thiếu phụ quàng khăn xanh của Lê Phổ

Cũ nhất cho các sự kiện mỹ thuật mùa thu năm nay là sự hiện diện khắp nơi của danh hoạ Lê Phổ (1907 – 2001). Tại Sotheby’s Hong Kong, ông có tới 14 bức, nhiều nhất phiên đấu, và là danh hoạ có tranh giá cao hơn các bậc thầy khác như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Sáng… rất nhiều. Một nhà sưu tập cho biết sự hiện diện này vẫn chỉ là bước đệm chuẩn bị, là sự quảng cáo trước cho cuộc “đổ bộ” của Lê Phổ vào nội địa Việt Nam trong 5 – 10 năm tới, vì hơn 95% tác phẩm của danh hoạ này đang ở nước ngoài, người trong nước đang “khát”.

Về nghệ thuật, ông chưa hẳn đã đặc sắc nhất, nhưng vì được tiếp thị bền bỉ nên Lê Phổ đang là “hàng hiệu”, với 5 – 6 bức đạt mức giá khoảng 300.000 USD, cao nhất tranh Việt từ trước đến nay. Tại phiên đấu hôm 6.10 của Sotheby’s Hong Kong, tác phẩm Paysage du Tonkin (Phong cảnh Bắc kỳ) đạt giá 264.000 USD; tác phẩm La Femme à L’Écharpe Verte (Thiếu phụ quàng khăn xanh) đạt 202.564 USD.

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi, sau các hoạ sĩ thời tiền chiến, hoặc thuộc trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì mỹ thuật Việt Nam có gì – chúng ta càng thấy rõ các câu chuyện cũ vẫn còn ý nghĩa.

Trong khoảng 15 năm qua, khi tranh Việt bắt đầu lên sàn đấu, sự cập nhật về các tác giả đương đại tỏ ra khá chậm chạp và ít ỏi. Vẫn khoảng 5 – 10 hoạ sĩ được nhắc đi nhắc lại; như năm nay, phần đương đại chỉ có mấy cái tên như Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hoà, Phạm Luận, Nguyễn Minh Đông, Bội Trân, Dương Ngọc Sơn… Liệu họ có tiêu biểu cho thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay?

Ngay cả một sự kiện lớn như Art Singapore 2009 thì cũng chỉ có hai gallery Việt Nam là Zen và Ngàn Phố tham dự, mà mỗi gallery thì chỉ có thể giới thiệu trực tiếp một vài hoạ sĩ. Đặc điểm chung của tranh Việt đương đại ở các sàn đấu là giá còn rất thấp, chỉ 4.000 – 5.000 USD.

Trong khi rất nhiều hoạ sĩ tuổi 6X, 7X của khu vực như Guan Yong (sinh 1975), I Nyoman Masriadi (sinh 1973), Liv Wei (sinh 1972), Shi Chong (sinh 1963)… đã có những bức đạt giá khởi điểm từ 400.000 đến 600.000 USD. Mức giá khởi điểm từ 100.000 USD thì ngày một đông, đặc biệt Indonesia, họ đã có cả trăm hoạ sĩ như vậy. Ví dụ phiên đấu của nhà Borobudur vừa rồi, tác phẩm Phong cảnh (250 x 200cm, sơn dầu, 2008) của Liv Wei có mức khởi điểm từ 333.333 đến 500.000 USD. Hay như tác phẩm Book Lover (Người tình sách, 140 x 140cm, acrylic trên bố, 2008) của I Nyoman Masriadi người Indonesia có giá từ 93.333 đến 133.333 USD. Cho nên có ý kiến cho rằng, nghệ thuật mà chỉ có những cái cũ đưa ra thì hoặc nền nghệ thuật đó đang bị diệt vong, hoặc do tiếp thị quá kém.

Tại sao tiếp thị kém?

Tác phẩm Book Lover của I Nyoman Masriadi

Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung có mấy điểm được giới chuyên môn đồng tình. Thứ nhất, tuy tranh Việt thuộc diện non trẻ ở các sàn đấu giá, nhưng tai tiếng về tranh giả lại thuộc hàng đình đám nhất châu Á. Điều này rõ ràng đã kìm hãm giá, thậm chí bóp chết thị trường tranh Việt còn khá manh mún ở bên ngoài biên giới.

Thứ hai, theo nhiều nhà sưu tập và phân tích quốc tế, các hoạ sĩ Việt Nam hiện nay thường thích “ăn sẵn”, nếu tranh bán được là cứ vẽ hoài một kiểu, ít khi muốn thay đổi. Chưa nói, đa phần các tác phẩm ra sàn còn ở dạng vẽ “chiều chuộng mắt” những người xem thích hương xa, chứ chưa thật sự bám rễ vào đời sống, với những câu chuyện riêng biệt, mang tầm tư tưởng, thế sự, chính trị... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiếu những dạng hoạ sĩ thực sự “chỉ vẽ cho mình”, như thời các hoạ sĩ tiền chiến, thời chưa phổ biến chuyện mua bán.

Thứ ba, Việt Nam chưa có được thị trường mỹ thuật nội địa, điều mà Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines… đã và đang làm được. Giới quý tộc, thượng lưu, trung lưu… trong nước cũng chưa có thói quen mua tranh và xem tranh như một tài sản thực thụ.

Chính điều này đã làm cho tranh Việt bị nước ngoài ép giá, và kết quả thì phần lớn tranh đẹp đã không được giữ lại, vì chúng ta chưa có nhu cầu, chưa có thị trường tiêu thụ thực sự.

Để mấy lý do này được giải quyết thoả đáng thì còn lâu, nhưng ngay với những gì đang có trên sàn, chúng ta cũng chưa có chiến lược và cách tiếp thị đồng bộ, mang tầm vĩ mô. Bởi khi tranh đã vượt qua chuyện sở hữu của tác giả để đi ra thị trường, thì không còn cách nào khác là chúng ta phải hiểu và tôn trọng luật chơi của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh Việt Nam tiếp thị kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO