Kịch bản chụp giật?

CUNG CẦU| 25/12/2009 08:38

Việc các đài truyền hình phát phim “xã hội hóa” nhưng nguồn gốc phim không rõ ràng, hoặc đối tác không đảm bảo các yêu cầu về tính pháp lý của sản phẩm, đang khiến tình trạng sản xuất phim vốn chưa chuyên nghiệp lại càng trở nên có hơi hướng... chụp giật.

Kịch bản chụp giật?

Việc các đài truyền hình phát phim “xã hội hóa” nhưng nguồn gốc phim không rõ ràng, hoặc đối tác không đảm bảo các yêu cầu về tính pháp lý của sản phẩm, đang khiến tình trạng sản xuất phim vốn chưa chuyên nghiệp lại càng trở nên có hơi hướng... chụp giật.

Mập mờ xuất xứ

Tình trạng mập mờ bản quyền khi VTV3 phát sóng bộ phim dài tập Tin vào điều không thể đã được nhiều báo nhắc đến. Trên giới thiệu mô tả (generic) của bộ phim chỉ đề “Tác giả chuyển thể: Vũ Thu Dung” mà không kèm theo bất kỳ thông tin nào về tác phẩm được chuyển thể.

Bộ phim Tin vào điều không thể vẫn nằm trong nghi án về bản quyền, nhưng VTV vẫn hợp tác với hãng phim K.H. Trong ảnh là một trong những tình huống trong phim Tin và điều không thể giống với phim Cám ơn anh đã yêu em

Trước đó, bộ phim mở đầu chương trình Rubic 8 phát trên VTV3 Người đàn bà thứ hai đề trên generic là nhóm tác giả Quỳnh Anh. Sau khi một đồng nghiệp của chúng tôi gọi điện đến hãng phim vì có sự nghi ngờ lời thoại và một số tình tiết mang hơi hướng phim Trung Quốc, các tập phim sau mới bổ sung ở cuối mỗi tập là phim chuyển thể từ kịch bản của Trung Quốc, nhưng không ghi kịch bản nào, của ai.

Báo chí cũng đã có bài viết phản ánh sự giống nhau giữa bộ phim Việt Nam Gió nghịch mùa (phát trên HTV7, kịch bản: Phạm Đào Uyên - Châu Thổ) và Khăn tay vàng (của Hàn Quốc, từng chiếu trên Đài Truyền hình TP.HCM vài năm trước). Bài báo chỉ rõ sự giống nhau về các tuyến nhân vật, từ nhân vật chính đến phụ, từ tính cách đến hành xử lẫn các mối quan hệ trong phim giữa hai bộ phim.

Quả là hiện tượng “copy” kịch bản hay cốt truyện nước ngoài để sản xuất phim "made in Vietnam" không ít. Đáng tiếc, có những đơn vị sản xuất có “truyền thống” làm phim kiểu này, mặc dù đã được báo chí cảnh báo. Mười tập kịch bản Tôi đi và em ở lại đã được chuyển tới Hội đồng Duyệt phim VTV và chuẩn bị đưa vào sản xuất. Kịch bản chỉ ghi chung chung: “Tác giả chuyển thể Vũ Thu Dung”, giống như trên generic của phim Tin vào điều không thể.

Hãng phim K.H có gửi giấy chứng nhận bản quyền là thỏa thuận mua bản quyền mấy truyện ngắn của Trung Quốc do CHIBOOKS xuất bản và coi đấy là bản quyền phim. Nhưng những ai đã đọc kịch bản này đều khẳng định: Chắc chắn đây là kịch bản “copy” từ phim nước ngoài.

Cũng không đợi các nhà biên tập phát hiện ra hơi hướng kịch bản ngoại khi đọc kịch bản, khán giả Việt Nam - những người đã xem quá nhiều phim Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có thể nhận biết bộ phim nào “vay mượn” kịch bản ngoại. Vì vậy, ngay cả khi phim đang phát sóng không giống một bộ phim ngoại nào đã phát sóng trên truyền hình thì họ vẫn có thể nhận biết đó là “hàng dỏm”. Hơn ai hết, khán giả đưa ra những nghi hoặc này để cùng nhau bàn luận. Trong điều kiện các diễn đàn về phim ảnh khá phong phú, bất kỳ một việc bất thường nào cũng đều có thể được mổ xẻ trên mạng.

Lằng nhằng tiền nong

Cách đây chưa lâu, một hãng phim ở TP.HCM gửi công văn đến Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về việc kênh Truyền hình VTC7 - Today TV không thanh toán tiền cho văn nghệ sĩ. Theo hợp đồng giữa hãng phim này và đơn vị hợp tác với VTC sản xuất chương trình cho kênh truyền hình VTC7 - Today TV, bộ phim truyện 18 tập do hãng phim sản xuất với đơn giá theo hai bên thỏa thuận là 3,42 tỷ đồng. Tháng 9/2008, hãng phim đã hoàn thành và giao phim cho đối tác theo đúng tiến độ nhưng cho đến nay, số tiền mà đối tác còn thiếu là 684 triệu đồng.

Không chỉ nợ quá hạn đối với hãng phim, đối tác này còn nhiều công nợ lớn với một số nhà sản xuất khác. Tại Hà Nội, số tiền nợ quá hạn của đơn vị mua bản quyền sản xuất các chương trình trên kênh VTC7 với Công ty TNHH Quảng cáo Nhật Minh là 3,92 tỷ đồng, theo hợp đồng bán bản quyền phim truyền hình nước ngoài và sản xuất Bản tin thời tiết.

Nhật Minh đã đầu tư trường quay để sản xuất chương trình và ký hợp đồng với các thành phần tham gia, nhưng vì đơn vị này không thanh toán thù lao nên chương trình chỉ sản xuất chưa đầy một năm thì ngưng hẳn. Đáng buồn là đơn vị mua bản quyền sản xuất kênh truyền hình nói trên có khá nhiều công ty tên tuổi ở TP.HCM tham gia cổ phần, cả những “đại gia” trong ngành truyền thông.

Phủi tay?

Một số đài truyền hình đã chọn giải pháp “mũ ni che tai” khi có dư luận nghi ngờ về bản quyền, hay sự không đàng hoàng của một hãng phim là đối tác sản xuất chương trình theo phương thức xã hội hóa. Ngay cả khi báo chí đem những nghi hoặc này ra mổ xẻ, “nhà đài” vẫn... im lặng.

Còn trách nhiệm của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đơn vị hợp tác với công ty sản xuất các chương trình trên kênh VTC7, ra sao? Trao đổi qua điện thoại với một vị có chức sắc ở Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là một đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty), vị này cho rằng, việc giải quyết công nợ với phía đối tác thuộc trách nhiệm của bên ký hợp đồng mua bản quyền chương trình: “Chúng tôi chỉ kiểm duyệt nội dung, chứ làm sao biết đơn vị hợp tác mua bản quyền của đơn vị nào”.

Theo vị này, khi chương trình đang phát sóng, có chứng cứ cho rằng, đơn vị cung cấp chương trình vi phạm bản quyền thì đài cho kiểm tra và dừng ngay chương trình đó. Còn khi chương trình đã phát rồi thì... không còn làm gì được nữa. Lý do này chưa thuyết phục, vì theo thỏa thuận giữa đơn vị mua bản quyền kênh VTC7 với VTC, khi nhà sản xuất chuyển chương trình về VTC để thẩm định trước lúc phát sóng, họ đã cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ về bản quyền và chi phí sản xuất.

Đã đến lúc cần cảnh báo về việc sản xuất các chương trình truyền hình qua nhiều trung gian, gây nên không ít những bất cập. Đơn vị hợp tác với các đài truyền hình để sản xuất chương trình cung cấp cho cả một kênh sóng trong hàng chục giờ, nhưng lại chưa hề sản xuất một chương trình truyền hình nào.

Nhà đài khẳng định, đối tác “có năng lực thì mới hợp tác”, nhưng khi doanh thu quảng cáo sụt giảm, các đối tác góp vốn không có trách nhiệm với chương trình phát sóng, để công nợ kéo dài. Nhà đài cũng không thể phủi tay khi chương trình đã phát sóng trên đài không đảm bảo những nội dung như đơn vị hợp tác đã cam kết. Vì kênh sóng là của nhà đài, về danh nghĩa thì các đối tác liên kết với đài để sản xuất chương trình. Trong trường hợp này, các đài truyền hình là bên có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kịch bản chụp giật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO