Sống và cống hiến

PHÚC HY| 28/03/2009 06:08

Ngôi sao màn bạc số 1 Trung Quốc Lý Liên Kiệt hiện đang tích cực hoạt động thiện nguyện, sau thời gian dài thủ diễn những vai người hùng cơ bắp, tỉ thí với Mel Gibson trong Lethal weapon 4, với Thành Long trong The forbidden Kingdom, 2008.

Sống và cống hiến

Ngôi sao màn bạc số 1 Trung Quốc Lý Liên Kiệt hiện đang tích cực hoạt động thiện nguyện, sau thời gian dài thủ diễn những vai người hùng cơ bắp, tỉ thí với Mel Gibson trong Lethal weapon 4, với Thành Long trong The forbidden Kingdom, 2008. Giữa hai cột mốc thời gian này còn là những lần thi thố kung fu trên màn ảnh lớn với Brendan Fraser trong The Mummy 3: Tomb of the Dragon Emperor, 2008; Jason Stratham trong War, 2007); và nhiều võ sĩ khác trong Hoắc Nguyên Giáp, 2006...

“Hoàng Phi Hồng” độ thế

Lý Liên Kiệt lập tổ chức từ thiện One Foundation hồi tháng 4/2007 và hợp tác với Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc hoạt động tích cực để giúp nạn nhân cơn động đất 7,8 độ richter ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 5/2008 làm 70.000 người chết và 18.000 người mất tích, nhiều trường học bị sụp đổ...

Nhà tạo mẫu thời trang cao cấp Donatella Versace người Ý lừng danh thế giới cho biết, bà xốn xang khi trông thấy những hình ảnh đau thương ấy, nhưng không biết làm thế nào để giúp đỡ những nạn nhân. Rồi bà nghe nói đến One Foundation của Lý Liên Kiệt, liền bắt liên lạc và cùng nhau lên kế hoạch giúp 400 đứa trẻ ở ngôi làng hẻo lánh Sanjiang (gần Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên).

Khi 18 chiếc xe SUV của đoàn thiện nguyện dừng 3 ngày ở làng, người dân không biết người phụ nữ tóc vàng mặc bộ đồ da là Donatella Versace, nhưng họ nhanh chóng nhận ra “Hoàng Phi Hồng”, vai diễn nổi tiếng đầu tiên của Lý Liên Kiệt. Anh cùng Versace liên tục thăm hỏi, động viên, chơi bóng bàn với một bé gái rồi cùng xem biểu diễn nghệ thuật dân gian, biểu diễn thời trang do các em tự thiết kế.

Versace hứa gửi tiền để duy trì hoạt động một trung tâm thiếu nhi ở làng trong một năm, xây một trung tâm trị liệu tâm lý với khoảng 40 bác sĩ. Lý Liên Kiệt giải thích One Foundation có nhiều cách cứu nạn, như bảo vệ môi trường, xây các trung tâm chăm sóc người già neo đơn và trẻ em, vì thực tế các em nhỏ cần được chăm sóc tinh thần hơn là vật chất.

Công khai minh bạch

Lý Liên Kiệt lập One Foundation từ sau lần anh là nạn nhân trực tiếp của cơn sóng thần quất lên quần đảo du lịch Maldives cu?i năm 2004. Anh cao 1,70m nhưng nước ngập đến cằm, khiến anh phải một tay giữ con gái 4 tuổi ngồi trên đầu, tay kia giữ cô giữ trẻ đang ôm cô con gái 1 tuổi của anh.

Rồi cô giữ trẻ bị tuột tay, cùng con anh trôi mất, nhưng may mắn là họ được cứu sống, anh kể: “Khi nước rút, tôi thấy người ta giúp trẻ em và phụ nữ nên tôi nghĩ mình cũng phải làm điều phúc đức”. Lần suýt chết với hai con gái thân thương nhất đời mình như đã làm anh tỉnh ngộ, người hùng cơ bắp mà không cứu được người thì mang danh ấy làm gì.

Bảy năm trước đó, khi mới 34 tuổi, nổi tiếng trong làng phim Trung Quốc nhưng chưa tham gia thị trường phim quốc tế, Lý Liên Kiệt đã nghĩ về cuộc sống: “Anh đang đi tìm điều gì, danh vọng, tiền tài?”. Bảy năm kế tiếp, anh được cả thế giới biết đến, nhưng không vui vẻ gì nhiều và anh đi tìm sự bình yên nơi đạo Phật, để rồi “ngộ” được một điều: càng khiêm tốn thì càng hạnh phúc, càng quên mình, hy sinh thì càng được giải thoát khỏi ách nặng cõi trần tục.

Từ tháng Giêng 2005 đến tháng 11/2007, Liên Kiệt học tập kinh nghiệm của những tổ chức phi chính phủ. Anh nghiệm thấy hầu như mọi người giàu lòng hảo tâm vẫn cần biết tiền của họ gửi giúp có đến được đúng địa chỉ hay không. Thế là anh thuê công ty kiểm toán Deloitte để báo cáo minh bạch những khoản chi tiêu.

Các tài liệu này đều được công khai tại địa chỉ internet của tổ chức. Lý Liên Kiệt tự hào là người đầu tiên lập một tổ chức từ thiện mà mọi người đều biết từng khoản đầu tư. “Đó là lý do chúng tôi ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ”, anh giải thích.

Của ít lòng nhiều

Ý tưởng lập One Foundation của Lý Liên Kiệt rất đơn giản, đó là tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Anh đặt tên tổ chức là “Quỹ một đồng” vì “Nếu mỗi tháng mỗi người đóng góp một nhân dân tệ thì chúng ta sẽ có rất nhiều tiền để giúp đỡ người bất hạnh, từ đó tạo thành “một gia đình lớn”. Lý Liên Kiệt nói: “Tôi không bao giờ xin tiền, nhưng tôi luôn xin tình bác ái”. Trong vụ động đất ở Tứ Xuyên, One Foundation quyên góp được 50 triệu NDT chỉ trong hai tuần.

Versace là nhà tài trợ mới nhất, sau các hãng phim Disney, Universal, hãng sản xuất xe thể thao Ferrari cùng nhiều cá nhân như cựu Thủ tướng Anh, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Cuối năm 2008, chủ tịch Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (China Merchant Bank) đã phát hành một loại thẻ tín dụng với lời kêu gọi chủ thẻ mỗi tháng đóng góp từ thiện 1, 11 hoặc 111 NDT (tùy lòng hảo tâm).

Dây chuyền nhà hàng “Vẻ đẹp phương Nam” của Tứ Xuyên cũng vận động mỗi thực khách đóng góp 1 NDT/bữa. Còn phải kể một công ty phim Trung Quốc ký hợp đồng 10 năm với Lý Liên Kiệt, theo đó mỗi khán giả đều giúp tiền khi xem một phim có anh diễn xuất. Xuất phẩm đầu tiên trong hợp đồng này là The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor mà anh vào vai phản diện Tần Thủy Hoàng, đóng chung với Brendan Fraser và Dương Tử Quỳnh.

“Virus tình yêu”

Một cách đóng góp khác cho One Foundation là gửi tin nhắn để tặng tiền. Nhờ hình thức này đến tháng 7/2008 One Foundation có 13, 7 triệu USD hoạt động từ thiện. Đó không phải là số tiền từ thiện lớn nhất ở Trung Quốc, vì doanh nhân bất động sản Zhu Mengyi trong 5 năm qua đã hiến tặng 160 triệu USD, nhưng One Foundation được đánh giá cao ở cách làm việc r?t chuyên nghiệp và minh bạch. Lý Liên Kiệt nói anh muốn điều hành tổ chức mình lập ra như “một công ty niêm yết”.

Lý Liên Kiệt còn kể trường đại học Harvard sau khi biết vì sao chỉ trong một năm One Foundation đã lớn mạnh. Họ gọi tổ chức này là một “virus tình yêu” có độ lây nhiễm rất cao. Lý Liên Kiệt tích cực gieo mầm yêu thương nơi đồng bào của anh. Anh nói: “Trước khi đất nước mở cửa, chúng tôi chỉ chú trọng cuộc sống tinh thần, sau đó, khi đã mở cửa làm ăn kinh tế với toàn thế giới, chúng tôi chỉ quan tâm đến cuộc sống vật chất. Đã đến lúc phải cân bằng giữa hai cuộc sống, để bảo tồn nét văn hóa Trung Hoa”.

Hồi đầu tháng 12/2008, Lý Liên Kiệt nói Trung Quốc sẵn sàng hoạt động từ thiện, tương thân tương trợ nhờ sự thịnh vượng, nhờ cải cách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nữ hướng dẫn viên du lịch ở Bắc Kinh tự hào: “Liên Kiệt luôn là người nhiệt tình đúng chất dân Bắc Kinh”. Cô cũng nói khi đóng phim ở quê nhà, anh luôn là người hùng, còn khi nhận lời diễn xuất trong phim Mỹ, anh luôn nhận vai kẻ ác. Làm từ thiện cũng là một cách để anh sống thật: một người sống kỷ luật, làm việc hết mình và sẵn sàng hy sinh.

Giã từ sự nghiệp?

Vì hoạt động của One Foundation, Lý Liên Kiệt cũng tạm ngưng đóng phim, trở thành một nhà hoạt động cứu trợ bác ái toàn thời gian và đi quyên góp không mệt mỏi. Anh nói: “Làm từ thiện nay là cuộc sống, là đam mê và là trach nhiệm của tôi. Vừa thức giấc là tôi nghĩ ngay đến công việc và nói về hoạt động này với bất kỳ ai muốn nghe”.

Lý Liên Kiệt mê võ thuật từ nhỏ, lúc 8 tuổi được chọn vào một lớp huấn luyện wushu và 11 tuổi anh đã đi biểu diễn thiện chí tại Mỹ năm 1974. Lúc đó Tổng thống Mỹ Richard Nixon hỏi đùa anh có muốn làm vệ sĩ cho ông hay không, Liên Kiệt đáp: “Cháu không muốn bảo vệ duy nhất một ai đó, chỉ muốn bảo vệ 1 tỷ đồng bào của cháu”.

Năm 12 tuổi, anh trở thành nhà vô địch quốc gia và giữ danh hiệu này suốt 4 năm kế tiếp, biểu diễn ở 45 nước trước khi mừng sinh nhật 18 tuổi. Năm sau anh đóng phim đầu tiên Thiếu Lâm Tự làm giới hâm mộ phải say mê. Lý Liên Kiệt bắt đầu có ảnh hưởng đến khán giả Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ với dòng phim võ thuật cổ trang.

Anh nổi tiếng ở Hollywood với bộ phim kinh điển Hoàng Phi Hồng, cùng với Dì mười ba, Quỷ Cước Thất... Loạt phim Phương Thế Ngọc, Hoàng Phi Hồng đưa anh lên đỉnh cao vinh quang, nhưng anh nói anh đóng phim chỉ để thoát cuộc đời khổ cực chứ không ham danh vọng.

Năm 2006, phim Hoắc Nguyên Giáp được xem như phim võ cuối cùng của anh. Lý Liên Kiệt thủ vai chính Hoắc Nguyên Giáp, một nhân vật có thật trong lịch sử đã lập Tinh Võ Môn, từng đánh bại các võ sĩ nước ngoài, khôi phục uy danh cho người Trung Quốc trong thời kỳ xã hội phong kiến tàn lụi.

Bộ phim Hollywood năm 2007 của Liên Kiệt là Cuộc chiến khốc liệt (War), đóng chung với nam tài tử Mỹ Jason Statham. Nhưng phim này chỉ đạt 23 triệu USD tiền vé, là phim doanh thu thấp nhất tại Mỹ của anh. Nhìn chung, các phim của Liên Kiệt không “ăn” tại Mỹ, ngoại trừ Romeo phải chết và Anh hùng.

Cuối năm 2007, Lý Liên Kiệt trở lại Trung Quốc tham gia bộ phim chiến tranh Đầu danh trạng (Warlord) cùng Lưu Đức Hoa, Kim Thành Vũ. Phim này thành công về doanh thu, giúp anh nhận giải nam chính hay nhất của giải thưởng điện ảnh Hồng Kông.

Trong giới nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng làm việc bác ái có Tom Hanks, nam diễn viên Holywood từng đoạt giải Oscar và Bono, cột trụ nhóm rock Ailen U2 đã thu thập rất nhiều các giải Grammy, Brit Award... Nhưng theo một số các nhà phân tích họ nay đều “thua” Lý Liên Kiệt ở khoản sống, khai thác sự nổi tiếng của mình chỉ để làm phúc giúp người khó khăn ngặt nghèo. Lý Liên Kiệt không còn là một người hung cơ bắp bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống và cống hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO