Hồn Việt trong xiếc

NGUYỄN HỒ| 24/07/2013 04:17

Gần đây, người ta nói đến một chương trình xiếc trong danh sách "phải xem" khi đặt chân đến Sài Gòn. Chương trình diễn mỗi tháng một tuần này ở Nhà hát Thành phố đã thu hút được đông đảo khán giả đủ mọi thành phần và độ tuổi trong xã hội...

Hồn Việt trong xiếc

Gần đây, người ta nói đến một chương trình xiếc trong danh sách "phải xem" khi đặt chân đến Sài Gòn. Chương trình diễn mỗi tháng một tuần này ở Nhà hát Thành phố đã thu hút được đông đảo khán giả đủ mọi thành phần và độ tuổi trong xã hội...

Đọc E-paper

Khi khán giả bước vào nhà hát vào cuối buổi chiều, phố xá vẫn chưa kịp lên đèn, và khi kết thúc show diễn khán giả vẫn còn kịp lang thang ngắm phố xá Sài Gòn buổi đêm là cách À Ố Show chọn thời gian biểu diễn của mình để không làm khó người xem.

Khán giả được dẫn từ những cảnh sinh hoạt quen thuộc của người dân vùng Nam Trung bộ, rồi dần tiến vào Sài Gòn và miền Tây Nam bộ một cách tự nhiên. Những chiếc thúng, chiếc thuyền độc mộc đã từ miền quê theo chân những người bạn diễn lên sân khấu.

Chúng mang theo nhịp dập dềnh của sóng biển, mang những âm thanh sàng sảy quen thuộc của những dụng cụ tre nứa ngày xưa và vang lên trong nhà hát của một đô thành tráng lệ.

Được biết đến như là "đứa em" của Làng tôi (vở kịch xiếc Việt Nam đầu tiên chu du thế giới trong 3 năm), À Ố Show là một dạng xiếc mới đậm chất Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm thứ 2 của sự hợp tác giữa các nghệ sĩ: Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP.HCM, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức), hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Lân - Nguyễn Nhất Lý (lúc bấy giờ Nguyễn Lân là Giám đốc Nội dung đào tạo Trường Nghệ thuật xiếc TP. Chambéry, Pháp; còn Nguyễn Nhất Lý là Chủ tịch Hội đoàn Art-Ensemble, Pháp) và Nguyễn Tấn Lộc (biên đạo múa). Vở được trình diễn ở Nhà hát Thành phố và Nhà hát Quân đội TP.HCM.
Trong kế hoạch, năm 2014, À Ố Show sẽ mang hồn Việt đến với những người Việt xa xứ và khán giả nước ngoài.

Những cảnh sinh hoạt đời thường thật dân dã với ánh đèn dầu đang dần biến mất bỗng trở lại giữa chốn phồn hoa thật lung linh. Để rồi cả không gian bỗng trở nên yên lặng. Những hoạt cảnh bỗng lùi xa, những cảnh sinh hoạt lại nhường cho tiếng đàn, tiếng hát.

Tiếng đờn kìm như quấn quýt lấy giọng ca trong trẻo cất lên giữa không gian Nhà hát Thành phố. Khi nghệ sĩ chấm dứt bài vọng cổ thì không gian như chìm xuống, khán giả lặng đi rồi bỗng vỡ òa theo tiếng vỗ tay. Ca khúc như cơn mưa rào giữa tiết trời nóng bức của Sài Gòn, xua đi cơn khát và nỗi nhớ vọng cổ, nhớ tiềng đờn kìm âm ỉ trong tôi.

Với những người đã quen thuộc với nhịp sống Sài Gòn, hay những người lớn lên giữa chốn thị dân thì những hình ảnh đó thật quen thuộc, quen thuộc như đờn ca tài tử với người dân miệt vùng sông nước, như những gì nguyên sơ của một thời thơ ấu đã quay về.

Phải chăng đó là những hình ảnh đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của những người Việt xa xứ? Phải chăng đó là một phần hồn Việt trong muôn vàn phần hồn Việt khác mà những người con Việt mang theo mình khi đi xa?

Và phải chăng, đó cũng là những hình ảnh, những điều giản dị, mộc mạc đậm chất Việt mà những người bạn đến từ phương xa muốn tìm đến khi đặt chân lên đất nước hình chữ S này?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồn Việt trong xiếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO