Thị trường nhạc thiếu nhi: Đến hẹn lại... thiếu

L.M. HẠ| 13/07/2018 06:27

Nhạc thiếu nhi luôn thiếu ca khúc mới và hay để các em có thể cùng hát, cùng sinh hoạt tập thể hay nghêu ngao một mình.

Thị trường nhạc thiếu nhi: Đến hẹn lại... thiếu

Mỗi năm đến hè, khi các đợt sinh hoạt hè, các chương trình văn nghệ dành cho thiếu nhi nở rộ, người ta lại càng thấy rằng bao năm qua trẻ con cũng chỉ hát chủ yếu những ca khúc mà các thế hệ anh, chị, cha, chú đã hát từ thời họ cũng ở tuổi thiếu nhi.

Từ kẻ độc hành của mùa hè năm 2017

Hè năm ngoái, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung đã gây xôn xao khi cho ra mắt một dự án tâm huyết mà anh thực hiện trong ba năm: quyển sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi do anh sáng tác và biên soạn. Đây được xem là một sự kiện nổi bật của nhạc thiếu nhi khi 1.000 bản phát hành đầu tiên đã bán gần hết trong vòng 10 ngày. Sau hơn một năm ra mắt, đây cũng là cuốn sách nhạc thiếu nhi duy nhất trên thị trường hiện nay.

Ngoài việc chứa đựng lời bài hát và nốt nhạc để các bé học và hát theo, cuốn sách còn có 100 hình vẽ minh họa để cho các bé cùng tô màu, ngoài ra, anh còn tặng thêm một đĩa CD gồm 100 bài hát do các ca sĩ nhí nổi tiếng và học trò của anh thu âm trong những năm qua: Bảo An, Bào Ngư, Thư Kỳ, Bảo Ngọc, Ben, Trang Thư, Hiếu Kiên… Quyển sách nhạc có đủ thể loại đề tài được phân chia rõ ràng và hợp lý: như lễ tết (Tết Nguyên đán, Trung thu, Noel, sinh nhật…), gia đình (cha, mẹ, anh em, ông bà…), cổ tích, khám phá, mái trường, quê hương – đất nước… phù hợp với các bé trong lứa tuổi từ 3 - 13, và có thể được dùng làm công cụ giảng dạy trong các trường mầm non và tiểu học.

Sở dĩ phải nói nhiều đến cuốn sách này như thế vì nó vẫn và sẽ là "của hiếm" trên thị trường nhạc thiếu nhi hiện nay.

Link bài viết

Nhạc thiếu nhi, thừa cũ thiếu mới

Cứ nhìn các bé tham gia các cuộc thi hát cho lứa tuổi mình nhưng phải "hát quàng" nhạc người lớn, là cũng đủ hiểu mảng ca khúc thiếu nhi đã thiếu thốn đến mức nào, đừng nói đến tìm những bài "hit" nhạc thiếu nhi, như ngày xưa đã từng có với Con cò bé bé, Đi học, Em là bông hồng nhỏ, Cả nhà thương nhau

Don Nguyễn - nam ca sĩ rất gắn bó với các ca khúc thiếu nhi, các chương trình thiếu nhi cho biết: “Tìm ca khúc nhạc trẻ thì hằng hà sa số nhưng đặt hàng, tìm nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi để biểu diễn bây giờ quá khó”. Siêu mẫu Xuân Lan cũng than tương tự khi đảm nhiệm vai trò bầu sô cho cô ca sĩ nhí Khánh Ngọc: “Các em nhỏ rất cần ca khúc mới để nghe, ca sĩ nhí cũng cần ca khúc mới để hát, nhưng không có. Không lẽ cứ hát mãi những bài cũ từ hàng chục năm trước, có khi không còn phù hợp”.

Thật vậy, ca khúc cho thiếu nhi cũng đã có một thời “vàng son” với các tác giả nổi tiếng như: Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích, Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Công Sơn… Phần lớn những ca khúc hay này đều đã nhiều tuổi đời, còn bài hát thiếu nhi thời mới lại rất hiếm hoi. Và nếu có, nó cũng chưa có độ phổ biến, nổi tiếng như sáng tác của nhạc sĩ các thế hệ trước. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng chia sẻ rằng “Đáng buồn vì đội ngũ nhạc sĩ trẻ đã xuất hiện ngày một đông, nhưng số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít ỏi, trong khi các em mới là đối tượng rất cần, rất đáng được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc”.

nhac-thieu-nhi-doanhnhansaigon-1342-1530

Có sự khan hiếm là vì các bài hát mới không nhiều, không hấp dẫn các em và không được yêu thích bằng những sáng tác cũ. Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ lại không mặn mà do nhuận bút không cao. Một tác phẩm được viết cho cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi cũng được trả khá hơn, nhưng so với một ca khúc nhạc thị trường được đặt hàng thì con số đó chẳng thấm vào đâu. Sự đầu tư cũng như quan tâm ở các cơ quan có tính phát động phong trào như Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ cũng đang ít dần. Các nhà thiếu nhi, các trung tâm văn hóa quận, huyện cũng ít khi đặt bài các nhạc sĩ. Cuộc thi quy mô và rầm rộ nhất đã cách đây hơn… 30 năm với ca khúc đoạt giải là Trái đất này là của chúng mình của nhạc sĩ Trương Quang Lục (phổ thơ Định Hải).

Gần đây, hằng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng trao giải thưởng cho các ca khúc dành cho thiếu nhi nhưng việc phổ biến lại phó mặc cho tác giả nên hạn chế phần nào sự lan tỏa của ca khúc.

Hy vọng gì từ thực tế khá eo xèo?

Tình trạng ấy còn được chứng minh bằng việc các kênh phát sóng dành cho các em cũng đều sử dụng những băng đĩa đã được thực hiện cách đây khá lâu. Những đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như Phương Nam Film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio, Tùng Production… lâu nay cũng im hơi lặng tiếng.

nhac-thieu-nhi-doanhnhansaigon-4800-9574

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói: “Đành rằng, có nhiều lý do khiến nhạc thiếu nhi bị mai một, bị thờ ơ, nhưng với những tác phẩm mới của các nhạc sĩ, chúng ta có thể hy vọng về tình yêu của người lớn dành cho thế hệ thiếu nhi, có thể vượt qua những câu chuyện về lợi nhuận. Một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị, các ông bầu ca nhạc không mặn mà với ca nhạc dành cho thiếu nhi là nạn băng đĩa lậu và sự thiếu vắng nhà tài trợ. Làm album hay chương trình cho các em khá tốn kém, trong khi giá bán không cao nên ít người đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Ngược lại, sản xuất album cho các ca sĩ lớn thì nhẹ nhàng hơn vì các ca sĩ tự bỏ tiền túi ra”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, hiện anh đang ráo riết thực hiện cuốn 100 bài hát thiếu nhi vol.2 và đã hoàn thành được một 1/3 chặng đường. Liveshow nhạc thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung đông kín khán giả hồi cuối tháng 5 càng khiến anh tự tin hơn trên con đường đã chọn gắn bó với dòng nhạc gia đình, thiếu nhi của mình.

Nhạc sĩ của Nhật ký của mẹ, Gia đình nhỏ hạnh phúc to… này tin rằng sẽ có nhiều đồng nghiệp đồng hành với anh trên con đường đang đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nhạc thiếu nhi: Đến hẹn lại... thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO