Tranh Cực thực

LÊ BẢN/DNSGCT| 22/01/2014 04:05

Một khuynh hướng tạo hình được khởi xướng chỉ vài thập niên gần đây.

Tranh Cực thực

Trong khi các hình thức nghệ thuật đương đại (contemporary art) phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp các châu lục, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia thì ở một cực khác vẫn có nhiều họa sĩ trẻ miệt mài vẽ tranh hiện thực, thậm chí là cực thực (hyperrealism), một khuynh hướng tạo hình được khởi xướng chỉ vài thập niên gần đây.

Đọc E-paper

>Nhiếp ảnh tìm cảm hứng từ kiệt tác hội họa
>Cơ hội thưởng ngoạn hội họa đến từ Chiang Rai
>
Tranh kinh dị của những bậc thầy hội họa
>Tranh đương đại và cuộc chơi may rủi

Cực thực hiểu đơn giản có nghĩa là hiện thực đến cực điểm và khuynh hướng Cực thực được coi là một sự tiến triển cao hơn của khuynh hướng Hiện thực – nhiếp ảnh (Photorealism). Thuật ngữ cực thực chủ yếu để chỉ một trào lưu nghệ thuật cũng như phong cách nghệ thuật đã hình thành và phát triển từ đầu thế kỷ XXI tại Mỹ và các nước châu Âu.

Cội nguồn của cực thực

Nhà buôn tranh người Bỉ Isy Brachot là người đầu tiên dùng từ hyperréalisme (tiếng Pháp) làm tựa đề cho một cuộc triển lãm (đồng thời in ấn vựng tập triển lãm) tại gallery của ông ở Brussels vào năm 1973, với sự góp mặt của các họa sĩ thuộc nhóm có tên “Photorealism Hoa Kỳ” như Ralph Goings, Chuck Close, Don Eddy, Robert Bechtle và Richard McLean cùng các “chiến hữu” ở châu Âu như Gnoli, Richter, Klapheck và Delcol.

Kể từ đó, thuật ngữ hyperealisme được các họa sĩ và nhà buôn tranh ở châu Âu dùng để chỉ các nghệ sĩ tạo hình chịu ảnh hưởng của khuynh hướng Photorealism. Sau đó, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, khuynh hướng tạo hình Cực thực chính thức ra đời dựa trên các nguyên lý thẩm mỹ nền tảng của khuynh hướng Hiện thực – nhiếp ảnh.

Gã hề buồn – tranh sơn dầu của Kang-hoon Kang
Frank – tranh sơn dầu của Chuck Close

Các họa sĩ theo khuynh hướng Hiện thực – nhiếp ảnh vẽ hệt như tác phẩm nhiếp ảnh, chỉ trừu tượng hóa hay bỏ quên vài chi tiết trong tranh để nó không “chép” lại nguyên xi hiện thực như một cái máy ảnh, trong khi các tác giả Cực thực thường “mềm hóa” một số chi tiết và lại tập trung tỉa tót chủ đề tới mức nó trở nên cực kỳ sống động, thậm chí tạo cảm giác có thể chạm tay vào chúng như một đồ vật thật sự.

Đối tượng và cảnh sắc được mô tả trong tranh (hay tượng điêu khắc) Cực thực được vờn tỉa từng chi tiết nhỏ nhất để trở thành ảo ảnh của cái có thực (nhưng không là cái siêu thực) và nhiếp ảnh không thể thực hiện được điều này.

Bề mặt, kết cấu, tác động của ánh sáng cũng như cái bóng của đối vật trong tranh sáng rỡ hơn, tường tận hơn là trong ảnh chụp đối vật và hơn cả bản thân đối vật, thể hiện triết lý về cực thực của Jean Baudrillard (1929-2007), nhà triết học, nhà văn hóa, nhà xã hội học và cũng là một nhiếp ảnh gia người Pháp: “(Cực thực) là sự bắt chước điều gì đó không hề tồn tại trong hiện thực”.

Kang-hoon Kang và tranh tự họa chân dung
Phụ nữ hiện đại không bao giờ khóc – tranh sơn dầu của Kang-hoon Kang

Họa sĩ trẻ vẽ Cực thực

Sau thế hệ những họa sĩ Cực thực đầu tiên ấy – hầu hết đều đã thành danh, nay có rất nhiều những người trẻ tham gia trào lưu Cực thực và tác phẩm của họ thường gây kinh ngạc tại các triển lãm. Trong số đó, đang rất nổi tiếng có Jason de Graaf, sinh năm 1971 ở Montreal, hiện sống và sáng tác ở Quebec (Canada).

Xem tranh của Jason, khó có thể tưởng tượng nổi nó được vẽ bằng acrylic bởi chúng còn thực và chi tiết hơn nhiều những bức ảnh chụp có độ phân giải tối đa. Thế nhưng bằng những nét cọ vờn tỉa trên toan, Jason de Graaf với tài năng thiên bẩm của mình đã tạo ra một thế giới hình ảnh có thể nói là tráng lệ, kỳ ảo dù anh chỉ mô tả những gì ở quanh mình: những chiếc ly, những quả dâu, những chai rượu, những trang truyện tranh… nhưng tất cả đều long lanh, rạng rỡ…, chân thực đến khó tin!

“Tranh của tôi là sự dàn dựng từ thực tế được sắp xếp lại, là ảo ảnh của cái thực trên bề mặt tranh. Tôi cố gắng sử dụng những đồ vật trong tranh như một công cụ để diễn đạt bản thân mình, kể lại một câu chuyện hay chí ít gián tiếp nói đến một điều gì đó vượt ra ngoài những gì được vẽ. Vì thế tôi đã chọn vẽ những đối vật mang một ý nghĩa nào đó đối với tôi hay là những đồ dùng từ chính cuộc sống của tôi”, Jason tự bạch như thế.

Cây bút phê bình mỹ thuật Katherine Brooks viết trên báo Huffington Post về tranh của Jason de Graaf như sau: “Jason chịu khó thể hiện chi tiết cái cấu trúc tương phản và bề mặt cực kỳ khó vẽ của những tĩnh vật được anh sắp xếp kỳ khu trong tranh. Tuy nhiên tác phẩm của anh không chỉ thể hiện tài năng vẽ như chụp ảnh. Những phản chiếu đánh lừa thị giác tập trung vào một vùng thực tại tồn tại bên ngoài khung tranh. Anh trải dài chiều sâu và bóp méo viễn cảnh tới mức nhạt nhòa, truyền cho tác phẩm một bóng ma bí ẩn khiến người xem phải tìm cách thoát ra để tìm lại sự cân bằng”.

Không đề – tranh acrylic của Jason de Graaf
Những đường song song không bao giờ gặp nhau – tranh acrylic của Jason de Graaf
Tưởng tượng – tranh acrylic của Jason de Graaf

Một gương mặt trẻ khác cũng vẽ Cực thực là họa sĩ Hàn Quốc Kang-hoon Kang với những tranh chân dung khổ lớn và rất lớn, thể hiện nhân vật trong những trạng thái tâm lý, tình cảm qua đó cho biết tính cách của họ và đó thường là những thần thái thuần khiết. Mỗi tác phẩm chân dung của Kang-hoon Kang như một lời mời người xem đối thoại với nhân vật trong tranh để hiểu được chính nhân vật ấy.

Anh bày tỏ về hội họa của mình: “Thông qua trí tưởng tượng, tôi muốn diễn đạt sự thô ráp của thế giới thực tại, rồi từng bước đi vào thực tại và đánh thức những cảm xúc. Hơn thế nữa, qua tác phẩm của mình, tôi muốn mô tả con người hiện đại với những mơước được thoát khỏi chính những rối rắm nội tâm của họ”.

Sinh năm 1979 tại Jinju, Kang đã tốt nghiệp đại học và sau đó lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành mỹ thuật tại Đại học Kyung Hee University. Kang đã có hàng loạt triển lãm hết sức thành công ở trong nước và ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh Cực thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO