Olympic London 2012: Lễ khai mạc "rock" nhất lịch sử

P.DŨNG NGUYỄN| 31/07/2012 00:41

Hai đặc điểm nổi bật nhất của người Anh được thế giới công nhận là tính “phớt tỉnh Ăng-lê” và rất giỏi châm biếm. Với hai đức tính đó, họ đã cung ứng cho thế giới nhiều “thú tiêu khiển”.

Olympic London 2012: Lễ khai mạc

Hai đặc điểm nổi bật nhất của người Anh được thế giới công nhận là tính “phớt tỉnh Ăng-lê” và rất giỏi châm biếm. Với hai đức tính đó, họ đã cung ứng cho thế giới nhiều “thú tiêu khiển”.

Đọc E-paper

Những tên tuổi lẫy lừng như Charles Dickens, Lord Byron, Shakespeare, J.K. Rowling, The Beatles, Rolling Stones, Bee Gees, The Who... của văn chương và âm nhạc; hay những nhân vật điện ảnh đã đi xâu vào tâm trí mọi người như 007 James Bond, Mr. Bean, Harry Potter, Lord Voldermort...

Tất cả đã góp phần tạo nên một “thú tiêu khiển” thật ấn tượng bởi tài năng dàn dựng của tổng đạo diễn chương trình Danny Boyle trong lễ khai mạc Olympic London 2012.

Rất rock

“Lễ khai mạc là một nỗ lực khắc ghi hình ảnh mô tả tất cả chúng ta, những thành phần của một quốc gia, từ đâu đến và muốn tiến đến đâu. Nó sẽ khác hẳn lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 rất hoành tráng và rất tốn kém”, Danny Boyle đã từng giới thiệu tác phẩm của ông như thế.

Qua tài nghệ của nghệ sĩ 55 tuổi này, lễ khai mạc Olympic London 2012 – mang tên Isles of Wonder (Những hòn đảo kỳ diệu) - kéo dài 60 phút tốn kém hết 42,4 triệu USD với sự tham gia của 10.000 tình nguyện viên, 900 đứa trẻ, 12 con ngựa, 10 con gà, 9 con ngỗng, ba con bò, đàn cừu và những con chó chăn cừu, đã được xem là “Lễ khai mạc Olympic rock nhất trong lịch sử”.

Mà nó rock thật. Vì có đến 5 ca khúc rock được chọn làm ca khúc chính thức của Olympic lần thứ 30 này, mà nổi nhất là bài Good Morning to the night của Ngài Hiệp sĩ triều đình Anh Elton John và hai nghệ sĩ Úc hợp thành nhóm Pnau.

Hơn 10.000 vận động viên của 205 quốc gia đã diễu hành trong tiếng nhạc của những ban nhạc, nghệ sĩ tài danh trong lịch sử nhạc pop Anh, kể cả bài (I can’t get no) Satisfaction của Rolling Stones vừa mừng 50 năm sáng tác, đàn ca, ghi âm và du diễn của Bee Gees mà nay chỉ còn lại duy nhất một thành viên là Barry Gibb.

Không thiếu nhạc của Davie Bowie, một rocker lưỡng tính, cực kỳ hào nhoáng và rất tài hoa hồi những năm 1970 và tuyệt tác Bohemian Rhapsody của nhóm Queen.

Lắng tai nghe, bạn còn nhận ra được God save the Queen của nhóm Sex Pistols từng bị cấm phát thanh trên đài BBC hồi những năm 80. Và rồi một hiệp sĩ khác của Nữ hoàng, Ngài Paul McCartney đã đánh dấu phần cuối của lễ khai mạc với hai tuyệt tác của The Beatles năm xưa là The EndHey Jude.

Và rất cinema

Dán mắt vào màn ảnh, khán giả đã chứng kiến cảnh điệp viên 007 James Bond (thể hiện bởi tài tử Daniel Craig) ào vào điện Buckingham, bắt tay Nữ hoàng và sau đó, điều không tưởng đã xảy ra: qua một nữ cascadeur thế vai, người ta thấy Nữ hoàng Anh nhảy dù (thiết kế theo quốc kỳ Anh) xuống sân vận động Olympic ở Stratford, London.

Danny Boyle sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo tại Manchester. Bố của ông là công nhân nhà máy điện còn mẹ ông là nhân viên phục vụ ở quán cà phê. Đã có lúc Danny định đi học làm tu sĩ Công giáo để trốn cái nghèo mãi đeo bám.

Nhưng chỉ sau lần cùng các bạn cùng lớp đi xem đoàn Royal Shakespeare Company diễn vở kịch Richard II và lần đi xem phim A clockwork Orange của đạo diễn tài hoa Stanley Kubrick thì Danny đã khẳng định được sự nghiệp của mình thuộc về lãnh vực nào.

Danny miệt mài trau dồi tiếng Anh và kịch nghệ ở trường đại học và sau khi tốt nghiệp được vào làm trong Royal Shakespeare Company. Trong thập niên 1980, ông đã là Phó giám dốc nhà hát Royal Court Theatre ở London.

Một thập niên qua đi, Danny mò mẫm bước sang lãnh vực truyền hình rồi thử nghề đạo diễn phim màn ảnh lớn với tác phẩm đầu tay là phim hình sự đen Shallow grave châm chích lòng tham tiềm ẩn trong mỗi con người.

Khi anh và các cộng sự thực hiện phim này, họ đã phải bán sạch bàn ghế, tủ giường để có tiền đổ thêm vào số kinh phí hạn hẹn chỉ là 1,5 triệu USD. Vậy mà Shallow grave đã trở thành phim ăn khách nhất ở Anh năm 1995 đồng thời thu được 20 triệu USD từ các rạp chiếu phim ở nước ngoài.

Năm 1996, danh thơm của Danny Boyle được khẳng định khi phim Trainspotting nói về giới trẻ nghiện bạch phiến ở Edinburgh được các nhà phê bình phim tán dương và thu về được 72 triệu USD (kinh phí thực hiện chỉ là 2 triệu USD).

Một khi đã nổi tiếng thì Danny Boyle không thể không làm việc với Hollywood nhưng hai dự án phim kinh phí lớn mà anh thực hiện cho kinh đô điện ảnh Mỹ đều thất bại. Đó là phim hình sự hài A life less ordinary (với Ewan McGregor và Cameron Diaz) và The Beach (với tài tử đắt giá Leonardo Di Caprio).

Danny trở về Anh làm việc bên truyền hình, sống trong khu East London để rồi đến năm 2002 lại được nể trọng với phim kinh dị hốt bạc 28 days later.

Năm 2009, họ tên của anh được khắc khi vào lịch sử điện ảnh thế giới ở tư cách là đạo diễn của Slumdog millionaire, một phim vừa hốt bạc vừa hốt Oscar (tổng cộng 8 tượng vàng, trong đó có Oscar Đạo diễn và Oscar Phim xuất sắc nhất). Anh còn là đạo diễn phim 127 hours được 6 đề cử Oscar 2011 (gồm Phim, Kịch bản chuyển thể và Nam diễn viên xuất sắc nhất...).

Mặc áo vàng vô địch Tour de France 2012, tay cua-rơ người Anh Bradley Wiggins đã gõ vang tiếng chuông Olympic từ một quả chuông nặng 23 tấn, đúc từ chính cái lò sản xuất chuông lớn gắn trên tháp đồng hồ Clock Tower mà lâu nay vẫn quen được gọi là tháp Big Ben lẫn quả chuông đánh dấu sự khai sinh của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ cách nay 226 năm.

Ngọn lửa Olympic được đốt lên ở một bông hoa lớn với hơn 200 cánh hoa bằng đồng, tượng trưng cho hơn 200 quốc gia cử vận động viên đếm tranh tài trong suốt 17 ngày. Bảy tỷ mảnh giấy đủ màu được thả xuống từ trực thăng, đại diện cho 7 tỷ cư dân địa cầu cùng chung vui với lý tưởng thế vận hội Olympic.

Lễ khai mạc Olympic London 2012 thật hoành tráng và thật là rock. Nhờ có Danny Boyle. Ngày 20/10 tới, ông sẽ mừng sinh nhật thứ 56. “Tôi nhận việc một phần vì muốn làm vui lòng bố của tôi, một fan cuồng nhiệt của các kỳ thế vận hội” ông nói.

Bố của ông đã qua đời cách nay 18 tháng. Nếu còn sống thì vào ngày sinh nhật thứ 91 của mình trùng với ngày khai mạc Olympic, chắc chắn ông rất hãnh diện vì con trai đã trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới.

Ca khúc chính của Olympic London 2012 bị phê bình

Nhiều người Anh bất bình khi biết Survival của nhóm rock alternative Muse gồm ba nghệ sĩ quê ở vùng Devon đã được chọn làm ca khúc chính của Olympic London 2012. Bài này sẽ được sử dụng vào những lúc trao mề đai và những lúc thông tin chính thức kết quả các cuộc thi thố tài sức.

“Đi thi đấu Olympic chứ nào có phải xung phong ra chiến trường đâu mà lại khích lệ nhau chiến đấu, chiến thắng và sống sót” là nội dung chính của bản tin đầy chỉ trích gửi đến Ủy ban Tổ chức Olympic London 2012. Truy cập YouTube tìm nghe thử Survival dài hơn 5 phút thì bạn sẽ thấy vì sao có nhiều chỉ trích đến thế.

Tiếng hát của Matt Bellamy cất lên, thúc giục các vận động viên rằng, “It’s a race/And I’m gonna win…” (Đây là một cuộc đua và tôi sẽ thắng) và “reveal my strength to the whole human race” (tỏ lộ sức mạnh của tôi cho toàn thể nhân loại xem).

Đâu rồi khẩu hiệu hàng đầu của mỗi kỳ Olympic là “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” khi mà Muse kích động các vận động viên phải “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu” để “Chiến thắng! Chiến thắng! Chiến thắng!”. Có nhà phê bình chê Survival nghe như nhạc của… chủ nghĩa phát xít!? Vì Bellamy còn hát “I won’t forgive/Vengeance is mine” (Tôi sẽ không tha thứ/Tôi sẽ trả thù).

Trước làn song chỉ trích, Muse phân bua rằng ca từ của bài Survival chẳng qua mô tả sự quyết tâm và niềm tin vững mạnh vào chiến thắng ở cuộc thử sức đỉnh cao. Công bằng mà nói, việc soạn ca khúc chính cho những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh chưa bao giờ là việc làm đơn giản, nhận được nhiều lời khen và ít lời chê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Olympic London 2012: Lễ khai mạc "rock" nhất lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO