Giọng hát Việt nhí bơi trong thử thách

HỒ HUY SƠN| 07/08/2013 01:04

So với năm 2011, các thí sinh nhí ở cuộc thi Đồ Rê Mí phải thi những nội dung mà người lớn đôi khi còn e ngại...

Giọng hát Việt nhí bơi trong thử thách

So với năm 2011, các thí sinh nhí ở cuộc thi Đồ Rê Mí phải thi những nội dung mà người lớn đôi khi còn e ngại: hát nhạc kịch, nhạc quốc tế, thì chương trình Đồ Rê Mí 2013 đã có sự chuyển biến rõ rệt khi chủ trương đặt sự trong sáng, hồn nhiên của các em lên hàng đầu. Nhưng sự lo lắng lại được chuyển sang Giọng hát Việt nhí, chương trình được mua bản quyền của nước ngoài và đang phát sóng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Đọc E-paper

>>Kinh nghiệm xây dựng văn hóa đọc
>>
Định nghĩa lại "văn hóa đọc"
>>
Nghệ thuật nản chí
>>
Làm phê bình, nhất thiết phải có tấm lòng

Các thí sinh trong chương trình

Lý do là vì các em phải đối diện với những thử thách hoàn toàn không... nhí! Bởi những ca khúc mà các em buộc phải thể hiện từng được các thí sinh lớn tuổi mang dự thi ở những cuộc thi ca hát khác và số người rớt không phải là ít.

Áo rộng hơn người

Liveshow thứ hai vừa diễn ra vào tối ngày 3/8 được mở màn bằng ca khúc Giọt sương và chiếc lá của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, một trong bốn huấn luyện viên (HLV) của chương trình năm nay.

Ca khúc do ba thí sinh đã phải rời cuộc chơi là Chi Mai, Phương Anh và Quỳnh Như thể hiện. Dù không còn chịu áp lực thi cử nhưng chỉ sau vài câu hát, cô bé Chi Mai bất ngờ "đứng hình" vì quên lời.

Đây có lẽ là dẫn chứng sinh động nhất về việc các em phải khoác lên mình chiếc áo quá rộng, là những bài hát không phù hợp với lứa tuổi của mình. Bởi vì ai cũng biết, bài hát có tiết tấu rộn ràng, tươi vui ấy không đơn thuần chỉ là câu chuyện giữa giọt sương và chiếc lá, mà còn là một ẩn dụ về tình yêu đôi lứa.

Bước vào phần thi chính, dù được các HLV "khen lấy khen để” nhưng khán giả vẫn không khó nhận ra sự "quá sức" ở các em khi thể hiện những ca khúc bốn vị HLV giao phó.

Đó là Tôn Chí Long với Papa, Nguyễn Lê Nguyên với Ben, Vũ Vong Vũ với Chạm tay lên đóa hoa ngời do Thanh Bùi viết lời Việt từ ca khúc I still havent found what Im looking for.

Việc thí sinh... quên lời bài hát từng diễn ra trong đêm liveshow đầu tiên trước đó. Đó là trường hợp của cậu bé Huỳnh Hữu Đại (đội Thanh Bùi) với ca khúc Forget you, một sáng tác của Ceelo Green. Dù đã được Thanh Bùi và các HLV còn lại cổ vũ nhiệt tình nhưng Đại vẫn khóc vì phần biểu diễn không thành công của mình.

Một lần nữa, khán giả lại có cảm giác ái ngại cho các em như đã từng ái ngại cho các thí sinh của mùa giải Đồ Rê Mí 2012 khi thấy các em phải hát một ca khúc nước ngoài khó, trong khi trình độ tiếng Anh của các em chưa phải là xuất sắc.

Lỗi của người lớn?

Một trường hợp đáng tiếc nữa trong đêm thi này chính là Nguyễn Cao Khánh (đội Hiền Thục). Có lẽ do đêm thi diễn ra vào đúng ngày 27/7 - Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nên các HLV và Ban tổ chức đã giao trọng trách "kỷ niệm Ngày 27/7" cho Nguyễn Cao Khánh bằng ca khúc Vết chân tròn trên cát.

Một phần vì đây là tiết mục mở màn nhưng quan trọng hơn, ca khúc này của nhạc sĩ Trần Tiến lại là bài hát dành cho người lớn. Chính vì vậy mà Cao Khánh đã thất bại khi không truyền tải được thông điệp cũng như tình cảm sâu lắng của ca khúc đã đi cùng năm tháng tới người nghe và bị đuối giọng ở đoạn cuối. 

Tất nhiên, lỗi này không thuộc về Cao Khánh, mà ở chính các HLV và những người làm chương trình. Làm sao có thể để một đứa bé hát một ca khúc quá tầm như vậy?

Và nếu nhằm mục đích "kỷ niệm Ngày 27/7", khán giả sẽ tự hỏi, sao Ban tổ chức không lựa chọn những bài hát thiếu nhi khá hay về đề tài thương binh liệt sĩ như: Cháu yêu chú thương binh (Phạm Tuyên); Tiếng sáo chú thương binh; Nguyễn Bá Ngọc, Người thiếu niên dũng cảm, Ngôi nhà chú thương binh (Mộng Lân)...?

Trường hợp tương tự là các em Hồ Văn Phong với Đừng đánh mất chính mình, một sáng tác của Nguyễn Đình Vũ, Trần Ngọc Duy với Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son.

Chính ca sĩ trẻ Văn Mai Hương cũng đã phải lên tiếng trước hiện tượng này. Cô lấy làm tiếc vì có rất nhiều ca khúc phổ biến và dễ hát hơn nhưng những người thực hiện chương trình lại chọn cho các em những thử thách quá khó.

Vào đầu tháng 2/2013, Ban tổ chức chương trình Giọng hát Việt nhí đã tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc với các chủ đề phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi nhằm mục đích "bổ sung nguồn ca khúc mới dành riêng cho thiếu nhi cũng như góp phần tìm kiếm những ca khúc có chất lượng".

Cuộc vận động chia làm hai đợt: từ 21/2 - 15/4 và từ 16/4 - 30/6. Như vậy, cuộc vận động đã kết thúc trước cả khi ba vòng Giấu mặt, Đối đầu và Liveshow của chương trình Giọng hát Việt nhí diễn ra. Tuy nhiên, trên thực tế, đã không có một ca khúc nào nằm trong cuộc vận động được đưa vào biểu diễn trong chương trình.

Không ít câu hỏi được đặt ra: Phải chăng, cái gọi là cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi của Ban tổ chức chương trình Giọng hát Việt nhí thực chất chỉ là "chiêu" để quảng bá cho chương trình? Hay những nhạc sĩ chuyên và không chuyên trong cả nước không mặn mà với nhạc thiếu nhi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giọng hát Việt nhí bơi trong thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO