Mười năm nhớ Chóe

Họa sĩ TRẦN THU HÀ| 08/05/2013 08:05

Chóe là một cây hí họa danh tiếng quốc tế, là họa sĩ bán được nhiều: tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy dó. Ông còn viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc.

Mười năm nhớ Chóe

Chóe là một cây hí họa danh tiếng quốc tế, là họa sĩ bán được nhiều: tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy dó. Ông còn viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc.

Đọc E-paper

Khoảng cuối năm 1970, tôi gặp Chóe - Nguyễn Hải Chí lần đầu ở tòa soạn nhật báo Báo Đen ở đường Cống Quỳnh. Lúc đó Chóe vẽ hí họa cho vài tờ báo ở Sài Gòn. Mấy năm sau, Chóe trở thành cây bút hí họa có tiếng trên thế giới.

Phòng tranh Tự Do khai trương ngày 24/6/1989. Tháng 7/1989, chúng tôi mua 20 bức tranh lụa của Chóe. Đó là những bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập của Phòng tranh Tự Do.

Tranh lụa của Chóe rất khác với tranh lụa của đa số các họa sĩ miền Nam. Các họa sĩ miền Nam xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định trung thành với phong cách Lê Văn Đệ: trong trẻo, thơ mộng...

Vốn là một họa sĩ tự học, lại học rất nhanh và đã quen với bút pháp phóng khoáng của hí họa, nên Chóe vẽ tranh lụa cũng nhanh như khi Chóe vẽ hí họa, nét bút mạnh mẽ, dứt khoát với các mảng màu thoải mái. Có nhiều người cho rằng tranh lụa của Chóe không đúng với tranh lụa truyền thống Việt Nam.

Chóe cũng đồng ý với nhận xét trên. Ông cho rằng đây là cách vẽ riêng của ông. Tranh lụa của Chóe được các nhà sưu tập đặc biệt yêu thích và nhanh chóng trở thành "best seller" tại Phòng tranh Tự Do.

Về sau, Chóe vẽ thêm tranh giấy dó Việt Nam và giấy "sín chỉ” của Trung Quốc, theo phong cách tranh màu nước riêng của Chóe và tiếp tục được ưa chuộng.

Một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Chóe là bức "Phong cảnh cao nguyên" sáng tác năm 1965. Bức tranh này ông tặng người yêu và sau này trở thành người vợ chung thủy của ông.

Cuối năm 1989, ông mang đến Phòng tranh Tự Do bức "Mẹ gà con vịt" sáng tác năm 1989, mở đầu cho loạt tranh sơn dầu của Chóe, với bút pháp mạnh mẽ và phóng khoáng cố hữu của ông. Từ đó, tranh sơn dầu của ông được trưng bày thường xuyên ở Phòng tranh Tự Do và luôn được các nhà sưu tập ưa thích.

Ông cũng tổ chức và tham dự các triển lãm trong và ngoài nước. Ông vẽ nhiều bộ tranh theo chủ đề như: những Tổng thống Mỹ, những nhân vật Việt Nam, những phụ nữ Nobel...

Trong đó, đặc biệt có bộ Phụ nữ nước tôi bao gồm 10 bức hí họa. Ông vẽ bộ tranh này khi được mời tham dự cuộc triển lãm "Hí họa châu Á" tại Tokyo, Nhật Bản, năm 1995, gồm mười nước châu Á, mỗi nước một họa sĩ, mỗi họa sĩ mười bức.

Riêng nước chủ nhà Nhật Bản có bốn họa sĩ, mỗi họa sĩ tám bức. Sau Tokyo, cuộc triển lãm này được chuyển sang nhiều thành phố khác của Nhật và của các nước Đông Á trong các năm 1995 và 1996.

Chân dung văn nghệ sĩ bao gồm 28 tranh sơn dầu trên bố, sáng tác trong hai năm 2000 và 2001, là bộ tranh sơn dầu sau cùng của ông. Đây là bộ sưu tập của Phòng tranh Tự Do, đã được triển lãm năm 2006.

Trong triển lãm này có thêm hai bức ông vẽ từ trước, một tranh sơn dầu vẽ nhạc sĩ Trần Tiến và một tranh lụa vẽ ca sĩ Bảo Yến.

Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, họa sĩ Chóe tạ thế ngày 12/3/2003 tại Virginia, Hoa Kỳ. Mười năm đã trôi qua.

Nhớ thương ông và cũng để khán giả có cơ hội xem lại tác phẩm của ông, gia đình quyết định tổ chức triển lãm Tranh của Chóe, khai mạc vào sáng 4/5 tại Tự Do Gallery (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM).

Triển lãm đặc biệt giới thiệu hai bộ tranh "Phụ nữ nước tôi" và "Vision dÉté 1998" (Cảnh quan mùa Hạ 1998) thuộc sưu tập của gia đình và các bức tranh sơn dầu, tranh màu nước trên lụa, trên giấy dó của Chóe trong bộ sưu tập của Phòng tranh Tự Do.

Tuy đã triển lãm ở nước ngoài, nhưng hiện hai bộ tranh trên vẫn chưa triển lãm trong nước. Do vậy, triển lãm sẽ mang đến cho người hâm mộ tranh của Chóe cơ hội được thưởng lãm các tác phẩm độc đáo này của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mười năm nhớ Chóe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO