Hành trình đi tìm thủ bút

XUÂN LỘC/DNSGCT| 24/10/2012 03:40

Sách của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời đã quý, trên sách có thủ bút (chữ viết tay) của tác giả lại càng quý hơn.

Hành trình đi tìm thủ bút

Sách của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng một thời đã quý, trên sách có thủ bút (chữ viết tay) của tác giả lại càng quý hơn. Vì vậy, thủ bút là một thú sưu tầm rất có giá trị đối với người yêu sách xưa từ trước đến nay.

Đọc E-paper

Từ tìm sách có thủ bút

Thủ bút của Lưu Trọng Lư

Với người sưu tầm sách xưa, không gì “sướng” bằng có duyên mua được quyển sách có thủ bút hiếm. Vì thủ bút trên sách thường làm cho cuốn sách chắc chắn là độc bản.

Theo đó, giá trị của cuốn sách cũng tăng lên. Thủ bút trên sách thường là lời đề tặng kèm theo chữ ký của tác giả, như lời đề tặng và chữ ký của nhà văn Nhất Linh cho bà Nguyễn Thư Nữ trên báo Văn hóa Ngày nay, chữ ký của nhà văn Nguyễn Văn Tố trên tập Kỷ yếu Hội Trí Tri (năm 1946)…

Anh Hoàng Minh, một trong những người có bộ sưu tập sách xưa và thủ bút “hoành tráng” nhất TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tên tác giả và người được tặng sách càng nổi tiếng thì thủ bút càng có giá trị”.

Hiện anh đang sở hữu nhiều thủ bút có giá trị như thủ bút của học giả Đào Duy Anh dành tặng cho nhà báo, nhà văn Phan Văn Hùm trên tác phẩm Cột đồng Mã Viện (năm 1944) với nội dung: “Tặng ông bạn Phan Văn Hùm với lòng thân ái…” hay thủ bút của tác giả Nhượng Tống tặng Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố với sự trân trọng: “Kính tặng Nguyễn Văn Tố tiên sinh”…

Đặc biệt hơn nữa là thủ bút của hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân trên cuốn Thi nhân Việt Nam bản đầu tiên (năm 1942). Người sưu tầm rất hiếm thấy thủ bút của hai tác giả này trên cùng một cuốn sách.

Mặt khác, theo anh Vũ Hà Tuệ, một kiến trúc sư trẻ mê sưu tầm sách, thành viên Câu lạc bộ http://www.sachxua.net, thì thủ bút trên sách tạo một sự liên kết kỳ lạ giữa người đọc và tác giả, thể hiện rất rõ qua các bản thảo viết tay. Dù đã thuộc lòng bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên nhưng khi tình cờ mua được bản chép tay bài thơ này, anh có cảm giác gần gũi tác giả đến lạ.

Cảm giác khi cầm trên tay tập bản thảo chép tay tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng vậy. Hình ảnh của nhà văn như hiển hiện một cách sống động qua từng con chữ. Dường như có một sự kết nối vô hình giữa người viết và người đang gìn giữ cuốn sách, không còn khoảng cách về không gian và thời gian.

Thủ bút của Hồ Biểu Chánh

Thú sưu tập thủ bút không chỉ dừng ở sách có lời đề tặng và bản thảo viết tay mà còn chữ viết trên bưu thiếp, một tờ giấy xé vội từ một quyển sổ, những lời ghi chú về nội dung hay một phát hiện bất chợt được ghi lại và nhét vội vào một cuốn sách nào đó, người sưu tầm sau này phải có duyên mới tìm được.

Trong đó không thể không kể đến bút tích của nhà văn Thế Lữ trên tác phẩm Lôi Vũ do Đặng Thai Mai dịch, nằm trong bộ sưu tập thủ bút của anh Vũ Hà Tuệ. Cuốn sách này được Đặng Thai Mai đề tặng Thế Lữ vào năm 1958.

Trong các trang sách, Thế Lữ đã sửa rất nhiều lỗi vì cho rằng Đặng Thai Mai dịch không chính xác. Ngoài ra, ông còn ghi lại phần sửa lỗi trên một tấm giấy ghi chú và kẹp vào cuốn sách.

Giới sưu tầm cho rằng, không hẳn tác giả càng nổi tiếng thì thủ bút càng quý hiếm. Thủ bút của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Phùng Quán… không hiếm vì bút tích của họ còn lưu lại rất nhiều.

Thủ bút của các tác giả Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng… cũng quý nhưng vẫn tìm được. Chỉ có bút tích của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Bích Khê, Nam Cao, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu… được cho là rất hiếm.

Nhà sưu tập Hoàng Minh may mắn có được chữ viết của nhà thơ Bích Khê trên lá thư mừng đám cưới bạn. Sinh thời, nhà thơ sống khuất nẻo ở Thu Xà (Quảng Ngãi), chỉ giao lưu thư từ với những bạn thơ trong phạm vi hẹp. Sách của ông chỉ có tập Tinh huyết (năm 1939). Ông mất khi còn rất trẻ (năm 30 tuổi) nên thủ bút ông rất hiếm.

Đến phát hiện những điều thú vị từ thủ bút

Cũng như anh Vũ Hà Tuệ, nhiều người sưu tầm sách trong Câu lạc bộ http://www.sachxua.net đều cho rằng đọc và cảm nhận vài câu chữ để lại trên sách từ mấy chục năm trước là một điều vô cùng thú vị. Những kỷ niệm, tình cảm của tác giả thể hiện rất đa dạng.

Thủ bút của Đặng Thai Mai

Có khi thanh nhã như bút tích của nhà văn Hồ Biểu Chánh tặng con trai Di Thuấn trên cuốn Một chữ tình với hai câu thơ: “Ái tình giống quý muôn đời/Gieo trên nhân nghĩa tốt tươi hoài hoài”. Cũng có khi thể hiện một chút “ngang tàng” như thủ bút của nhà thơ Lưu Trọng Lư trên cuốn hồi ký Nửa đêm sực tỉnh: “Sách hết rồi, còn một quyển viết tặng Tân Nhân, xin lấy lại tặng anh Châu Tân, Nhân sẽ có bản khác. Xin lỗi cả hai người”.

Từ thủ bút, người yêu sách xưa thường hào hứng tham gia vào hành trình đi tìm những thông tin về thời gian, không gian có liên quan đến với tác giả hoặc người được tặng sách. Trên cuốn sách Cột đồng Mã Viện, ngay bên cạnh thủ bút của Đào Duy Anh, người được tặng Phan Văn Hùm ghi lại: “Tân Uyên, 1944”.

Sau quá trình tìm hiểu, Hoàng Minh cho biết thời điểm này Phan Văn Hùm đang bị chính quyền thực dân Pháp quản thúc ở Tân Uyên, Bình Dương và sách của Đào Duy Anh được gởi từ Huế vào cho bạn của ông. Đôi khi, việc tìm hiểu về người được tặng sách cũng là một cái duyên.

Vũ Hà Tuệ kể anh từng rất tò mò về một người tên Nguyễn Tài Thức, được tác giả Vũ Trọng Phụng đề tặng trên thẻ nhà báo lẫn tác phẩm Giông tố của nhà văn này (hiện nằm trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Hữu Triết). Nhưng tất cả tài liệu anh biết đều không có thông tin về người này.

Tình cờ, anh lại bắt gặp lời đề tặng của Kiều Thanh Quế tặng Đông Chi Nguyễn Tài Thức trên một cuốn phê bình văn học. Từ cái tên Đông Chi, anh Tuệ mới tìm hiểu và phát hiện ra nhân vật này là một nhà báo có tiếng ở Sài Gòn vào những năm 1930, từng đánh giá rất cao tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thời ấy.

Quả thật, thú chơi thủ bút giống như một hành trình đi tìm lại những hình bóng đã từng hiện hữu một thời. Quá trình ấy có thể mất nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả là người sưu tầm sẽ có những khám phá vô cùng thú vị về những nhà văn, nhà thơ mà mình yêu mến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình đi tìm thủ bút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO