Ngoài sự hiểu biết, cần có một tấm lòng

VŨ LONG| 05/08/2008 01:34

Bộ phim Vòng nguyệt quế đang phát sóng trên VTV1 đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Điều đáng nói là trong rất nhiều bài viết đăng trên báo của những cây viết có tên tuổi, ngoài việc chỉ ra những chi tiết thiếu logic, cách xây dựng hình tượng nhân vật thiếu thực tế...

Ngoài sự hiểu biết, cần có một tấm lòng

Bộ phim Vòng nguyệt quế đang phát sóng trên VTV1 đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Điều đáng nói là trong rất nhiều bài viết đăng trên báo của những cây viết có tên tuổi, ngoài việc chỉ ra những chi tiết thiếu logic, cách xây dựng hình tượng nhân vật thiếu thực tế... thì những từ ngữ như “ngô nghê”, “thiếu hiểu biết”, “sáo rỗng”... đã được dùng để “phang” các nhà làm phim, đặc biệt là nhắm vào người biên kịch - một cây bút thuộc thế hệ 8X khá nổi tiếng trong làng văn xứ Bắc.

Cảnh trong phim Vòng nguyệt quế

Khoan xét về việc những chi tiết trong phim có thiếu logic thật sự hay không, nhân vật vì sao lại có những hành động và lời nói chẳng hợp với họ... thì sẽ thấy lời lẽ của một số nhà báo viết phê bình ở mảng văn hóa quả có điều đáng bàn. Người viết có thể không đồng ý với nội dung của bộ phim, với cách đặt vấn đề của các nhà làm phim... và viết bài phê bình, nhưng nói về tác phẩm của một người cầm bút khác mà dùng những từ ngữ như trên thì có nên không? Dường như viết là để chê bai (thậm chí là thóa mạ nhau) chứ không phải là để phê bình...

Các nhà làm phim cũng như người viết báo đều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Cùng xem một bộ phim, một cuốn sách... nhưng người này thích, người kia lại không. Cách cảm thụ nghệ thuật của người này khác người kia nên đừng nặng lời phê phán nhau.

Chi tiết anh công an nghe Thái đọc thơ rồi thả Thái ra được nhiều bài báo lấy làm dẫn chứng cho sự vô lý của phim khi xem những tập đầu. Nhưng đến tập 13 thì việc này đã được lý giải phần nào. Khi Thái bị gom về đồn lần thứ nhất là do anh lang thang ở đúng nơi có nhiều tệ nạn xã hội, lại không có giấy tờ trong người chứ Thái không hề phạm tội...

Cho dù Thái không đọc thơ thì anh cũng chẳng thể bị giữ ở đồn công an quá lâu. May cho Thái là gặp một anh công an mê thơ và việc bảo Thái đọc thơ cũng chỉ là việc làm bình thường của người yêu và hiểu biết về thơ. Có phải việc xây dựng nhân vật anh công an yêu thơ là không thực tế?... Trong cuộc sống, đôi khi lòng tin và trực giác có thể khiến người ta bỏ qua những luật lệ quy định... Thế mới là con người.

Chi tiết nhuận bút 11 triệu đồng cho một tập thơ cũng bị nhiều người cho là phóng đại. Không thể đánh giá tình cảm con người bằng tiền bạc. Quang và Thái là bạn. Quang yêu mến và nể phục tài năng của Thái nên sẵn sàng hy sinh cả tình yêu của mình cho bạn thì tiền bạc nào có ý nghĩa gì.

Việc bà bán sách rối rít chào hàng và khuyên Thái mua quyển sách đang bán chạy cũng như chê bai chính quyển thơ của Thái đúng là do cách diễn thái quá của diễn viên khiến người xem khó chịu... Tôi hay đi mua sách và cũng được người bán sách mời chào theo kiểu đó, nhưng tất nhiên là không quá “tích cực” như vậy.

Quả là theo cách nhìn nhận “truyền thống” thì con người và công việc của nhà văn luôn mang tính nhân văn cao cả. Không ít người cho rằng họ là những người có tâm hồn cao thượng, lối sống mẫu mực... Vì vậy, khi xem cảnh nhà văn trẻ Đông Bích cùng nhóm bạn nói về các nhà văn già (đại ý: Các bố ấy nghe đến tình dục là run như cầy sấy thì còn viết lách gì được nữa) rồi cùng nhau phá lên cười ở quán cà phê, một số khán giả cảm thấy khó chịu. Thái độ của những nhà văn, nhà thơ trẻ với quan niệm, lối suy nghĩ phóng khoáng, thẳng thắn... như trong phim rất dễ “đụng chạm” đến những người viết tự nhận hay được người khác đánh giá là “nghiêm túc”.

Cuộc sống của nhà văn không khác cuộc sống của con người bình thường, cũng đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố... Bằng tâm hồn nhạy cảm, phong phú và khát khao tình cảm, những người trẻ thường không ngại dấn thân. Có dấn thân nên có trả giá, nhiều hay ít, đắt hay rẻ tùy vào mỗi người và điều này được phản ánh trên trang viết. Có một thực tế không xa lạ với văn chương là khá nhiều cây bút nữ gây tiếng vang trên văn đàn không chỉ bằng tác phẩm mà còn bởi “hậu trường” cuộc sống riêng của họ có không ít trái ngang, trắc trở do chính họ tạo ra và lựa chọn...

Để cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật thì ngoài sự hiểu biết, còn cần một tấm lòng.

VŨ LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngoài sự hiểu biết, cần có một tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO