Nỗi khổ "con nhà nòi"

HOÀNG LÂM| 23/06/2016 06:21

Sinh trưởng trong cái nôi của nghệ thuật nhưng để theo được nghề, xa hơn là khẳng định được tên tuổi, khó khăn dường như sẽ nhiều hơn với những ai được xem là "con nhà nòi".

Nỗi khổ

Sinh trưởng trong cái nôi của nghệ thuật nhưng để theo được nghề, xa hơn là khẳng định được tên tuổi, khó khăn dường như sẽ nhiều hơn với những ai được xem là "con nhà nòi". Nhiều người đã không lựa chọn con đường nghệ thuật, nhưng đáng ngạc nhiên là sân khấu vẫn có khả năng "gọi" họ về.

Đọc E-paper

Đầu tháng 6, chương trình truyền hình thực tế Sao nối ngôi chính thức lên sóng. Đây là sân chơi của những "truyền nhân" của các gia đình có truyền thống nghệ thuật.

Họ thừa hưởng tài năng và truyền thống nghệ thuật của gia đình, có thực tài và có sẵn những mối quan hệ đủ để đưa họ bước lên sân khấu để khẳng định tài năng. Vậy mà, đến tận bây giờ, sự nổi tiếng, với họ, vẫn còn khá xa vời. Nghịch lý này không phải ai cũng có thể giải thích được.

Rào cản từ cuộc sống

Hoài Anh Kiệt sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh nổi tiếng với giọng hát mùi mẫn và cách hát đặc biệt không lẫn với ai, mẹ là nữ nghệ sĩ, đạo diễn Đỗ Quyên.

Từ bé, Anh Kiệt đã bộc lộ năng khiếu ca hát, năm 7 tuổi đã được Đài Truyền hình Cần Thơ mời quay hình cho một chương trình ca cổ. Tuy nhiên, ba mẹ lại không gửi Kiệt tham gia sinh hoạt văn nghệ thiếu nhi mà lại muốn anh dành nhiều thời gian cho việc học. Đến năm Anh Kiệt 17 tuổi, muốn đầu tư cho việc học của con nên Hoài Thanh - Đỗ Quyên đã gửi con sang Úc du học.

Xa cái nôi nghệ thuật truyền thống, ở Úc, lạ lùng là Kiệt vẫn nặng lòng với sân khấu. Anh là một trong những "cánh chim đầu đàn" của phong trào sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng sinh viên Việt Nam, không chỉ ca hát, anh còn tham gia dàn dựng, biên đạo cho các bạn trẻ diễn. Anh lập nhóm nhảy dành cho các du học sinh người Việt, và nhóm đã duy trì được hơn 5 năm.

Năm 2013, Anh Kiệt được Đài Truyền hình TVB chọn tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ Hong Kong trong chương trình quảng bá kênh này tại Úc...

Đáng tiếc, tất cả chỉ dừng lại ở đó bởi đời sống ở nước ngoài không thích hợp để phát triển sự nghiệp nghệ thuật. Cuộc sống của Anh Kiệt tại Úc lại khá vất vả, anh phải làm thêm một số việc như hậu kỳ, biên tập phim. Để thỏa mãn ước mơ, Anh Kiệt phải quay về Việt Nam, bắt đầu từ con số 0 ở lĩnh vực ca nhạc.

Chia sẻ về quyết định này của con, cặp đôi nghệ sĩ tài danh Hoài Thanh - Đỗ Quyên cho biết, họ mừng nhưng cũng buồn khi thấy con trai quyết theo nghề ca sĩ. Mừng vì có người nối nghiệp nhưng lại xót xa vì sợ Hoài Anh Kiệt phải đương đầu với nhiều khó khăn khi một mình trở về nước phát triển sự nghiệp.

Không bị gia đình cản trở nhưng Linh Tý - cái tên từng được xem là "thần đồng cải lương" - lại xa rời sân khấu vì mất phương hướng. Là con đầu lòng của đôi nghệ sĩ Linh Tâm - Cẩm Thu, anh đặt chân lên sân khấu từ năm 2 tuổi, được đào tạo bài bản ở Đoàn Đồng Ấu của nghệ sĩ Bạch Long. Anh đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng với các vở cải lương xã hội cũng như cổ trang.

Khi cải lương suy thoái, Linh Tý bén duyên với điện ảnh. Ngay vai diễn đầu tiên trong bộ phim truyền hình Giã từ dĩ vãng của đạo diễn Đinh Đức Liêm, anh đã tỏa sáng. Sau đó, anh lại thử sức ở lĩnh vực âm nhạc và sau này là sân khấu kịch.

Đáng tiếc, có quá nhiều lựa chọn nên Linh Tý dường như không biết phải đi theo con đường nào. Cộng với việc tuổi trẻ bồng bột, anh nghe theo lời bạn bè, ăn chơi, quậy phá và trượt dài... Mãi đến những năm gần đây, sau khi yên bề gia thất, anh mới bắt đầu tu sửa bản thân và quay lại sân khấu.

Tự kiếm đường riêng

Một trường hợp vất vả với nghề không kém là Lê Lộc - gương mặt trẻ của sân khấu kịch Phú Nhuận. Tuy là con nhà nòi, con gái của cặp đôi nổi tiếng một thời khắp các sân khấu Duy Phương - Lê Giang và là em ruột của diễn viên Duy Phước, nhưng con đường theo nghề của Lê Lộc không mấy suôn sẻ.

Ba mẹ ly dị khi Lê Lộc còn nhỏ, rồi ba cô cũng lập gia đình mới và phải bươn chải để mưu sinh nên không có nhiều thời gian quan tâm đến cô. Mẹ cô - diễn viên Lê Giang, cũng buồn bã nên bỏ cả sàn diễn, lâu lâu đến thăm con một lần.

"Ngày còn nhỏ, tôi đi theo ba diễn những vai trẻ con rồi từ đó quyết tâm theo nghề, tự kiếm con đường riêng, chủ yếu là học lóm ở các cô chú đồng nghiệp của ba", Lê Lộc tiết lộ.

Tương tự, với nghệ sĩ cải lương Bình Tinh, theo được nghiệp diễn cũng là cả một vấn đề. Bình Tinh kể, thuở nhỏ, khi cha mẹ đi diễn, cô thường đứng ở cánh gà xem các anh, chị diễn viên ca diễn rồi học lóm chứ không được dạy dỗ bài bản.

"Có một sự thật thường thấy trong các gia đình nghệ sĩ là cha mẹ thường bận rộn chỉ dạy cho các anh, chị nghệ sĩ lứa trên mình, đến khi mình lớn thì họ lại già mất rồi", Bình Tinh chia sẻ. Điều không may mắn của Bình Tinh là khi cô trưởng thành thì nghệ thuật cải lương cũng suy thoái, khán giả ít thấy Bình Tinh xuất hiện vì lẽ đó.

Vừa bị cản trở, vừa không được đào tạo, điều đáng trân trọng là những "truyền nhân" của sân khấu vẫn cố gắng bám trụ để làm nghề. Bởi với họ, sân khấu không chỉ là nơi kiếm sống mà còn giúp họ thỏa mãn đam mê. Vì điều này mà họ vẫn đang nỗ lực không ngừng để có thể khẳng định bản thân, nuôi giấc mơ đến ngày bước ra khỏi cái bóng của gia đình và tỏa sáng.

>Làm phim hài: Đất cho sáng tạo trẻ

>"Của hiếm" trên màn ảnh Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi khổ "con nhà nòi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO