Gameshow cho trẻ em: Nở rộ phiên bản "ăn theo"

ĐINH NGUYỄN| 13/09/2017 06:19

Một loạt gameshow dành cho trẻ em có định dạng "ăn theo" các phiên bản người lớn đang nối nhau lên sóng, như Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sao nối ngôi nhí...

Gameshow cho trẻ em: Nở rộ phiên bản

Một loạt gameshow dành cho trẻ em có định dạng "ăn theo" các phiên bản người lớn đang nối nhau lên sóng, như Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sao nối ngôi nhí, Ai sẽ thành sao nhí...

Đọc E-paper

Bên cạnh những gameshow thiết kế riêng cho trẻ em, hiện có một loạt chương trình "ăn theo" phiên bản người lớn như Gương mặt thân quen nhí (mùa 4), Giọng hát Việt nhí (mùa 5), Sao nối ngôi nhí (mùa 1), Ai sẽ thành sao nhí (mùa 1) đang phát sóng trên VTV3, THVL1, nối dài danh sách gồm: Bước nhảy hoàn vũ nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Người đi xuyên tường nhí, Tôi có thể nhí, Thử thách cùng bước nhảy nhí, Vua đầu bếp nhí, Tìm kiếm tài năng MC nhí, Siêu mẫu nhí... xuất hiện lác đác từ vài năm trước và "nở rộ" trong năm nay.

Nghĩa là có bao nhiêu gameshow người lớn thi tài năng ca hát, nhảy múa, diễn xuất, tấu hài, nấu ăn... thu hút khán giả và truyền thông, thu quảng cáo tốt, phát sóng "giờ vàng" thì có gần như ngần ấy phiên bản nhí cho trẻ em từ 3 - 13 tuổi "ăn theo".  

Lý giải về xu hướng nở rộ phiên bản nhí "ăn theo", một giám đốc công ty truyền thông từng tham gia sản xuất Gương mặt thân quen nhí cho biết, hiện tìm mua (bản quyền nước ngoài, giá từ 800 triệu - 2 tỷ đồng), hoặc sáng tạo (thuần Việt) được một định dạng (format) gameshow mới, hay và đảm bảo "ăn khách" không dễ, nên phải tranh thủ tận dụng khi chương trình nào "hot" với truyền thông, có rating khán giả tốt, bán quảng cáo tốt...

Đây cũng là cách một số nhà sản xuất có tiềm lực tài chính và mua bán quảng cáo giữ chỗ (sóng) khi chưa mua được gameshow mới, hoặc không dám "mạo hiểm" làm gameshow thuần Việt chưa được "đo" về khán giả. Việc thực hiện cả phiên bản nhí có thuận lợi là ekip đã quen việc, nắm format, trang thiết bị có sẵn, nhà sản xuất ước tính được chi phí đầu tư. Phần nữa, các đài vẫn đang ưu tiên "giờ vàng" cho gameshow trẻ em, do chúng dễ tạo hiệu ứng, có rating cao, thu được nhiều quảng cáo. Sự nở rộ phiên bản nhí cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả thích xem trẻ em tranh tài ca hát, nhảy múa...

Với format đa dạng, hấp dẫn và giống fotmat của người lớn, phiên bản nhí sẽ đảm bảo được rating lý tưởng, khi được cả trẻ em lẫn người lớn (gia đình) đón xem. Đương nhiên, các nhãn hàng cũng mặn mà quảng cáo ở những phiên bản nhí hơn.

>>Showbiz - "cái áo" quá rộng cho sao nhí

Lợi nhuận cao thu được từ quảng cáo đổ vào là yếu tố thôi thúc các nhà sản xuất khai thác phiên bản nhí "ăn theo". Giá bán quảng cáo phiên bản nhí cũng tương đương với người lớn. Chẳng hạn trên VTV, Gương mặt thân quen nhí 2017 có giá từ 105 - 220 triệu/spot (10 - 30s), Giọng hát Việt nhí 2017 từ 120 - 240 triệu (chung kết 280 triệu); Sao nối ngôi nhí, Ai sẽ thành sao nhí trên THVL1 từ 60 - 150 triệu (5 - 30s).

Năm ngoái, trung bình Gương mặt thân quen nhí đầu tư 1 tỷ đồng/tập, có 20 - 30 spot quảng cáo (4 - 9 phút), thu từ 3 -7 tỷ đồng/tập; Giọng hát Việt nhí cũng khoảng mức đó.

Một giám đốc sản xuất (giấu tên) khẳng định, làm gameshow phiên bản nhí chắc chắn có lãi, thậm chí rất cao, nên nhiều công ty truyền thông "đổ xô" vào đầu tư. Ngoài quảng cáo, một số phiên bản nhí còn có nhà tài trợ chính (điện tử, điện máy, hóa mỹ phẩm). Tin nhắn (từ 3.000 - 5.000 đồng/tin) bình chọn cũng góp nguồn thu cho các phiên bản nhí, nếu "hot" có thể thu từ vài trăm triệu đến tỷ đồng/tập.

Tuy nhiên, như một nhà sản xuất khác cho biết thì làm phiên bản nhí còn khó hơn cho người lớn. Vì từ thiết kế sân khấu đến dàn dựng tiết mục đều phải kỹ lưỡng, bài bản và hoành tráng, có nét riêng. Về nội dung, phiên bản nhí phải tạo được nét mới, lạ, độc đáo để "cạnh tranh" với phiên bản của người lớn, và các gameshow thiết kế riêng cho trẻ em khác...

Nhìn chung, việc "nở rộ" phiên bản nhí ban đầu cho cảm giác khán giả trẻ em đang có cơ hội thưởng thức nhiều chương trình giải trí thú vị. Nhưng lướt qua các kênh giải trí VTV3, HTV7, THVL1... vào 3 tối cuối tuần, sẽ thấy trẻ em đang phải "gồng" mình nhập vai và phô diễn tài năng hát bolero, cải lương, nhạc rock, diễn tấu hài... với những bài hát, tiết mục của người lớn.

Trong 2 năm gần đây, độ "hot" của phiên bản nhí mùa thứ 2, thứ 3... đã giảm sâu, do sự nhàm chán và nghèo nàn về kịch bản khi rập khuôn "máy móc", bắt chước chiêu trò "câu khách" của phiên bản người lớn như khai thác đời tư quá mức, "ép" các em phải lớn, phải khóc trên sân khấu...

Theo Vietnam-Tam, tỷ lệ xem gameshow ở Hà Nội và TP.HCM đã giảm đáng kể từ cuối năm 2016 đến nay, và quảng cáo truyền hình đang mất thị phần vào các kênh truyền thông số như Facebook, Google, YouTube...

Một đại diện của nhà sản xuất Điền Quân cho biết, dù đã qua thời cực thịnh nhưng gameshow vẫn đang đem lại nguồn thu tốt nhất cho các đài, nên chúng sẽ tiếp tục phát triển và có cuộc sàng lọc lớn, đòi hỏi phải có những chương trình mới, hay và hấp dẫn hơn. Mới đây, bước vào sản xuất mùa 4, ban tổ chức đã nỗ lực làm việc với đơn vị giữ bản quyền để đem lại những đổi mới cho Gương mặt thân quen nhí 2017 với hy vọng tiếp tục giữ được vị trí của một trong 3 chương trình "ăn khách" nhất trên VTV3.

Xu hướng làm phiên bản nhí "ăn theo" sẽ không bền - nhà sản xuất Gương mặt thân quen nhí trước đây nhận định, bởi đang có những gameshow thiết kế riêng cho trẻ em rất "hot" được mua về sản xuất, như Little Big Shots - Mặt trời bé con, có rating cao nhất của đài NBC trong vòng 10 năm trở lại đây, đã bán bản quyền cho 11 quốc gia - sẽ lên sóng VTV3 từ 9/9 tới. 

>>Khách hàng nhí - mục tiêu mới của truyền hình trực tuyến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gameshow cho trẻ em: Nở rộ phiên bản "ăn theo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO