Nghịch lý cồng chiêng Tây Nguyên

Bài và ảnh: VĂN CÔNG HÙNG| 24/06/2009 08:51

Càng ngày người ta càng nhận rõ vai trò của cồng chiêng trong đời sống đồng bào Tây Nguyên. Chính môi trường sống này đã làm nên một không gian văn hóa cho cồng chiêng tồn tại và phát triển.

Nghịch lý cồng chiêng Tây Nguyên

Càng ngày người ta càng nhận rõ vai trò của cồng chiêng trong đời sống đồng bào Tây Nguyên. Chính môi trường sống này đã làm nên một không gian văn hóa cho cồng chiêng tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, không phải là không có những thách thức, thậm chí là thách thức quyết liệt đã và đang chờ đợi. Nên nhớ, một trong những tiêu chuẩn để UNESCO quyết định trao bằng kiệt tác văn hóa phi vật thể nhân loại cho một đối tượng là đối tượng ấy đang mất đi, sắp mất đi, sẽ vĩnh viễn mất đi, là độc nhất vô nhị, không được kế thừa, là một dạng động vật quý hiếm trong “sách đỏ”.

Vì thế, hy vọng sau khi nhận bằng công nhận của UNESCO Không gian văn hóa, cồng chiêng Tây Nguyên sẽ trở nên đủ đầy nhộn nhịp. Sẽ là không tưởng và phi lý khi bắt nó hòa nhập vào đời sống đương đại như một tất yếu, như một vật dụng thường ngày. Nó vẫn chỉ là nó thôi, với đời sống riêng, với giá trị đặc thù trong môi trường của nó. Tách ra khỏi môi trường, nó trở thành những vật dụng tùy theo ý thích sử dụng của từng người, nhưng...không phải là cồng chiêng.

Mừng mùa lúa mới

Chính nhờ được trao bằng công nhận mà người ta hiểu thêm vai trò, giá trị ủa cồng chiêng, người ta thấy cần phải làm một điều gì đó để bảo tồn nó, lưu giữ nó, trả nó về đúng giá trị, đúng môi trường để đáp ứng nhu cầu tự thân của người sử dụng và khả năng của nó. Đời sống hiện đại và tiện nghi hôm nay thách thức không chỉ cồng chiêng, mà tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống.

Nền văn minh kỹ trị buộc (và cũng khiến) con người trở nên lười biếng, từ vận động đến suy nghĩ vì đã có máy móc làm giúp. Nó khiến cồng chiêng và các giá trị văn hóa truyền thống lung lay, có nguy cơ biến mất hoặc thay đổi giá trị. Và điều ấy cũng cho thấy vai trò của văn hóa quan trọng như thế nào trong thời đại toàn cầu hóa này...

Vốn dĩ cồng chiêng do người Kinh và người Lào làm ra. Người Kinh dùng cồng chiêng để làm phèng la, nhưng khi đến với đồng bào Tây Nguyên thì nó đã mang trong mình một sứ mạng mới, thiêng liêng và giá trị tăng vọt.

Theo quan niệm vạn vật hữu linh của người Tây Nguyên, thì trong cồng chiêng có Yang. Yang cồng chiêng là một trong những vị Yang tồn tại gần gũi với người Tây Nguyên. Cồng chiêng giúp con người nói chuyện với thần linh, thỉnh cầu thần linh, thỏa mãn khát vọng khám phá, chinh phục và cả vượt qua nỗi tự ti cố hữu của con người.

Chỉnh tiếng cho cồng chiêng

Sự can thiệp của cồng chiêng vào đời sống con người Tây Nguyên như một ngôn ngữ “thông linh” giữa con người, thần thánh và giới siêu nhiên. Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là vật chất, nó còn là thế giới thần linh. Và cồng chiêng trở thành vừa là quyền lực vật chất, vừa là quyền lực tinh thần, thể hiện uy quyền của gia đình, dòng họ.

Đời sống hiện đại, không gian văn hóa cho cồng chiêng (mà chả cứ cồng chiêng) bị biến đổi rất nhiều. Người ta cứ báo động chuyện “chảy máu cồng chiêng”, nhưng làm thế nào để máu không chảy nữa thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Cứ nói chiêng là “vàng” rồi bảo người ta phải cất kỹ đi, nhưng khi dân còn đói thì hình như cách bảo tồn này chưa ổn.  Vậy nên, thông tin tỉnh Gia Lai chuẩn bị tổ chức Festival cồng chiêng cấp quốc tế (quý III/2009) khiến những người quan tâm vừa thấy yên lòng, vừa thấy tự hào tuy vẫn cứ... lo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý cồng chiêng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO