Thời của MC

HOÀNG YẾN| 09/06/2009 04:14

Để cạnh tranh, các MC có tên tuổi của các đài truyền hình được chào mời dẫn chương trình, từ hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới, đại hội tổng kết, đến kỷ niệm ngày thành lập...

Thời của MC

Để cạnh tranh, các MC có tên tuổi của các đài truyền hình được chào mời dẫn chương trình, từ hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới, đại hội tổng kết, đến kỷ niệm ngày thành lập...

Nhà báo Lại Văn Sâm dẫn hai chương trình trên VTV3: Chúng tôi là chiến sĩ và Ai là triệu phú - Ảnh: H.Hưng

ĐÂU CẦN, MC CÓ

Nếu chỉ tính tần số xuất hiện trên truyền hình, hai MC thuộc hàng đắt sô nhất hiện nay là Quyền Linh trong Nam và Lê Anh ngoài Bắc. Số game show Quyền Linh dẫn đã đến số chục.Còn Lê Anh thì liên tục có mặt trong các chương trình sự kiện phát sóng trên VTV...

Bộ tứ MC thuộc hàng “top” ở phía Nam hiện nay là Quyền Linh, Thanh Bạch, Chi Bảo và Trung Dũng. Mức cát-sê dẫn mỗi chương trình gameshow hay talk show của họ thường từ 3 triệu đồng trở lên.

Diễn viên, MC Trung Dũng thổ lộ, những thương hiệu sản phẩm có tên tuổi sẵn sàng chi mạnh tay cho các MC mà họ thấy cần thiết cho chương trình. Game show phía Nam hầu hết do các công ty quảng cáo đứng ra tổ chức sản xuất. Hầu như game show nào cũng mời cho được MC là người nổi tiếng.

Người giữ vị trí điều phối chương trình một công ty tổ chức sự kiện ở Hà Nội cho biết, anh nắm danh sách hầu hết các gương mặt MC tên tuổi của nhà đài và chỉ cần họ không vướng việc công là có thể chạy ngay sang việc tư, hay có thể sắp xếp thời gian để ưu tiên cho sô ngoài đài.

Anh khoe, vừa mời MC Lê Anh dẫn chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập một công ty liên doanh. Mức giá thấp nhất với MC này là 3 triệu đồng. Phải đi xa như lên Cao Bằng hay Hà Giang, kể cả chi phí đi lại và ăn ở, mức giá trả cho MC tên tuổi không dưới 10 triệu đồng.

Với các MC như Xuân Bắc, Thảo Vân... thì mức thù lao trung bình là 5 triệu đồng với chương trình ở Hà Nội. Mức giá lên xuống tùy thuộc vào quy mô chương trình và cả thương hiệu của công ty.

Dẫn các chương trình này, MC phải có mặt hầu như suốt chương trình kể từ khi tuyên bố khai mạc đến lúc kết thúc. Khi khách ăn uống, nếu trong chương trình có tổ chức trò đố vui có thưởng hoặc giao lưu văn nghệ thì MC phải kiêm luôn phần dẫn này...

ĐÂU KHÓ CÓ MC

Lâu nay, người ta vẫn thường kêu ca về MC trong các chương trình truyền hình nào là nói năng dài dòng, khách sáo, quá phụ thuộc vào kịch bản...; khi giao lưu với khán giả thì đặt câu hỏi chung chung kiểu “Anh/chị nghĩ gì?” hay “Cảm xúc của anh/chị”... hay gặp sự cố ngoài kịch bản thì trở nên lúng túng. Vậy mà trước đó, các MC này đều được tuyển chọn bài bản, thậm chí đã qua trường này, lớp kia...

So với tuyển diễn viên thì rõ ràng, tuyển MC không khó tìm các gương mặt nữ khả ái. Cũng dễ hiểu vì nghề MC hấp dẫn hơn nghề diễn viên và trong quan niệm của nhiều bạn trẻ, làm MC dễ hơn làm diễn viên.

MC “8X” Thanh Vân, người từng làm diễn viên trong phim Nhật ký Vàng Anh và mang biệt danh “Vân Hugo” từ vị trí gameshow Vui cùng Hugo trên Đài PTTH Hà Nội, cho rằng, nhiều bạn nghĩ MC thì chỉ cần đẹp trai, hay xinh xắn và biết cách ăn nói mà không quan tâm đến kiến thức.

“Làm MC khi gặp sự cố thì mới nhận ra rằng MC không đơn thuần là máy nói”, Vân chia sẻ. Nhà báo Lại Văn Sâm còn cương quyết: “Cô nào đẹp xinh nhưng không gây được ấn tượng để khán giả nhớ thì không thể trở thành MC được”.

Mỗi MC lên sóng mang theo biết bao kỳ vọng của ê-kíp thực hiện chương trình.

Theo đạo diễn Mạnh Cường (Đài PTTH Hà Nội), để tuyển chọn MC, ngoài khả năng dẫn chương trình, ngoại hình, giọng nói, thì điều quan trọng nhất là phong cách dẫn có đáp ứng yêu cầu của chương trình hay không.Vệc tuyển chọn được MC ưng ý với truyền hình nói chung và gameshow nói riêng là công việc cực kỳ khó khăn.

Đài Truyền hình TP.HCM hằng năm đều tổ chức thi tìm kiếm người dẫn chương trình, năm nào cũng có “Én vàng”, “Én bạc”, nhưng các “kỳ cuộc” lớn của Đài này vẫn là những gương mặt quen thuộc. Gần đây, Đài PTTH Hà Nội đã tổ chức đến hai đợt tuyển người dẫn chương trình, nhưng theo anh Cường, “vẫn chưa ăn thua”.

VTV, ngoài những đợt tuyển MC riêng lẻ cho các chương trình, cho kênh VTV6 thì khi thi tuyển công chức cũng dành chỉ tiêu cho vị trí BTV và người dẫn chương trình. Vậy mà cuối cùng, tình trạng một MC vẫn “ôm” cả mấy chương trình trên cùng một kênh sóng ngày càng nhiều!.

Khi MC chạy sô nhiều chương trình thì việc đòi hỏi họ gắn được tên tuổi và tạo dấu ấn với một chương trình để mỗi lần nhắc tên họ là khán giả nhớ đến chương trình và ngược lại, nhắc đến chương trình là nhắc đến họ, vẫn còn “mơ về nơi xa lắm”.

Tuyển MC đã khó, “trụ” được với chương trình còn khó hơn. “Nếu MC không làm tốt vai trò của mình thì chương trình không tồn tại”, đạo diễn Mạnh Cường quả quyết.

MC kỳ cựu Lại Văn Sâm cho rằng: “Có người ăn nói lưu loát và có kiến thức cũng như hiểu biết về nghề MC, nhưng khi đứng trước ống kính thì mất giọng, không ăn hình hoặc không ăn nhập vào chương trình. MC phải như một nghệ sỹ có duyên, nhưng nói chung còn ít người như thế lắm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của MC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO