Khoa học không khô khan

AN SƠN| 18/11/2014 02:29

Chỉ là cuộc trao đổi ngắn nhưng cũng đủ trao cho các bạn trẻ chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đến với những tập sách khoa học vốn được xem là ít có khả năng hấp dẫn số đông độc giả.

Khoa học không khô khan

Ngày 4/11, Viện Pháp tại TP.HCM, NXB Trẻ và Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) đã tổ chức buổi tọa đàm giữa dịch giả - nhà vật lý học Phạm Văn Thiều với các bạn trẻ tại Thư viện đa phương tiện của IDECAF, nhân dịp cuốn sách Khát vọng tới cái vô hạn (tên tiếng Pháp: Désir dinfini) của nhà vật lý - thiên văn học Trịnh Xuân Thuận ra mắt bản tiếng Việt. Chỉ là cuộc trao đổi ngắn nhưng cũng đủ trao cho các bạn trẻ chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đến với những tập sách khoa học vốn được xem là ít có khả năng hấp dẫn số đông độc giả.

Đọc E-paper

Trước Khát vọng tới cái vô hạn, nhà vật lý - thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã có khá nhiều sách được phát hành tại Việt Nam, như: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Và con người đã tạo ra vũ trụ, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Những con đường của ánh sáng... Sự đón nhận những tác phẩm này của bạn đọc đã phần nào chứng minh sức hấp dẫn của những cuốn sách khoa học khô khan.

Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về sự hình thành của các thiên hà. Tháng 4 vừa qua, ông đã được nhận Huân chương Bắc Đẩu bội tinh theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp François Hollande. Đây là huân chương danh giá nhất của nước Pháp, được Hoàng đế Napoléon Bonaparte công nhận năm 1802.

Trong cuốn sách mới ra mắt ở Việt Nam, nhà thiên văn học đã đưa bạn đọc du hành trong thế giới của vô hạn, từ thế giới của cái nhỏ nhất đến thế giới của cái lớn nhất, và cho biết bằng cách nào những thắc mắc hết sức bình thường đã dẫn đến những khám phá vĩ đại nhất của nhân loại.

Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của những cuốn sách của Trịnh Xuân Thuận? Theo dịch giả Phạm Văn Thiều, những tác phẩm của ông bao giờ cũng đề cập những câu hỏi mà con người luôn trăn trở từ lúc mới bắt đầu có mặt trên Trái đất.

Trịnh Xuân Thuận sinh tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp tại Viện Kỹ thuật California (Caltech) và Đại học Princeton, Mỹ, nơi ông hoàn thành luận án tiến sĩ về vật lý thiên văn học.

Từ năm 1976, ông giảng dạy tại Đại học Virginie. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga do UNESCO trao tặng và năm 2012 nhận giải thưởng quốc tế của Quỹ Simone và Cino del Duca dành cho các tác phẩm nghiên cứu về khoa học viết bằng tiếng Pháp.

Theo dịch giả Phạm Văn Thiều, Trịnh Xuân Thuận xem mình là sản phẩm hợp lưu của 3 nền văn hóa: Mỹ, Pháp và Việt Nam mà tiêu biểu là văn hóa Phật giáo.

Những câu hỏi đã có từ lâu, nhưng phải đến thế kỷ XX, khi vật lý hiện đại và có những công cụ cho phép con người đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Trong các tác phẩm của mình, Trịnh Xuân Thuận chú trọng việc sử dụng ngôn ngữ và cách thức thể hiện. Hầu hết các tác phẩm của ông đều giàu chất văn học, được thể hiện bằng tiếng Pháp nhuần nhuyễn và bay bổng.

Rải rác trong tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận có sự suy tư về triết học rất ý vị, nhất là đối với bạn đọc lớn tuổi. Đặc biệt, ông luôn tìm ra sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học hiện đại. Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thuận thường dùng những ví dụ trong nghệ thuật, nhất là hội họa.

Ông nắm rất vững kỹ thuật, thành tựu cũng như tư tưởng của các trường phái ấn tượng của Pháp, những trường phái hội họa châu Âu hay những ý tưởng của các nhà văn hiện đại.

Cũng theo dịch giả Phạm Văn Thiều, trong tác phẩm của mình, Trịnh Xuân Thuận đã đưa ra những định luật hay dữ liệu khoa học, tất cả đều chính xác bởi ông là người nghiên cứu khoa học. Chính những đặc điểm đó giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận dù chúng không dành cho số đông.

Bên cạnh việc chia sẻ những đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận, dịch giả Phạm Văn Thiều còn cho biết, sắp tới, một tác phẩm khác cũng rất giàu chất văn học của Trịnh Xuân Thuận sẽ được ra mắt, đó là cuốn Vũ trụ là một bài thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khoa học không khô khan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO