Đi trên sợi dây nghệ thuật

HOÀNG YẾN| 11/12/2009 08:56

Ba mươi ba tác phẩm sơn mài được họa sĩ nghiền ngẫm sáng tác trong 10 năm, song công việc thường ngày của anh là dạy vẽ luyện thi vào các trường mỹ thuật và bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc Đông y.

Đi trên sợi dây nghệ thuật

Ba mươi ba tác phẩm sơn mài được họa sĩ nghiền ngẫm sáng tác trong 10 năm, song công việc thường ngày của anh là dạy vẽ luyện thi vào các trường mỹ thuật và bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc Đông y.

Sinh năm 1968 tại Thanh Hóa, họa sĩ Phạm Huy Hùng từng có thời tuổi trẻ phiêu lãng. Anh thi đỗ vào Trường Đại học Y, trường nhạc, trường an ninh..., nhưng đều không theo học vì nhiều lý do. Năm 1994, đỗ vào Khoa Hội họa Trường Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp khi đã ngoài 30 tuổi. Mong muốn dạy học và bốc thuốc, như chí hướng của những nhà nho ngày xưa, anh mở trường dạy vẽ, có lúc phải thuê nhà ở khu trường mẫu giáo bỏ không.

Sinh viên có khi phải thay nhau làm mẫu, thầy trò rau cháo nuôi nhau. Và rồi những lớp vẽ của anh ngày càng có uy tín, mỗi khóa luyện thi, tỷ lệ thí sinh đỗ tăng dần và "lò luyện thầy Hùng" trở thành thương hiệu nổi tiếng với thí sinh khắp nơi khi đổ về Hà Nội tìm cơ hội để theo đuổi nghề vẽ.

"Truyền thống là để đi đến sự khác biệt", anh quan niệm. Ngoài thời gian dạy học, họa sĩ mua sách y cổ để đọc, học hỏi các thầy thuốc, đi nghiên cứu ở Viện Y học dân tộc... Mới đầu thử bốc thuốc cho mình và người thân, sau đó kê đơn cho bạn bè, càng ngày những bài thuốc của anh càng hiệu nghiệm. Anh nghiên cứu y học cổ truyền và thêm một số lĩnh vực khác.

Rồi văn hóa, nghệ thuật cổ qua nghề sơn mài, tượng chùa Bút Tháp và tượng cổ, kiến trúc cổ ở các đình, đền... đã quyến rũ anh. "Tôi nhận thấy từ nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam toát lên niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười sảng khoái, hóm hỉnh và hài hước, nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Những nội dung triết học cao siêu được biểu đạt nhẹ nhàng, tự nhiên và thấm đẫm tình người”, anh tâm sự.

Con đường tự học và ẩn dật nghiên cứu phần nào giúp anh có thế giới quan khá riêng biệt. Có lúc anh dùng kiến thức của y học và khoa học cổ truyền để kiến giải và nhìn nhận thế giới thông tin hiện đại. Đây cũng là phương pháp sáng tác của họa sĩ. Bức tranh không thuần túy để ngắm, để treo tường, mà là công cụ để họa sĩ chiêm nghiệm, tu tập. Thế nên, mỗi bức tranh là kết quả của một quá trình suy ngẫm, dù trừu tượng, khái quát hay biểu hình. Trông nhiều bức có vẻ như của các tác giả khác nhau, nhưng kỳ thực đều được xây dựng trên nhãn quan và thế giới quan thống nhất.

Nhiều bức tranh họa sĩ khắc họa vẻ đẹp đơn sơ với những hỉ, nộ, ái, ố thường nhật của đời sống, trông qua cứ như phác thảo, nhưng thực ra họa sĩ đã vẽ đi vẽ lại hàng năm trời. Một số bức khác dồn nén tâm tư đối với cái siêu hình trong đời sống của họa sĩ, chứa đựng rất nhiều hình đồ như ký hiệu học, như những bộ ngôn ngữ trừu tượng của riêng họa sĩ, hun đúc và được sáng tạo từ những biểu tượng khoa học - nghệ thuật cổ... Tất cả được trình bày công phu và trang trọng, như vàng son của quá khứ được tôn vinh trong cái nhìn ngưỡng vọng của con người mới...

Suy ngẫm về nghề, anh liên tưởng tới hình ảnh người làm xiếc đứng trên sợi dây, sự khổ luyện và nguy hiểm giấu sau sự hoàn hảo, nhẹ nhàng tự nhiên như hơi thở. "Trước một tác phẩm hội họa, công chúng cần sự cân bằng linh hoạt, sinh động, mới lạ và đẹp mắt, trong khi những trở ngại, mệt nhọc thật cần thiết phải để lại phía sau", anh chia sẻ. Theo anh, nghệ sĩ tạo hình (họa sĩ) hay bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều nắm được cái phần cân bằng trong mấu chốt ngôn ngữ của từng loại nghệ thuật. Họ biết sử dụng sự cân bằng, hay nói đúng hơn là biết làm lệch, làm sai khác so với những gì đã ổn định mà vẫn giữ được thế cân bằng.

Anh còn là cây bút quen thuộc viết cho tờ Thông tin mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Nhiều tranh của anh có mặt trong các bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội, Pháp... “Tôi sống một đời sống khỏe mạnh, bình dị, khiêm nhường và tôi vẽ tự nhiên, đều đặn, điều hòa như hơi thở mỗi ngày. Tôi không có ý định khai thác một chuyên đề riêng biệt, tôi vẽ tất cả những gì thôi thúc tôi vẽ, có lẽ vì vậy tôi không lặp lại mình”, họa sĩ của Đất - Trời và Người chia sẻ.

Đất - Trời và Người là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Phạm Huy Hùng, khai mạc ngày 4/12 tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu (Hà Nội). Trong triển lãm còn một sắp đặt của anh bằng lưỡi cày cũ “cũng lạ mắt lắm”, theo đánh giá của nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi trên sợi dây nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO