Đường dài cho "Giọng hát Việt"

TUYÊN ĐỖ| 06/09/2012 05:38

Độ nóng của chương trình Giọng hát Việt đang lên tới đỉnh điểm, bất chấp Vietnam Idol đang rục rịch bước vào những tập phát sóng đầu tiên. Nhưng, càng thành công, áp lực sống còn của những người tham gia càng lớn.

Đường dài cho

Độ nóng của chương trình Giọng hát Việt đang lên tới đỉnh điểm, bất chấp Vietnam Idol đang rục rịch bước vào những tập phát sóng đầu tiên. Nhưng, càng thành công, áp lực sống còn của những người tham gia càng lớn.

Những cái được



Mặc dù chỉ mới bước qua gần một phần ba chặng đường nhưng các đêm truyền tiếp Giọng hát Việt thu hút không ít sự quan tâm của khán giả trẻ. Hiện nay, cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội đang xoay quanh chuyện làm sao để các thí sinh đi đường dài trước cả khi cuộc thi kết thúc.

Theo đó, sức hấp dẫn ở các vòng Đối đầu mỗi lúc một tăng qua quyết định loại trực tiếp thí sinh. Bài toán hóc búa mà cả bốn huấn luyện viên, giới chuyên môn lẫn khán giả phải “đối đầu” là làm sao chọn cho đúng và loại cho thuyết phục!

Còn nhớ Sao Mai điểm hẹn năm 2004 là lần đầu một chương trình thi hát quốc tế được áp dụng tại Việt Nam thành công rực rỡ. Ba năm sau, Vietnam Idol làm một cuộc lật đổ ngoạn mục khi trở thành cuộc thi hát thu hút đông đảo thí sinh và người xem khắp cả nước.

Giọng hát Việt (bản dịch từ The Voice Việt Nam) là “tân binh” trong hành trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng ngay từ khi phát sóng đã gây xôn xao cộng đồng giải trí.

Từ việc chọn lựa bốn huấn luyện viên thuộc các dòng nhạc khác nhau, nhiều gương mặt ca sĩ phòng trà hoặc độc lập tìm tới cuộc thi, đến cách chọn bài hát... đã làm cho chương trình này có nhiều điểm mới và hấp dẫn. Hàng trăm bài viết, rất nhiều sản phẩm hình ảnh, MV hay nhạc MP3 “ăn theo” các thí sinh vào vòng trong, xuất hiện đầy rẫy trên mạng.

Hàng chục bài phỏng vấn những thí sinh “ăn chắc” tấm vé vào Top 7... Chưa gì, thí sinh là người được lợi nhất dù cho họ có vào được chung kết hay không!

Và chưa được...

Thí sinh Giọng hát Việt  tại vòng Đối đầu

Nếu như ở vòng thi Giấu mặt, các thí sinh vô tình được chương trình “vinh danh” giọng hát, thì ở vòng Đối đầu, giọng hát không đơn thuần là để phô diễn nữa mà là để các thí sinh dùng loại lẫn nhau. Nghệ sĩ đầu tiên gián tiếp chỉ trích cuộc thi này là Thanh Lam, người gây sóng gió khi đánh giá thấp hai huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà.

Gọi là gián tiếp vì Thanh Lam cho rằng, hai tên tuổi này không đủ tài và lực để “dạy” thí sinh trong vòng thi kế tiếp. Thanh Lam thì gây dư luận khi tuyên bố như vậy, nhưng sự thật lại thất vọng hơn khi phải nghe các thí sinh đánh mất phong cách riêng vì cứ mãi gào thét đến nghẹt thở, và thậm chí ở tập hai các cặp thi đấu khập khiễng bởi chênh lệch về giọng hát quá xa, dẫn đến kết quả dù thuyết phục nhưng chưa công bằng.

Liệu cả bốn huấn luyện viên có nhìn ra được điều đó?

Người nghệ sĩ tiếp theo chỉ trích đích danh vòng thi Đối đầu là ca sĩ Đức Tuấn - một anh chàng mang tiếng ăn nói khôn ngoan. Theo Tuấn, Đối đầu là vòng thi phản nghệ thuật vì chưa bao giờ một căp song ca lại hát chung để loại bỏ nhau.

Đó là những cặp bạn thân vô tình “đá” nhau ra khỏi sân khấu, những đôi song ca tình tứ bỗng dưng “kẻ ở người đi”. Khán giả dở khóc dở cười trước những màn “đấu tay đôi” nảy lửa trên “võ đài ca hát”.

Tuy nhiên, sau nhiều điều tiếng quanh hai tập Đối đầu vừa phát sóng, Ban tổ chức Giọng hát Việt đã phản pháo lại và không khoan nhượng bất kỳ ai vì họ đang làm theo khuôn mẫu của chương trình. Như vậy, niềm an ủi cuối cùng là ít ra, một vài huấn luyện viên còn biết giữ lại đúng thí sinh, dựa trên tinh thần bản lĩnh làm chủ sân khấu.

Đường dài thử lửa, những thí sinh được chọn ở hai vòng Đối đầu đa phần đều “đẹp mặt ăn tiền” so với đối thủ. Thậm chí, giọng hát hay phong cách của họ không độc đáo và nổi trội hơn là mấy nhưng với lượng ủng hộ hùng hậu, ngoại hình bắt mắt, sự tự tin... đã khiến họ được đi tiếp.

Không thể nói đến sự bất công dành cho kẻ ra đi, bởi dù giọng hát của họ có thuyết phục hơn hay không, thì cá tính mạnh và nội lực trước khán giả đã không được bộc lộ tối đa. Cả bốn huấn luyện viên chọn cho mình các thí sinh khả thi nhất để đào tạo, bởi có lẽ, sự thật về âm nhạc Việt đương thời là: khán giả Việt chỉ cần những giọng hát vừa vừa nhưng xinh đẹp, nhảy giỏi, tự tin và ăn mặc hợp thời (?).

Vẫn phải chờ xem những thí sinh được “chọn mặt gửi vàng”, sau cuộc thi sẽ làm được những gì. Thành công của họ chính là đường dài cho Giọng hát Việt tại Việt Nam, để thế hệ tài năng có cái cớ mà tin tưởng vào các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát. Nếu không, cũng chính Giọng hát Việt cũng loại hết tài năng và rồi loại luôn cơ hội tồn tại của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường dài cho "Giọng hát Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO