Phim Việt: Tù mù giải thưởng

CUNG KỲ| 25/09/2009 08:12

Mỗi lần phim Việt “xuất ngoại”, tin tức xuất hiện khá dày trên các phương tiện truyền thông, làm dấy lên bao hy vọng và cả... thất vọng...

Phim Việt: Tù mù giải thưởng

Mỗi lần phim Việt “xuất ngoại”, tin tức xuất hiện khá dày trên các phương tiện truyền thông, làm dấy lên bao hy vọng và cả... thất vọng. Thất vọng vì khi các nhà làm phim trở về, có giải thưởng thì... tù mù, mà không có giải thưởng thì cũng có bao điều để nói.

Danh hư

Các nhà làm phim VN tại LHP Bangkok 2008

Liên hoan phim Venice lần thứ 66 vừa kết thúc. Thông tin trên nhiều báo là phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Hãng phim Truyện I sản xuất với sự hợp tác của nhà sản xuất Pháp - Claire Agnès Lajourmand) đoạt giải của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Quốc tế (Fipresci Prize). Một tờ báo lớn còn đưa tin: Trong danh mục giải thưởng phụ của LHP, Chơi vơi đoạt giải Phim Orizzonti hay nhất và Giải của những nhà phê bình trong tuần do Liên đoàn Các nhà Phê bình Điện ảnh Quốc tế (Fipresci) bình chọn. Nghĩa là Chơi vơi có đến hai giải thưởng.

Khi hỏi những người trong đoàn, người thì nói giải thưởng này “tầm cỡ và hết sức quan trọng”, người khác khẳng định “tuy ở mức độ hẹp nhưng lại rất chuyên sâu”... Chẳng ai chịu giải thích cặn kẽ về giải thưởng. Thực tế, không đoạt giải thưởng trong hệ thống chính thức của LHP, nhưng Chơi vơi dành một trong hai giải thưởng FIPRESCI, được coi là giải thưởng quan trọng nhất trong hệ thống giải bên lề (Collateral Awards) tại LHP lâu đời nhất thế giới này. Tại LHP Venice năm nay, có khoảng 30 giải thưởng bên lề do nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau chọn trao tùy theo tiêu chí. Giải FIPRESCI cho Phim hay nhất ở hạng mục Venezia (phim tranh giải Sư tử Vàng) thuộc về phim Lourdes của Jessica Hausn. Chơi vơi dành giải FIPRESCI cho Phim hay nhất trong các phim ở hai hạng mục Orizzonti và International Critics’ Week.

Phim Việt xuất ngoại, buồn nhất là chuyện... nhập nhèm giải thưởng. Năm ngoái, bộ phim Chạy án 1 (22 tập, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình - Đài THVN) vừa được nhận cúp tại LHP Truyền hình Quốc tế Tokyo lần thứ hai, trên trang web của Đài THVN, một bài viết khá dài về “sự kiện” này, trong đó có nhận định “bộ phim vượt qua nhiều tác phẩm sáng giá để đoạt Giải đặc biệt” (!). Trở về từ LHP này, đạo diễn Vũ Hồng Sơn nói, giải đặc biệt nhưng... không có gì đặc biệt vì các nước tham dự đều được giải như nhau. Chạy án cùng với phim của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia đều được trao cúp ở hạng mục Invited Foreign Dramas (Phim nước ngoài được mời dự).

Hỏi đạo diễn Vũ Hồng Sơn về tên của giải thì đạo diễn không nhớ rõ, vì tên bằng tiếng Anh ghi trên cúp. Ông giải thích: “Người của Ban tổ chức đã sang VN tuyển chọn kỹ càng Chạy án 1 từ hơn 10 bộ phim của các hãng phim trong Nam, ngoài Bắc... Khi họ chọn phim đi dự LHP thì đã qua một hội đồng giám khảo chấm chặt chẽ và coi như phim có giải rồi”.

Không riêng Chạy án, chẳng hiểu do ai nghĩ ra mà trước đây cũng có những chữ “đặc biệt” đi kèm giải thưởng. Chẳng hạn, NSƯT Quốc Trị và NSND Như Quỳnh được các hãng phim của Hàn Quốc trao cúp thì người ta gọi là “cúp đặc biệt” hay “giải đặc biệt”. Năm 2007, các nhà báo được một phen tá hỏa khi trót đưa tin Áo lụa Hà Đông đoạt giải “Kim Kê Vàng” theo lời của nhà sản xuất sau khi trở về từ LHP Bách Hoa - Kim Kê (Trung Quốc). Nhưng giám đốc một hãng phim VN thông thạo tiếng Trung và từng dự LHP này thì cho đó chỉ là giải thưởng trong khuôn khổ một hội chợ phim chứ chẳng phải giải thưởng chính thức của LHP...

Tủi thân thật

Đạo diễn kiêm biên kịch Phan Đăng Di trở về từ LHP Cannes 2008, kể: Các phim dự thi được chiếu ở các rạp lớn và khán giả phải mặc lễ phục. Đích thân chủ tịch và giám đốc LHP đến bắt tay đón chào các nhà làm phim rất trang trọng. Phim Việt cũng có mặt ở LHP này tại Hội chợ phim Cannes (được coi là hội chợ phim lớn nhất thế giới) với một quầy hàng của Công ty BHD.

Đoàn phim Chơi Vơi tại LHP Venice

Trong khi đó, các nước Indonesia, Thái Lan..., ngoài gian hàng của các hãng phim tư nhân còn có gian hàng quảng bá điện ảnh của nước họ do nhà nước bỏ tiền đầu tư. Các gian hàng mang tính quốc gia này có nhiều hoạt động để thu hút khách tham dự hội chợ chú ý. Đó là cách quảng bá rất tốt hình ảnh quốc gia và nền điện ảnh của nước đó. Các nước có điều kiện còn tổ chức tiệc rượu và các hoạt động khác sao cho gian hàng của họ nổi bật nhất. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Công ty BHD trong việc tiếp thị phim Việt ở các hội chợ phim quốc tế, nhưng chỉ mình BHD thì chưa đủ.

Tại LHP Venice lần thứ 66 vừa diễn ra, vì điều kiện ngân sách eo hẹp nên bộ phim Chơi vơi không làm được nhiều phiên bản, và thậm chí không có thuyết minh bằng tiếng Ý để trình chiếu ở Venice. Trong khi các phim của Mỹ hay Pháp, để quảng cáo và làm tiếp thị cho phim, các công ty điện ảnh đưa các đoàn tổ chức chuyên nghiệp đến LHP này. Ở Pháp, tổ chức Unifrance giúp đỡ về tài chính để phim Pháp được trình chiếu ở nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ ở ta đến dự LHP quốc tế phải bỏ tiền túi, kể cả tiền vé máy bay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt: Tù mù giải thưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO