Làm phim Việt: Khó chồng lên khó

QUÝ YÊN thực hiện| 13/11/2012 03:35

Mới đây, bộ phim truyền hình Trái tim hoa hồng lên sóng VTV, đạo diễn Xuân Phước đã trải lòng về việc thực hiện tác phẩm mới nhất này, về những thách thức mà đội ngũ làm phim truyền hình Việt Nam phải đối mặt.

Làm phim Việt: Khó chồng lên khó

Với đội ngũ biên kịch phim truyền hình, Xuân Phước là đạo diễn chịu đi nhất. Trừ những trường hợp không cần thiết hoặc tác giả kịch bản không đề xuất, Xuân Phước luôn là người chủ động để thực hiện các cảnh quay mới, dù đó là bối cảnh ở nước ngoài. Mới đây, bộ phim truyền hình Trái tim hoa hồng lên sóng VTV, đạo diễn Xuân Phước đã trải lòng về việc thực hiện tác phẩm mới nhất này, về những thách thức mà đội ngũ làm phim truyền hình Việt Nam phải đối mặt.

Cảnh trong phim Trái tim hoa hồng
* Lại thêm một tác phẩm của mình được lên sóng, nếu tự đánh giá, đạo diễn thấy Trái tim hoa hồng thế nào so với các tác phẩm trước đó của mình?

- Tôi không quen so sánh những gì đang xảy ra với cái đã qua. Hiện tại tôi đang rất hài lòng với Trái tim hoa hồng. Phim lãng mạn và nhiều kịch tính để giữ chân người xem. Đội ngũ diễn viên lành nghề và đều nhau về sắc vóc lẫn khả năng diễn xuất.

* Nếu tính cả Trái tim hoa hồng thì hiện nay, phim truyền hình thuộc thể loại tâm lý xã hội đã có nhiều nghìn tập. Như vậy có thừa không, thưa đạo diễn?

- Tôi không phủ nhận thực tế là phim truyền hình hiện nay khủng hoảng thừa thể loại tâm lý xã hội. Đó là một thực tế mà không cần phải làm nghề cũng biết gốc rễ của chuyện này.

* Vậy theo đạo diễn, gốc rễ là do đâu?

- Nếu cho rằng phim tâm lý xã hội dễ làm cũng được mà khó cũng không sai. Trong các thể loại phim truyền hình thì tâm lý xã hội là loại phim có nhiều cái dễ như đạo diễn dễ thực hiện, diễn viên dễ diễn, người xem dễ đón nhận và nhất là kinh phí đầu tư "dễ thở" cho nhà sản xuất... nên loại phim này xuất hiện nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, làm phim lịch sử, phim hành động... tốn kinh phí hơn rất rất nhiều. Ở hoàn cảnh kinh tế lẫn trình độ làm phim hiện tại, người làm nghề như chúng tôi phải chấp nhận làm những cái dễ trước để nuôi... ước mơ về những dự án khó hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là mình buông xuôi. Ngay trong thể loại phim "dễ” như tâm lý xã hội, nếu chịu khó chăm chút, người làm nghề vẫn có thể tạo nên những món ăn tinh thần mới cho khán giả. Ví dụ, ngoài những vấn đề xã hội và kích tính của nó khiến người xem quan tâm, thực hiện những khung hình lạ cũng là cách níu chân khán giả...

* Làm sao có thể nói đến khung hình lạ khi mà các đoàn làm phim hiện nay đều áp dụng "công thức" Sài Gòn – Vũng Tàu – Đà Lạt?

- Kinh phí đầu tư cho mỗi tập phim truyền hình như hiện nay đi được ngoại cảnh là đã tốt rồi. Đoàn làm phim nào cũng vậy, ra khỏi "sân nhà” là bắt đầu "ngốn" chi phí sản xuất bởi từ cái nhỏ đến cái lớn đều phải thuê mướn. Cho nên các đoàn làm phim thường hay đi đến "chỗ quen" để tránh phát sinh chi phí.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, nếu chịu khó, vẫn có thể tìm được bối cảnh mới và hạn chế được chi phí phát sinh. Như việc tôi đưa đoàn làm phim xuống Bến Tre thực hiện bộ phim Lúa trổ bông chẳng hạn. Địa phương này có những bối cảnh tốt để quay mà chi phí vận chuyển, sinh hoạt... cho một đoàn làm phim đều ở mức dễ chấp nhận.

Đạo diễn Xuân Phước chỉ đạo diễn xuất

* Với những bộ phim đòi hỏi những cảnh quay ở nước ngoài thì sao, thưa đạo diễn?

- Ngày trước, để thể hiện nhân vật trong phim đang ở nước ngoài, các đạo diễn thường "ăn gian" bằng cách ghi hình nhân vật với trang phục như đang sống ở nước ngoài, nhưng ở trong phòng; sau đó chèn các cảnh quay phố xá ở trời Tây vào để giống giống như thật. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả về mặt hình ảnh. Tôi vẫn chủ trương ghi hình thật ở nước ngoài, nếu cảnh quay đó thực sự cần thiết.

* Trong bối cảnh làm phim theo kinh phí "khoán" cho đạo diễn như hiện nay, việc xuất ngoại quay phim liệu có phải là giải pháp tốt?

- Nếu muốn khán giả không chán thì đây là bài toán bắt buộc đạo diễn phải giải được, phải tính toán chi tiết về nhân lực, về kế hoạch làm việc... Như việc thuê chuyên viên trang điểm chẳng hạn, sang Mỹ, họ tính giờ làm mà quy ra tiền.

Anh em trong nước xuề xòa chờ nhau được chứ khi sang đất người, họ tính tiền sòng phẳng lắm. Mình trễ tiến độ là phát sinh thêm nhiều kinh phí.

Ở nước ngoài, tranh thủ lắm thì một tuần ghi hình được 1,5 tập phim. Do vậy, phải chuẩn bị trước nhiều thứ.

Ví dụ, khi ghi hình ở Thái Lan, tôi luôn làm việc trước với cảnh sát để khi mình sang ghi hình, không bị vướng mắc về thủ tục gây mất thời gian. Nói chung là mình sẽ có "lửa" thì tác phẩm của mình mới có cái mới, cái lạ thu hút người xem.

* Đã bao giờ đạo diễn lỗ vốn trong bài toán ấy?

- Có phim tôi cũng mất vài trăm triệu đồng, có phim "huề vốn" nhưng cũng có phim tôi được Tổ đãi. Quy ước là "khoán" chứ thực tế thì nhà sản xuất cũng đâu muốn đạo diễn lỗ trong cuộc chơi này.

Do đó, cũng có thể bàn luận, thương thảo với nhà sản xuất để có giải pháp tốt nhất cho đoàn. Làm nghề này ở Việt Nam, khó chồng lên khó nên phải cùng nhau cố gắng vậy!

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm phim Việt: Khó chồng lên khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO