Những cái tên bị quên lãng trong giới hội họa Paris

LÊ BẢN| 09/10/2016 06:42

Ngày nay tranh của các danh họa trường phái Ấn tượng, đặc biệt là Claude Monet, được ưa chuộng tại các sàn đấu giá quốc tế, thế nhưng trước khi họ xuất hiện thì đã có một thời thế giới hội họa ở Paris thuộc về nhiều họa sĩ mà nay gần như đã bị các nhà sưu tập lãng quên.

Những cái tên bị quên lãng trong giới hội họa Paris

Vào khoảng những năm 1890, khi một nhóm họa sĩ Pháp họp mặt trong một bữa tiệc tối tại tư gia một nhà buôn tranh có máu mặt ở Paris, họ đã thử đặt ra câu hỏi – giống như Nguyễn Du từng viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, đó là: “Một trăm năm sau, ai trong chúng ta sẽ được coi là họa sĩ vĩ đại nhất của hậu bán thế kỷ XIX?”.

Như mô tả của tác giả Lorenz Eitner trong cuốn sách Đại cương hội họa châu Âu thế kỷ XIX thì hai cái tên được đưa ra trong bữa tối đó là William-Adolphe Bouguereau (1825-1905) và Jean-Louis-Ernest Meissonier (1815-1891).

Thế nhưng hơn một thế kỷ sau, những gì chúng ta đang chứng kiến trên thị trường tác phẩm mỹ thuật thế giới cũng như trên các phương tiện truyền thông và cả sách mỹ thuật cho thấy tiên đoán nói trên hoàn toàn thiếu chính xác. Hai họa sĩ hàn lâm cổ điển William-Adolphe Bouguereau và Jean-Louis-Ernest Meissonier được biết đến hết sức khiêm tốn so với những đồng nghiệp của họ thuộc các trào lưu Ấn tượng và Hậu Ấn tượng.

Dù vậy, lời tiên đoán trong bữa tiệc tối đó không phải là vô căn cứ. Vào cuối thế kỷ XIX, Bouguereau và Meissonier là những siêu sao trong thế giới mỹ thuật mà trung tâm là thủ đô nước Pháp. Tên tuổi họ được biết rộng rãi khắp châu Âu và còn vượt qua Đại Tây Dương, tranh của họ từng được bán với giá cao, được đưa vào các bộ sưu tập danh giá của các nhà buôn tranh giàu có khắp thế giới.

Trong khi đó, các sách mỹ thuật được viết và in ngày nay gần như chỉ xưng tụng những tên tuổi được coi là những nhà tiên phong của các trào lưu mỹ thuật mới từ cuối thế kỷ XIX, từ Courbet và các họa sĩ hiện thực cho tới Monet và những bạn hữu của ông thuộc khuynh hướng Ấn tượng.

Các phong cách hội họa có thể là thời thượng, đến rồi đi trong lịch sử mỹ thuật, song cũng thật khó hiểu khi những biểu tượng một thời của hội họa phương Tây như Bouguereau và Meissonier lại nhanh chóng bị gạt ra rìa như vậy. William-Adolphe Bouguereau và Jean-Louis-Ernest Meissonier đã sống và sáng tác ra sao và vì đâu họ lỗi thời mau như vậy?

Truyền thống hội họa Pháp

Nếu như sự thành công của một họa sĩ ngày nay chủ yếu dựa trên thị trường tranh thì vào thế kỷ XIX tại Pháp điều đó được xác định bởi một thiết chế có tên là Viện Hàn lâm Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts) với 40 thành viên được bầu chọn hết sức nghiêm ngặt, gồm: 14 họa sĩ, 8 nhà điêu khắc, 8 kiến trúc sư, 4 nghệ sĩ chạm khắc và 6 nhà soạn nhạc. Họ có thể bảo thủ cũng như cách tân trong quan điểm nghệ thuật, song tổ chức của họ chỉ bầu thành viên mới khi có thành viên đương nhiệm qua đời.

Nhiều thành viên của Académie des Beaux-Arts mở các lớp dạy vẽ để hướng dẫn những người trẻ muốn trở thành sinh viên của Trường Mỹ thuật (École des Beaux-Arts) - cơ sở giáo dục mỹ thuật chính quy duy nhất tại Pháp lúc bấy giờ. Họ hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản của hội họa cho học viên để có thể thi vào École des Beaux-Arts vốn hết sức gắt gao trong tuyển sinh.

Sau khi tốt nghiệp ngôi trường danh giá này, trở thành họa sĩ không phải ai cũng có cơ may được triển lãm và bán tác phẩm. Bởi tranh của họ, trước khi được chọn để treo tại Salon – nơi diễn ra các triển lãm thường niên tại Paris, được công chúng thưởng lãm và được báo chí viết bài thì phải được duyệt và chọn bởi 40 thành viên của Académie des Beaux-Arts.

Ấy thế mà các ông bà viện sĩ của tổ chức nghệ thuật này không chỉ chọn tác phẩm trên cơ sở thẩm mỹ mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác, kể cả khuynh hướng chính trị của họa sĩ!

Từ truyền thống hội họa Pháp đó mà Bouguereau và Meissonier cũng như những người cùng thời với họ là Paul Delaroche, Alexandre Cabanel và Lawrence Alma-Tadema đã lớn lên, trở thành những họa sĩ thành công nhất lúc bấy giờ. Nhưng họ chỉ vẽ những gì được khách hàng của Salon ưa chuộng, nói cách khác, chính Salon chọn lựa đề tài tranh cho họ.

Thông thường họ vẽ về tầng lớp trung lưu, những người muốn hội họa của họ cũng giống như văn chương và sân khấu chuyển tải những giá trị đạo đức hay những xúc cảm nghệ thuật, thế thôi.

Hội họa được Salon tuyển chọn

Được coi là một trong những họa sĩ xuất sắc nhất vào thời đại của ông, Paul Delaroche (1797-1856) rất quen thuộc với những sự kiện lịch sử của nước Anh - một đề tài thời thượng lúc bấy giờ ở Pháp. Ông vẽ những bức tranh đầy kịch tính như Hoàng tử trong lâu đài (1831) và Cromwell ngắm thi hài của vua Charles đệ nhất (1831).

Năm 1834, bức Hành hình phu nhân Jane Grey (1833) khi được triển lãm đã gây bao xúc cảm khi mô tả cảnh hành quyết cô gái 16 tuổi - người bị các đao phủ bịt mắt trước khi chặt đầu chỉ 9 ngày sau khi lên ngôi nữ hoàng Anh – một trong những thảm kịch của triều đình Anh trong quá khứ.

Thời đó, Paul Delaroche còn được đánh giá cao hơn cả Jean-Auguste-Dominique Ingres và Eugène Delacroix - những họa sĩ mà ngày nay được vinh danh cao ngất trong lịch sử mỹ thuật phương Tây.

Napoléon đệ nhất – tranh của Jean-Louis-Ernest Meissonier

Napoléon đệ nhất – tranh của Jean-Louis-Ernest Meissonier

Tương tự như vậy, Jean-Louis-Ernest Meissonier trở nên nổi tiếng với những bức tranh mô tả thật chi tiết nhiều thời khắc của lịch sử, tranh của ông được công chúng thời bấy giờ xem như một loại thông tin.

Họa sĩ từng nói: “Sự hoàn thiện quyến rũ người xem”, điều đó lý giải vì sao ông đã phải du hành đến tận các chiến trường - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt để nghiên cứu từng ngọn cỏ, từng thân cây, từng viên đá… khi thực hiện loạt tranh Cuộc chiến tranh Napoléon.

Năm 1871, nhà phê bình mỹ thuật nổi danh người Anh John Ruskin đã bỏ ra 1.000 đồng guinea (tiền cổ của nước Anh) để mua một bức trong loạt tranh đó và chỉ hơn 10 năm sau đã bán được nó với giá gấp 6 lần khi mua.

Còn bức Cuirassiers vẽ những lính kỵ binh được bán với giá 10.000 bảng Anh, không lâu sau đó người mua tranh bán với giá 11.000 bảng, rồi tranh được bán lần nữa với giá 16.000 bảng.

Vào thế kỷ XIX, những mức giá này là khó tưởng tượng nổi. Thế nhưng chỉ một thế kỷ sau, cả tên tuổi cũng như giá tranh của Meissonier đều tuột dốc không phanh!

Nhưng câu chuyện thành công nhất là của Bouguereau - người đã hút hồn những anh nhà giàu mới, nhất là các tỷ phú Hoa Kỳ bên kia bờ đại dương, bởi các tác phẩm được hoàn thiện ở mức cao nhất với cảm xúc tột độ, thể hiện những huyền thoại gợi tình hay những chuyện ngụ ngôn, điển hình là bức Thần vệ nữ ra đời (1879).

Lấy cảm hứng từ tác phẩm Chiến thắng của Galatea được Raphael vẽ năm 1512, trong tranh của Bouguereau thường có hình ảnh những cô nàng khỏa thân gợi cảm, sau này trở thành hình mẫu của các xưởng vẽ tại Paris.

Là thành viên của Académie des Beaux-Arts và được trao tặng huân chương cao quý nhất là Bắc Đẩu bội tinh, Bouguereau từng tuyên bố: “Mỗi phút của tôi có giá 100 quan” để nói lên sự thành công của ông về mặt thị trường tranh lúc đó. Nhưng cũng giống như Meissonier, ngày hôm nay không còn nhiều người ưa thích tranh của Bouguereau.

Và có một sự thật: suốt cuộc đời mình, Bouguereau với vai trò quan trọng tại Académie des Beaux-Arts, ông đã quyết liệt chống lại việc triển lãm tranh của các họa sĩ Ấn tượng tại Salon.

Về phía ngược lại, từ Degas đến Van Gogh cũng như các họa sĩ tiền phong, “đổi mới” lúc đó đều coi thường các tác phẩm của Bouguereau mà họ cho là tẻ nhạt, ủy mị, xa rời cuộc sống.

Thần vệ nữ ra đời – tranh của William Adolphe Bouguereau

Thần vệ nữ ra đời – tranh của William Adolphe Bouguereau

Rồi các họa sĩ tiền phong cũng tìm được con đường riêng để tác phẩm của họ đến với công chúng mà không cần qua Salon; đến lúc đó thì vai trò của Académie des Beaux-Arts mờ nhạt dần và cáo chung. Tranh của Cézanne, Whistler, Manet, Monet, Pissarro… được ca ngợi và tôn vinh sau bao lần bị Salon từ khước.

Và khi tranh của các họa sĩ Ấn tượng được triển lãm tại vô số bảo tàng trên thế giới, được đưa ra các sàn đấu giá quan trọng nhất của thế kỷ XX thì tác phẩm của Bouguereau, Meissonier chìm vào quên lãng dù vẫn hiện diện trong một số bảo tàng mỹ thuật.

Liệu các họa sĩ hôm nay với những phong cách sáng tác mới, những hình thức diễn đạt mới hoặc các tác giả của nghệ thuật đương đại rồi sẽ làm một cuộc lật đổ tương tự, để sẽ đưa những Monet, Degas, Cézanne, Van Gogh, Gauguin vào quên lãng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cái tên bị quên lãng trong giới hội họa Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO